Cựu Tổng thống tự sát: Nghi vấn tham nhũng rung chuyển Peru

Alan García, cựu Tổng thống Peru đã tự sát bằng súng vào ngày 17/4, trong bối cảnh bị cáo buộc có dính líu với những bê bối tham nhũng nghiêm trọng nhất tại khu vực Mỹ Latinh.

Cựu Tổng thống Peru Alan García. Ảnh: Ernesto Arias/EPA, Shutterstock

Cựu Tổng thống Peru Alan García. Ảnh: Ernesto Arias/EPA, Shutterstock

Khi nhà chức trách tới nhà riêng của García mang theo lệnh bắt giữ, nhân vật này đã giam mình trong phòng ngủ rồi dùng súng tự bắn vào đầu, thư ký riêng của García cho biết. Cựu Tổng thống được đưa tới bệnh viện ngay sau đó, nhưng đã không qua khỏi.

Bê bối tham nhũng của ông García có liên quan đến Odebrecht, một tập đoàn xây dựng lớn tại Brazil. Năm ngoái doanh nghiệp này đã thú nhận từng đưa hối lộ 800 triệu USD để đổi lấy những hợp đồng béo bở về thi công cầu, đường và đập chắn. Là một “gã khổng lồ” trong ngành xây dựng tại khu vực Mỹ Latinh, lợi nhuận Odebrecht kiếm được đến từ những dự án về cơ sở hạ tầng có xu hướng tăng mạnh, để đáp ứng sự bùng nổ của các ngành hàng hóa.

Tiết lộ về việc Odebrecht “lót tay” những nhân vật quyền lực để đổi lấy những hợp đồng hấp dẫn đã mở ra các cuộc điều tra của công tố viên và giới luật pháp chủ yếu tại Mỹ Latinh, nhằm tìm ra ai là người ở cuối đường dây nhận hối lộ.

Ông García, 69 tuổi, là một nhân vật tiếng tăm tại Peru khi từng hai lần được bầu làm Tổng thống, một trường hợp hiếm thấy ở nước này. Hai nhiệm kỳ nắm quyền của ông García gắn liền với cả giai đoạn hưng thịnh và suy sụp của nền kinh tế Peru.

Khi lọt vào tầm ngắm của các điều tra viên về bê bối tham nhũng, vào năm ngoái, ông García từng tới Đại sứ quán Uruguay tại thủ đô Lima để xin tị nạn nhưng bị từ chối và phải quay trở về nhà.

Sáng 17/4, cơ quan chức năng Peru đã kí lệnh giam giữ 10 ngày đối với ông García với cáo buộc rửa tiền, lạm dụng chức quyền và thông đồng với các đối tượng có hành vi sai trái. Lệnh này cho phép nhà chức trách có quyền giữ người bị tình nghi cho đến khi bản án chính thức được công bố.

Cảnh sát trước bệnh viện nơi ông García được cấp cứu. Ảnh: Guadalupe Pardo/Reuters.

Trên trang Twitter của mình, Tổng thống đương nhiệm Peru Martín Vizcarra cho biết bản thân rất đau buồn về cái chết của ông García, người từng giữ cương vị tổng thống trong hai nhiệm kỳ 1985 – 1990 và 2006-2011. Ông Vizcarra và nhiều quan chức Mỹ Latinh khác cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình cựu Tổng thống.

Việc lật lại những bê bối tham nhũng mà ông Garcia có dính líu đã làm dấy lên một làn sóng tương tự trong khu vực.

Tại Ecuador, một cựu Phó Tổng thống bị tuyên án sáu năm tù cho hành vi nhận hàng triệu USD hối lộ từ doanh nghiệp.

Cùng lúc, Colombia đang dấy lên làn sóng phẫn nộ yêu cầu một công tố viên phải từ chức, khi người này đang tham gia điều tra vụ Odebrecht trong khi từng là cố vấn của một đối tác của tập đoàn này.

Nhưng trong tất cả các nước có dính dáng tới vụ bê bối, Peru vẫn là quốc gia bị “rung chuyển” dữ dội nhất, khi mà một loạt cựu Tổng thống nước này đều vướng vào vụ việc.

Tuần trước, Pedro Pablo Kuczynski, người tiền nhiệm của Tổng thống hiện thời Vizcarra đã bị bắt giữ để điều tra, và có khả năng sẽ bị giam giữ tới ba năm, trong khi các điều tra viên thu thập chứng cứ.

Alejandro Toledo, người từng là Tổng thống đầu những năm 2000, bị yêu cầu dẫn độ từ Mỹ về Peru nhưng đã từ chối. Ollanta Humala, Tổng thống nhiệm kỳ 2006 – 2011 cũng từng bị tạm giữ, song đã được trả tự do.

Odebrecht hoạt động tại Odebrecht từ năm 1979, đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn chủ chốt trong thi công cầu, đường, đập chắn.

Chính tập đoàn này đã xây dựng con đường trị giá 4,5 tỉ USD nối vùng Thái Bình Dương với vùng lòng chảo Amazon và một tàu điện tại Lima. Odebrecht cũng là người đứng sau dự án tưới tiêu mang tên Chavimochic, đưa nước tới vùng sa mạc ven biển bắc Peru, và mở ra con đường cho xuất khẩu dâu và măng tây.

Nhưng chính tập đoàn này cũng đã đẩy Peru vào những khủng hoảng chính trị nặng nề nhất trong nhiều năm.

Cuối năm 2017, Tổng thống Peru lúc bấy giờ là ông Kuczynski bị các đối thủ trong Quốc hội gây áp lực phải từ chức vì cáo buộc nhận 782.000 USD từ Odebrecht. Tuy nhiên ông này đã không chấp nhận rời ghế Tổng thống cho đến khi tuyên bố từ chức vào tháng Ba và bị bắt giữ vào tháng Tư. Hiện tại, ông Kuczynski vẫn khẳng định mình trong sạch, và cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh để chứng minh điều đó tại tòa án.

Trong thời gian này, cơ quan chức năng cũng đang tiếp cận vụ García, khi lật lại bê bối tham nhũng trong quá khứ, vốn đã có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị hàng thập kỉ của ông này nếu sớm được đưa ra ánh sáng.

Khi nhậm chức ở tuổi 36 năm 1985, ông García là Tổng thống trẻ tuổi nhất ở Mỹ Latinh. Nhưng sau đó không lâu, kinh tế Peru đã rơi vào suy sụp nặng nề, với siêu lạm phạm chạm ngưỡng 2 triệu phần trăm. Thời kỳ này Peru cũng bị phủ bóng đen bởi những xung đột chính trị đẫm máu với nhóm nổi dậy Shining Path, khi Tổng thống García dường như bất lực trong việc kiểm soát tình hình.

Người kế nhiệm của ông García, Alberto Fujimori là một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy, người đã từng ra lệnh đình chỉ Hiến pháp và thống trị đất nước theo đường lối độc tài.

Nền dân chủ Peru được phục hồi khi ông García đánh bại phe Shining Path trong cuộc bầu cử năm 2006. Trở lại với cương vị Tổng thống, ông đã chuyển hướng ưu tiên sang các lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khai khoáng, đưa nền kinh tế Peru đạt mức tăng trưởng trên 5%.

New York Times

Phi Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cuu-tong-thong-tu-sat-nghi-van-tham-nhung-rung-chuyen-peru-75523.html