Cựu Tổng thống Sudan bị tống giam

Nguồn tin của Reuters tiết lộ ông Omar al-Bashir vừa phải chuyển từ dinh thự Tổng thống (nằm trong tòa nhà Bộ Quốc phòng Sudan) đến trại giam Kobar.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir - Ảnh: DW

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir - Ảnh: DW

Kobar cách trung tâm thủ đô Khartoum về phía bắc, là nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân chính trị trong 30 năm Tổng thống Bashir giữ chức. Cựu lãnh đạo bị biệt giam tại đây, theo nguồn tin Reuters.

Sau khi tiến hành đảo chính hôm 11.4, quân đội Sudan giữ ông Bashir trong dinh Tổng thống với sự canh phòng nghiêm ngặt. Họ cũng thành lập một hội đồng quân sự dự kiến cầm quyền trong 2 năm.

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) từng ban hành hai lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Bashir vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người liên quan đến cuộc xung đột ở tỉnh phía tây Darfur. Thành viên cấp cao Hội đồng quân sự Sudan Omar Zain al-Abideen đề nghị xét xử chính trị gia này ở trong nước chứ không đưa sang quốc gia khác.

Trong khi đó, Uganda tuyên bố sẵn sàng xem xét cho cựu Tổng thống Bashir tị nạn bất chấp cáo trạng từ ICC. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni có lần lên tiếng chỉ trích Tòa án Hình sự quốc tế là công cụ phương Tây dùng để chống lại châu Phi.

Hội đồng quân sự Sudan chịu nhiều sức ép

Về tình hình Sudan, người dân vẫn tiếp tục biểu tình cho đến khi Hội đồng quân sự trao lại quyền lực cho một cơ quan dân sự. Hội nghề nghiệp Sudan (SPA, nhóm nòng cốt dẫn dắt biểu tình) kêu gọi thay đổi sâu rộng nhằm chấm dứt nạn tham nhũng cũng như khủng hoảng kinh tế dưới thời Bashir.

Người dân Sudan tiếp tục biểu tình - Ảnh: Reuters

Đại diện người biểu tình gửi tài liệu 2 trang đến Hội đồng quân sự, yêu cầu lập một hội đồng dân sự điều hành đất nước (phía quân đội vẫn có đại diện).

Hội đồng quân sự chấp thuận đáp ứng một số yêu cầu chẳng hạn như chống tham nhũng, nhưng từ chối trao lại quyền lực.

Trước đó, Hội đồng quân sự thông báo tịch thu tài sản khả nghi, đề nghị mọi đơn vị kinh tế nhà nước công khai tài chính, chỉ thị Ngân hàng trung ương Sudan rà soát lại mọi giao dịch từ ngày 1.4.

Ngày 15.4, Liên minh châu Phi (AU) hối thúc Hội đồng quân sự Sudan chuyển giao quyền lực cho cơ quan chính trị chuyển tiếp do người dân đứng đầu trong vòng 15 ngày, nếu không nước này sẽ bị tạm thời loại khỏi mọi hoạt động của khối.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/cuu-tong-thong-sudan-bi-tong-giam-111482.html