Cuzco - Thủ đô của đế chế Inca

Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI là giai đoạn hoàng kim của đế chế Inca. Người Inca đã thống nhất và mở rộng vương quốc trên một khu vực rộng lớn của dãy Andes. Vào thời điểm đó, vương quốc Inca trải dài từ Ecuador đến Chile ngày nay, trong đó, thành phố Cuzco thuộc Peru giữ vai trò là thủ đô quan trọng của đế chế này. Đến nay thành phố Cuzco vẫn còn lưu giữ những thành quả nổi bật mà người Inca đã tạo dựng.

Vương quốc Inca đã từng nắm giữ sức mạnh to lớn, điều đó thể hiện qua các công trình kiến trúc và dấu ấn của vương quốc nằm rải rác ở khu vực Nam Mỹ. Năm 1983, toàn khu vực trung tâm và vùng phụ cận của thành phố Cuzco được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cuzco là một thành phố ở Đông Nam Peru, gần thung lũng Urubamba của dãy núi Andes. Thành phố là thủ phủ của vùng Cozco và tỉnh Cuzco. Từ “Cuzco” theo ngôn ngữ Inca có nghĩa là “cái rốn”. Cuzco từng được xem là trung tâm văn hóa, kinh tế và là nơi tế lễ của vương quốc Inca. Với tín ngưỡng sùng bái mặt trời, người Inca tin rằng, thủ đô của họ là trung tâm của vũ trụ.

Nằm trên độ cao 3.400 m so với mực nước biển và tựa mình vào dãy Andes với diện tích khoảng 10km2, thành phố được xây dựng một cách trình tự với lối kiến trúc rất khoa học và độc đáo. Hệ thống giao thông được thiết kế theo mô hình bàn cờ. Điểm hẹp nhất của thành phố có chiều ngang khoảng 2,8km.

Đế chế Inca đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng vững chắc cho thành phố, hệ thống cung cấp nước là một phần quan trọng trong thành phố. Chúng vẫn được duy trì tốt cho đến tận ngày nay. Nằm ngoài ngoại ô thành phố là hệ thống cung cấp nước dạng bậc thang. Vào thời phồn thịnh của đến chế Inca, nơi này là chốn linh thiêng. Có thể nói cuộc sống của người dân thành phố trở nên no đủ là nhờ vào hệ thống cung cấp nước hiệu quả phục vụ cho mục đích sinh hoạt và canh tác.

Trong thành phố, các con đường được bao bọc hai bên là những bức tường. Các kiến trúc của Tây Ban Nha và của người Inca đều hòa chung nhau. Tuy nhiên, kiến trúc của người Inca có những điều vô cùng độc đáo. Các bức tường được dựng lên từ những khối đá khít nhau không hề có một đường kẻ hay khe hở dù nhỏ. Các khối đá được mài giũa rất tinh xảo để có những bức tường đẹp và vô cùng vững chắc. Có một số bức tường có các khối đá tương đồng, tuy nhiên, một số bức tường lại được cấu tạo từ những khối đá không tương đồng nhưng chúng được mài giũa rất cẩn thận và không hề có kẽ hở.

Đền thờ Mặt trời hay còn gọi là Corican- cha nằm ở trung tâm thành phố là chốn linh thiêng của người Inca. Nơi đây thường diễn ra các nghi lễ tôn sùng thần Mặt trời vào mùa hè. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ còn một phần nhỏ của khu vực phức hợp này là còn tồn tại. Bên trong khu Đền thờ là các gian phòng mang tên Mặt trăng, Mặt trời, Tia chớp, cầu vồng...

Cho đến nay, các bức tường đá của khu đền thờ vẫn còn rất kiên cố. Năm 1533, khi quân đội Tây Ban Nha tràn vào thủ đô Cuzco, họ đã làm hư hại nhiều công trình của thành phố và mang về Tây Ban Nha nhiều vàng cũng như những tác phẩm nghệ thuật có giá trị của người Inca. Họ còn đập phá nhà thờ Coricancha và cho xây dựng nhà thờ Santo Domingo nằm trên nền ngôi đền linh thiêng của người Inca.

Tại Cuzco còn một di tích không kém phần nổi tiếng là pháo đài Sacsay Huaman. Pháo đài được xây dựng vào thế kỷ 9, là một công trình kiên cố gồm nhiều khối đá khổng lồ cao đến 5m và nặng đến 360 tấn.Trong quá trình xâm chiếm vương quốc Inca, người Tây Ban Nha đã đánh bại quân đội bản xứ bằng thuật mai phục và sử dụng những loại vũ khí bằng thép Kết quả là pháo đài giờ đây chỉ còn là phế tích và đế chế Inca chỉ tồn tại trong lịch sử.

Minh Châu

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/cuzco-thu-do-cua-de-che-inca-63694.html