Cứu trợ khẩn cấp 16.000 bộ đồ dùng cho phụ nữ trong dịch COVID-19

Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp được phân phát tới những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực cao, cụ thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thông qua các cơ quan trung ương và địa phương trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Ngày 22/3, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cung ứng hơn 16.000 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Sự kiện này tiếp nối các lễ bàn giao bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lụt tại Việt Nam.

Tính tới thời điểm hiện tại, 16.246 phụ nữ đã được nhận bộ đô dùng.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (62,9%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra, và gần 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

UNFPA cung ứng bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em gái.

UNFPA cung ứng bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bạo lực gia đình gia tăng ít nhất 30%

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có thể diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau – trong gia đình, tại nơi làm việc, khu vực công cộng và ngoài xã hội.

Khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước, song càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19.

Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục (90,4%) không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền chủ yếu là do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và quấy rối thêm. Điều này có nghĩa rằng vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam hầu như còn ẩn khuất.

Các báo cáo gần đây cho thấy việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch khác, cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế - xã hội vốn có hoặc gia tăng trong gia đình, đã khiến bạo lực gia tăng, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo ước tính, bạo lực gia đình đã gia tăng ít nhất 30% tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, Đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước.

Theo báo cáo, nguy cơ xâm hại thân chất, xâm hại tình dục, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái ngay cả trong các tình huống khẩn cấp, kể từ giữa thập niên 90, UNFPA đã và đang cung ứng các bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp trong tình huống khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới.

Theo ước tính, bạo lực gia đình đã gia tăng ít nhất 30% tại nhiều quốc gia.

Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời ứng phó và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng gây ra.

"Bảo vệ sức khỏe trong khủng hoảng là vấn đề then chốt giúp phụ nữ và trẻ em gái có thể đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tự tin để có thể ứng phó vớ những khó khăn, thách thức do khủng hoảng gây ra. Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong giai đoạn khủng hoảng" - Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ.

Hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo là hành động không chỉ đúng đắn, mà còn sáng suốt, giúp cứu sống mạng người và xây dựng sức chống chịu để COVID-19. Các nhân viên y tế tuyến đầu cũng phải được bảo vệ trước COVID-19 và trang bị bảo hộ cá nhân để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

"Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần là ưu tiên đối với tất cả mọi người. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và không ai bị bỏ lại phía sau" - Bà Naomi Kitahara chia sẻ thêm.

P.Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/unfpa-cung-ung-hon-16000-bo-do-dung-cuu-tro-khan-cap-cho-phu-nu-co-nguy-co-bi-bao-luc-trong-boi-canh-covid-19-n188574.html