Đã bắt 22 cán bộ để làm trong sạch bộ máy

Chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, ĐB Nguyễn Văn Chiến (TPHN) nêu thực trạng án bị hủy, trả hồ sơ rất nhiều và chủ yếu trả và hủy án trên cơ sở do vi phạm tố tụng.

Trong đó trách nhiệm Viện kiểm sát là kiểm soát vấn đề chấp hành pháp luật. Nhưng tình trạng vi phạm tố tụng phải trả hồ sơ, phải hủy án, cứ trả đi trả lại ba bốn lần. ĐB Chiến lấy ví dụ cụ thể như việc thay đổi tội danh liên tục đối với các bị can trong vụ án nhiều bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình.

ĐB Nguyễn Văn Chiến

“Thực tế đó khiến cử tri thắc mắc phải chăng nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện. Bởi vì anh đã không đủ căn cứ buộc tội mà anh cứ trả để buộc bằng được, như vậy không đủ chứng cứ thì có ảnh hưởng quyền lợi của người dân không”. ĐB Chiến đặt câu hỏi.

Trả lời ĐB, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC thừa nhận sau khi nhận được phản ánh của ĐB Chiến về 5 vụ án ở địa bàn Hà Nội và các tỉnh từ kì họp trước, đã lập tức kiểm tra lại thì thấy có 3/5 vụ án có những sai sót về mặt trách nhiệm, thủ tục của kiểm sát viên. Việc này chúng tôi đã chỉ đạo để khắc phục cũng như xử lý, tuy nhiên nó vẫn nằm trong các thủ tục luật pháp cho phép, phải chờ kết quả giám định hoặc định giá thì mới xác định được có tội hay không có tội. Tuy nhiên, có một vụ khi khởi tố thì căn cứ chưa đầy đủ thì đã được xử lý.

Về mặt trách nhiệm thì những phản ánh đó giúp cho chúng tôi xem xét cụ thể hơn để phát hiện ra những sai phạm hoặc những vi phạm cần phải khắc phục. Về vấn đề trả hồ sơ đi, hồ sơ lại, Viện trưởng trả lời công tác chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhưng có những việc rất khó xác định ranh giới giữa oan sai hay lọt tội phạm. Vì thế, quan điểm của Viện trưởng Lê Minh Trí là nếu tập trung chống oan sai ở mức 10 thì chống lọt tội phạm ở mức 9 vì lọt tội phạm vẫn còn có điều kiện để khắc phục, có thể phục hồi điều tra nhưng oan sai khắc phục rất khó. “ Có những trường hợp nếu chúng ta không trả hồ sơ, chúng ta không chứng minh được tội phạm vì chứng cứ không đủ hoặc chúng ta nhìn thấy lọt tội phạm. Ngược lại, có những vấn đề hồ sơ không chặt chẽ, không trả lại làm kỹ lại oan, chính chỗ này là sự biến động nhất định trong các vụ án cụ thể. Còn tinh thần chỉ đạo chung và chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất, còn không thể nào nói không được” ông Trí giải trình.

Ông Lê Minh Trí

Về chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật kỉ cương trong ngành, Viện trưởng Trí cho biết trong năm 2018 số vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tối cao đã thực hiện khởi tố, bắt giam tăng lên 39,5% trong đó cũng đã bắt 22 cán bộ liên quan đến công an, kiểm sát, tòa án (tức là thẩm phán) và cán bộ thi hành án. Để thể hiện tính nghiêm minh và cố gắng làm trong sạch bộ máy.

Cùng mối quan tâm đến vấn đề chấp hành pháp luật của các cơ quan thi hành tố tụng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre phát biểu trước Quốc Hội: qua báo cáo thống kê có thể thấy rằng vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp. Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%... Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này.

Kiên Cường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/da-bat-22-can-bo-de-lam-trong-sach-bo-may-post229864.html