'Cứu' vườn cây ăn trái trên đồi Sapi

Đồi Sapi, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cây ăn trái tại xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) với hàng trăm ha cây ăn quả như: xoài, bưởi, cam, quýt, cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, đồi Sapi thiếu nghiêm trọng nguồn nước tưới.

Ông Nguyễn Trung Sơn (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) cùng 2 nông dân khác bỏ ra 700 triệu đồng đầu tư trạm bơm nước từ sông La Ngà về để tưới cho vườn bưởi

Ông Nguyễn Trung Sơn (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) cùng 2 nông dân khác bỏ ra 700 triệu đồng đầu tư trạm bơm nước từ sông La Ngà về để tưới cho vườn bưởi

Bước vào cao điểm mùa khô năm 2020, nhiều giếng khoan, giếng đào ở đồi Sapi đã cạn nước. Nhiều nông dân không khỏi xót xa khi nhìn vườn cây đang dần khô héo.

* Nguồn nước ngầm cạn kiệt

Từ năm 2000 đến nay, phong trào chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Xuân Bắc diễn ra mạnh mẽ. Hàng ngàn ha cây trồng ngắn ngày hoặc cây trồng cho thu nhập thấp đã chuyển đổi sang trồng xoài, mít, bưởi, cam, quýt... cho năng suất và thu nhập cao hơn. Từ vùng đất sỏi đá, cằn cỗi, đồi Sapi trở nên trù phú, cây trái xanh tươi, mang lại thu nhập cao giúp nhiều nông dân xã Xuân Bắc trở nên khá giả.

Tuy nhiên, do vùng đồi Sapi không có bất kỳ công trình thủy lợi nào nên nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào các giếng khoan. Trong khi, các giếng khoan ngày càng cạn nước, nhất là vào mùa khô khiến nông dân ở đây “đứng ngồi không yên”.

Anh Hoàng Văn Dương (ngụ xã Xuân Bắc) nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, giếng đào chỉ khoảng 20-30m là bao la nước. Thế nhưng càng về sau này, nguồn nước càng khan hiếm, nông dân khoan giếng sâu đến 60-70m mới có nước. Còn bây giờ, nhiều hộ đã khoan sâu đến 90-100m mà cũng chẳng tìm thấy giọt nước nào.

Gia đình anh Dương hiện có 4/5 giếng khoan đã trơ đáy. Gần 2ha cây ăn trái của gia đình anh đang khô héo đi từng ngày. 5 sào quýt hơn 4 năm tuổi đang trong giai đoạn ra quả của gia đình anh đang nằm trong diện tích bị cắt giảm nước nghiêm trọng. Trước kia cách ngày là anh tưới một lần. Thế nhưng hiện nay, vì còn duy nhất 1 giếng có nước nên cả tuần anh mới tưới cho vườn quýt một chút để giữ cây.

Chị Vũ Thị Hiền, vợ anh Dương chia sẻ: “Mấy ngày này ra vườn buồn lắm! Nhìn vườn cây bị khô héo dần mà lòng không khỏi xót xa. Để cứu lấy cây, vợ chồng tôi chỉ còn cách hái trút hết trái để cây bớt suy kiệt, chờ ngày có mưa xuống”.

Anh Dương kể lại, trước kia, vườn nào mất nước sớm thì các hộ lân cận sẽ cố gắng chia sẻ một vài cữ tưới để giữ cây. Thế nhưng bây giờ, tình hình khó như nhau nên vườn nhà ai nấy giữ. Mấy hôm nay máy bơm nhà nào cũng tranh thủ hoạt động 24/24 giờ để “mót” nước chứa vào các bể chứa trong vườn, sau đó mới bơm đi tưới cây.

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Nga (ngụ ấp 6, xã Xuân Bắc), mặc dù đã có 2 giếng khoan sâu gần 100m nhưng vẫn không đủ nước tưới cho gần 1ha mít. Vừa qua, gia đình bà đã bỏ ra gần 70 triệu đồng để thuê thợ khoan liên tiếp 5 cái giếng nữa để “cứu” vườn cây nhưng cũng đều “xôi hỏng, bỏng không”.

Bà Nga cũng cho hay: “Ở khu vực này, mỗi hộ khoan 4-5 cái giếng là bình thường. Ấy thế mà còn chẳng đủ nước để tưới cây”.

Một số cây quýt trong vườn nhà anh Hoàng Văn Dương (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) héo khô do thiếu nước tưới

* Không để cây chết khô

Không cam lòng nhìn cả sản nghiệp của gia đình “bốc hơi” do thiếu nước, từ năm 2018, 3 nông dân ở xã Xuân Bắc gồm: Nguyễn Trung Sơn, Hoàng Văn Đảm và Trần Như Nguyện bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lắp đặt máy bơm và hệ thống ống dẫn dài hơn 4km mang nước từ sông La Ngà về tưới cho vườn cây trồng của họ.

Ông Sơn cho hay, trạm bơm này được đầu tư khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, diện tích tưới cũng chỉ đáp ứng được khoảng chục ha. Hằng năm, cứ từ tháng chạp năm trước đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 âm lịch năm sau là trạm bơm hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi tháng, các nông dân này phải tốn khoảng 30 triệu đồng tiền điện. Đó là chưa kể tiền bảo trì do hư hao đường ống, máy bơm và thuê người trông coi trạm bơm, chi phí này mỗi năm cũng trên 40 triệu đồng.

Ông Sơn chia sẻ, nhờ tưới bằng nước sông nên cây bưởi tốt hơn, năng suất đạt ổn định từ 22-25 tấn/ha/năm. Với giá bán ổn định trên 30 ngàn đồng/kg, thì mỗi ha bưởi, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông cũng kiếm được trên 300 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo các nông dân ở đồi Sapi, việc khoan giếng, đầu tư máy bơm chỉ là giải pháp trước mắt để “cứu” vườn cây ăn trái ở đây, giải pháp lâu dài vẫn là cần một hệ thống thủy lợi đưa nước từ sông La Ngà về với đồi Sapi.

* Mong chờ nguồn nước thủy lợi

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bắc Trần Văn Trình cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 8 ngàn ha cây trồng. Trong đó hơn 3 ngàn ha là cây lâu năm, số còn lại là cây hằng năm, cây ngắn ngày. Mặc dù nằm cạnh sông La Ngà thế nhưng nguồn nước tưới phục vụ cho nông nghiệp ở xã Xuân Bắc đều khai thác từ nguồn nước ngầm. Mấy năm qua, từ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng dẫn đến nguồn nước ngầm bị khai thác cạn kiệt.

Nông dân đồi Sapi (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) mong chờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi đưa nước từ sông La Ngà về. Trong ảnh: Các trạm bơm do nông dân xã Xuân Bắc đầu tư để dẫn nước từ sông La Ngà về vườn cây ăn trái

Ông Trình kiến nghị: “Đến thời điểm này, hầu hết các giếng khoan đều suy kiệt nước, nhiều diện tích cây trồng đã bị vàng héo, nguy cơ khô chết rất cao. Chính quyền và nhân dân nơi đây cũng rất mong chính quyền cấp trên quan tâm giúp cho hệ thống thủy lợi từ sông La Ngà dẫn về cho người dân sinh hoạt cũng như tưới tiêu”.

Được biết, trong năm 2014, qua khảo sát thực tế về tình hình sản xuất tại H.Xuân Lộc, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho chủ trương đầu tư một trạm bơm với công suất lớn nhằm đưa nước từ sông La Ngà về cung cấp cho trên 3,5 ngàn ha cây trồng tại các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ và Suối Cao, với tổng kinh phí đầu tư trên 800 tỷ đồng (nguồn vốn này do Trung ương hỗ trợ). Tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua, đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”. UBND H.Xuân Lộc và xã Xuân Bắc đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Còn với bà con nông dân những xã này, năm nào cũng canh cánh nỗi lo thiếu nước khi mùa khô đến.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Hiệp cho hay, năm 2019, Xuân Lộc được Trung ương chọn thực hiện thí điểm mô hình huyện kiểu mẫu về ngành nông nghiệp. Đến nay địa phương cũng đã hình thành được 4 tiểu vùng kinh tế với nhiều loại cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, Xuân Lộc cũng đang gặp khó về nguồn nước thủy lợi. Đặc biệt là tại các địa phương như: Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao..., những vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Cho nên vấn đề đầu tư thủy lợi cho nông nghiệp Xuân Lộc là việc làm hết sức cấp thiết và mang tính bền vững.

“Vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tiếp tục thực hiện khảo sát lần 2 đối với dự án Trạm bơm nước La Ngà. Đây là tín hiệu tốt và mang lại hy vọng cho bà con nông dân ở địa phương” - Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Hiệp nói.

Bài, ảnh: Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/cuu-vuon-cay-an-trai-tren-doi-sapi-2995962/