Cứu vãn thỏa thuận VFA, Philippines thay đổi trong toan tính địa chính trị ở Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng quyết định vào tuần trước của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tạm hoãn việc xóa bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA), phản ánh sự thay đổi trong những toan tính địa chính trị của Manila, trong bối cảnh sự hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông làm bùng lên những quan ngại trong khu vực.

Philippines tạm hoãn việc xóa bỏ thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ phản ánh sự thay đổi trong toan tính địa chính trị của Manila trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia nói thêm rằng những vấn đề kinh tế cũng là nhân tố dẫn đến động thái duy trì VFA, thỏa thuận đã tồn tại 2 thập kỷ, là trung tâm của mối quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Philippines, trong bối cảnh Philippines phải vật lộn với hậu quả về tài chính do lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan.

Học giả Richard Javad Heydarian, cây viết bình luận quốc tế ở Manila cho rằng việc ông Duterte thay đổi suy nghĩ hiện nay không hoàn toàn đáng ngạc nhiên, căn cứ vào những động thái gần đây của Trung Quốc tại tuyến đường biển giàu tài nguyên này, nơi có khoảng 30% lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua.

Mới đây, Trung Quốc đã điều máy bay trinh sát và tác chiến chống ngầm tới quần đảo Trường Sa và tuyên bố thành lập 2 quận đảo bao trùm Biển Đông đặt trụ sở hành chính tại quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh cũng được cho là đang xúc tiến các kế hoạch thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Nhà phân tích về an ninh châu Á Lucio Blanco Pitlo III cho rằng ông Duterte có thể vẫn coi quan hệ đồng minh với Mỹ là "quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước ông và chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, do sự bất cân xứng về sức mạnh giữa Manila và Bắc Kinh".

Theo ông, các nhà ngoại giao của Manila và Washington đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận này, đồng thời lưu ý rằng có những vấn đề khó giải quyết được, bất chấp mối quan hệ gần gũi hơn giữa quân đội hai nước.

"Một bất đồng dai dẳng là Manila muốn có quyền xét xử các quân nhân Mỹ nếu bất kỳ ai trong số họ dính líu đến tội ác khi ở Philippines. Do đó, việc đình chỉ này sẽ khiến mất thêm thời gian cho các cuộc đàm phán", ông Pitlo phân tích thêm.

Còn nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman tại viện nghiên cứu Rand Corporation ở Washington nhận định: "Cuối cùng, ông Duterte có thể vẫn chấm dứt VFA. Tuy nhiên, chắc chắn là có một dấu hiệu đầy hứa hẹn rằng Manila coi trọng thỏa thuận này đủ để giữ nó bên cạnh. Điều đó chứng tỏ rằng Philippines tin tưởng quan hệ an ninh với Mỹ là cần thiết để răn đe Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu cấp cao Collin Koh Swee Lean thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) lại cho rằng ý định tự lực nhiều hơn về quốc phòng của Manila đã bị ảnh hưởng bởi sự tăng vọt nợ công và thâm hụt ngân sách do chi tiêu cho công tác ứng phó với dịch Covid-19.

Ông nói: "Điều này có nghĩa là trong tương lai có thể nhìn thấy trước được, chi tiêu quốc phòng của Philippines sẽ bị ảnh hưởng xấu, điều này không chỉ ảnh hưởng tới các kế hoạch hiện đại hóa và mua sắm quốc phòng có từ trước của quân đội Philippines, mà cũng ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hiện tại. Vì vậy, việc duy trì VFA, ít nhất tại thời điểm này, sẽ đóng vai trò là một hình thức bảo hiểm".

Các nhà phân tích cho rằng các nước trong khu vực có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm bởi quyết định của Philippines, vì điều này có nghĩa là sự hiện diện của quân đội Mỹ vào thời điểm hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực.

(theo SCMP)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuu-van-thoa-thuan-vfa-philippines-thay-doi-trong-toan-tinh-dia-chinh-tri-o-bien-dong-117058.html