Da cậu bé 7 tuổi đỏ tím, bong tróc vì mẹ mắc sai lầm khi dùng kem chống nắng

Bé trai 7 tuổi phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng cháy da dù người mẹ đã bôi cho bé kem chống nắng.

Người phụ nữ có tên Danielle Day đến từ Brentwood, Essex, Anh đau lòng khi con trai 7 tuổi của cô là Reuben bị cháy nắng nghiêm trọng chỉ sau 4 giờ chơi trong vườn mặc dù đã bôi kem chống nắng.

Cậu bé 7 tuổi bị bỏng nặng đến mức da tím đỏ, không thể mặc quần áo vì cứ đụng vào da là đau, thậm chí có chỗ da của cậu bé bị bong tróc.

Người mẹ cho biết trước khi để con chơi ngoài nắng, cô có bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 50 cho bé. Bởi vậy, có lẽ nguyên nhân tới từ việc cậu bé chơi quá lâu ngoài trời và không áp dụng các biện pháp chống nắng khác.

Da cậu bé 7 tuổi đỏ tím, bong tróc vì mẹ mắc sai lầm khi dùng kem chống nắng

Da cậu bé 7 tuổi đỏ tím, bong tróc vì mẹ mắc sai lầm khi dùng kem chống nắng

Da của trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với da của người lớn. Tổn thương do tiếp xúc nhiều lần với ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da sau này.

Thời tiết mùa hè nóng nực do vậy mỗi khi cho trẻ ra ngoài chơi cha mẹ nên cẩn thận bôi kem chống nắng cho con. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng kem chống nắng cho đúng độ tuổi của bé.

Khi mua kem chống nắng, có ba điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý và phải kiểm tra trên nhãn hàng: Có SPF, yếu tố bảo vệ chống nắng từ 30 trở lên; Bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB; Có khả năng chống nước, bảo vệ trẻ em khi ở dưới nước trong 40–80 phút.

Tiến sĩ Anna Bender, bác sĩ da liễu nhi khoa tại Weill Cornell Medicine và NewYork-Presbyterian, Mỹ chia sẻ về những sai lầm phổ biến mà cha mẹ vô tình mắc phải khi bôi kem chống nắng cho trẻ.

Khi bôi kem chống nắng, cha mẹ thường bỏ sót một số bộ phận trên cơ thể như tai, môi, bàn chân. Môi dưới đặc biệt dễ bị cháy nắng vì nó trực tiếp đối mặt với ánh nắng mặt trời. Đó là lý do tại sao Bác sĩ Bender khuyên bạn nên thoa son dưỡng môi có SPF 30 hoặc cao hơn.

Bôi lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ trẻ chơi ngoài trời hoặc bơi lội. Có rất nhiều dạng kem chống nắng khác nhau nhưng sử dụng dạng kem cho trẻ sẽ hiệu quả hơn dạng xịt.

Kem chống nắng dạng xịt không nên dùng gần mặt, miệng vì trẻ có thể hít phải các thành phần gây kích ứng phổi. Thay vào đó, người lớn nên xịt kem chống nắng vào tay mình rồi thoa lên mặt trẻ.

Dù đã bôi kem chống nắng đầy đủ, nhưng để an toàn cho trẻ khi chơi ngoài trời, cha mẹ nên sử dụng thêm kính râm, mũ đội đầu cho con. Trước khi thực hiện hoạt động ở ngoài trời, cha mẹ nên xem xét chỉ số tia cực tím để sắp xếp thời gian cho hợp lý. Thời gian thích hợp thường là buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cung-con-truong-thanh/da-cau-be-7-tuoi-do-tim-bong-troc-vi-me-mac-sai-lam-khi-dung-kem-chong-nang-287859.html