Cựu tổng thống Mỹ Bush 'cha' qua đời ở tuổi 94

Ông George Herbert Walker Bush, tổng thống thứ 41 và là người lèo lái nước Mỹ qua Chiến tranh Lạnh, đã qua đời hôm 30/11 ở tuổi 94.

"Jeb, Neil, Marvin, Doro và tôi đau buồn thông báo rằng sau 94 năm phi thường, người cha thân yêu của chúng tôi đã qua đời", cựu tổng thống George W. Bush, tức Bush "con", nói trong thông báo được công bố bởi người phát ngôn của gia đình Bush, Jim McGrath.

"George H.W. Bush là người đàn ông với những tính cách tốt đẹp nhất và là người cha tuyệt vời nhất mà một đứa trẻ có thể có. Toàn bộ gia đình Bush biết ơn sâu sắc cuộc đời và tình yêu của ông, tình cảm của những người đã quan tâm và cầu chuyện cho cha, cho lời chia buồn của bằng hữu và những người đồng bào", cựu tổng thống Bush "con" nói.

Cuộc đời 94 năm của ông Bush "cha" bao gồm sự nghiệp chính trị kéo dài suốt 3 thập kỷ với một lần tái tranh cử thất bại vào Nhà Trắng nhưng lại chứng kiến con trai mình, George W. Bush, trở thành tổng thống sau đó 8 năm.

Washington Post nói sự ra đi của ông kết thúc một kỷ nguyên, khi ông là người cuối cùng của thế hệ các cựu binh Thế chiến 2 trở thành tổng thống, và là vị tổng thống đưa nước Mỹ và thế giới thoát khỏi Chiến tranh Lạnh kéo dài suốt 4 thập niên.

Ông qua đời vào ngày 30/11 ở tuổi 94. USA Today gọi sự ra đi vào lúc này của cựu tổng thống là một chi tiết "không khác gì tiểu thuyết của Shakespeare", khi người vợ suốt 73 năm của ông, Barbara Bush, vừa qua đời hồi tháng 4 năm nay.

Tổng thống thứ 41 của Mỹ George Herbert Walker Bush. Ảnh: Reuters.

Người khép lại một kỷ nguyên

Ông Bush bước vào Phòng Bầu dục vào năm 1989, dưới chiếc bóng phủ của người tiền nhiệm Ronald Reagan, người từng là đối thủ và cũng là người ông từng phục vụ với vai trò phó tổng thống. Nhưng cũng không có tổng thống nào bước vào Nhà Trắng với kinh nghiệm phong phú hơn ông: phi công của Hải quân Mỹ, lãnh đạo ngành dầu mỏ, một nghị sĩ, đại sứ tại Liên Hợp Quốc, chủ tịch đảng Cộng hòa, đại sứ tại Trung Quốc, giám đốc CIA.

New York Times nhận định ông là nhà ngoại giao và nhà kỹ trị xuất sắc, giúp kết thúc 4 thập niên Chiến tranh Lạnh và cả mối đe dọa xung đột hạt nhân, đã phản ứng thành công sau khi Liên Xô sụp đổ...

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Bush tiếp cận thế giới đang thay đổi với quan điểm thực dụng thay vì ý thức hệ như trước đó. Ông không có niềm tin vào cái gọi là hệ thống chống tên lửa đạn đạo "Star Wars" mà ông Reagan tin có thể bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân. Vì vậy, tổng thống thứ 41 của Mỹ đã ký 2 thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân với Liên Xô.

Cũng như người tiền nhiệm Reagan, ông Bush nhận thấy nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev là người có thể trở thành đồng minh. Ông nói ông "có thể ngồi xuống và chỉ nói chuyện. Tôi nghĩ tôi cảm nhận được nhịp đập trái tim ông ấy. Sự cởi mở và thẳng thắn thay thế cho những nghi ngờ tự động trong quá khứ". Điều này góp phần dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng hao tiền tốn của giữa Liên Xô và Mỹ, sau 4 thập kỷ.

Nếu nhiệm kỳ của Tổng thống Bush "cha" đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên, ông cũng kịp mở ra một thời đại mới. Năm 1991, ông tập hợp một liên minh toàn cầu tấn công vào Iraq để buộc nước này rút quân khỏi Kuwait. Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 là một thành công, ông đứng trên bục phát biểu tại Đồi Capitol và nghe những tiếng hô "Bush! Bush!" sau bài phát biểu. Tỷ lệ ủng hộ ông tăng đến 85% trong 4 ngày không kích thủ đô Baghdad.

Giây phút "hoàng kim" nhất trong nhiệm kỳ của ông Bush "cha" khi bài phát biểu của ông được hưởng ứng nhiệt liệt trước quốc hội, không lâu sau chiến thắng tại Iraq. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, cuộc chiến đó không phải một chiến thắng tuyệt đối. Ông thường phải bảo vệ quyết định của mình về việc dừng cuộc tấn công trước khi lật đổ được Saddam Hussein và việc viện trợ trước đó cho chính quyền Hussein (thực tế đây là những cam kết của Mỹ với Saudi Arabia trước khi tiến hành cuộc chiến Vùng Vịnh).

Nhiệm kỳ của ông cũng chứng kiến sự than phiền của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rằng ngay giữa thời điểm kinh tế Mỹ tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2, ông Bush không có chương trình nghị sự rõ ràng nào cả.

Bất chấp mọi thành công về đối ngoại, nhiệm kỳ của ông khi đó bị cử tri đánh giá là thất bại khi cho rằng tổng thống đã xa rời cuộc sống hiện tại của họ. Năm 1992, cử tri từ chối Bush "cha" và chọn lấy một thống đốc phe Dân chủ ít tên tuổi từ Arkansas, Bill Clinton, để trở thành tổng thống, mở ra kỷ nguyên các nhà lãnh đạo sinh ra trong thời hậu Thế chiến.

"George H. W. Bush là tổng thống một nhiệm kỳ tốt nhất mà nước Mỹ từng có, và cũng là một trong những tổng thống bị đánh giá bất công nhất mọi thời đại", James A. Baker III, cựu ngoại trưởng Mỹ và là cố vấn thân cận nhất của ông Bush trong gần 50 năm, nói trong cuộc phỏng vấn năm 2013. "Tôi nghĩ lịch sử sẽ công bằng với ông ấy".

"Đó là một thành tựu không rõ ràng", theo sử gia chuyên về các tổng thống, ông Robert Dallek. "Hoàn cảnh và năng lực của ông trước chúng không đáp ứng được những gì cử tri đòi hỏi".

Ông Bush tăng gần gấp đôi quân Mỹ ở Vùng Vịnh sau khi quân Iraq tấn công vào Kuwait vào tháng 8/1990. Ảnh: AP.

Từ chiến trường Thái Bình Dương đến Washington D.C.

Cựu tổng thống Bush "cha", tên đầy đủ là George Herbert Walker Bush, sinh ra ở thị trấn Milton thuộc bang Massachusetts vào ngày 12/6/2924. Ông lớn lên tại thị trấn Greenwich, bang Connecticut, và là con thứ hai trong gia đình 5 người con.

Những năm đầu đời của ông Bush là thời điểm khó khăn đối với nước Mỹ, dù gia đình ông - cha làm kinh doanh và về sau trở thành thượng nghị sĩ, mẹ là con gái một nhà đầu tư - hiếm khi cảm nhận những vất vả đó. Ông đi học trường tư ở Massachusetts. Vào mùa hè, gia đình đến sống tại căn nhà ở Maine và đón Giáng sinh tại căn nhà nghỉ dưỡng của người ông ở South Carolina.

Cha ông, Prescott Bush, muốn con trai học Đại học Yale sau khi tốt nghiệp phổ thông. Song ông nói cha ông cũng nhấn mạnh rằng được hưởng đặc ân thì phải có trách nhiệm "trả lại, làm điều gì đó và giúp đỡ người khác".

Năm 18 tuổi, ông gia nhập Hải quân Mỹ. Chỉ trong vòng một năm, ông nhận được bằng lái máy bay và trở thành một trong những phi công trẻ tuổi nhất trong quân ngũ.

Được điều đến chiến trường Thái Bình Dương, ông điều khiển các máy bay ném bom từ tàu sân bay San Jacinto. Ngày 2/9/1944, máy bay của ông bị quân Nhật tấn công ở quần đảo Bonin phía tây Thái Bình Dương. Ông tấn công đáp trả dù chiếc phi cơ đang bốc cháy. Ông rơi xuống biển và được một tàu ngầm cứu sống trong khi hai đồng đội tử trận.

Sau chiến tranh, ông theo học tại Yale, nơi ông là thành viên của Skull and Bones, đồng thời là đội trưởng đội bóng chày của trường. Năm 1948, ông tốt nghiệp và bị công ty Procter & Gamble từ chối nhận vào làm. Vì vậy ông đến Texas, bước chân vào lĩnh vực dầu khí với vị trí thấp nhất nhờ quan hệ gia đình và từng bước vươn lên, thành lập công ty riêng.

Năm 1964, ông tranh cử thượng nghị sĩ nhưng thất bại. Năm 1966, sau khi bán hết cổ phần tại công ty dầu khí, ông trúng cử hạ nghị sĩ đại diện một khu vực bầu cử thuộc thành phố Houston.

Năm 1970, theo đề nghị của tổng thống khi đó là Richard Nixon, ông chạy đua vào Thượng viện lần 2 nhưng tiếp tục thất bại. Sau đó, ông được bổ nhiệm là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Giai đoạn 1973-1974, ông là chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa trong những ngày nổ ra vụ bê bối Watergate chấn động dẫn đến việc Tổng thống Nixon bị luận tội.

Ông Bush "cha" cảm thấy thất vọng khi người kế nhiệm ông Nixon, Gerald R. Ford, không chọn ông làm phó tổng thống, thay vào đó chỉ định ông làm đại sứ tại Trung Quốc. Đầu năm 1976, ông trở thành giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA).

Sau khi cựu thống đốc Georgia Jimmy Carter đánh bại Tổng thống Ford trong cuộc bầu cử năm 1976, ông Bush trở về với cuộc sống thường nhật và chuẩn bị cho kế hoạch táo bạo nhất đời ông: tranh cử tổng thống. Trong chiến dịch tranh cử, ông nhận mình là phiên bản thực dụng, ôn hòa hơn "sếp" cũ của mình, cựu tổng thống Reagan. Ông Bush đánh bại ứng viên Dân chủ Michael S Dukakis, thống đốc Massachusetts, trong cuộc bầu cử năm 1988.

Tổng thống Bush "cha" bắt tay với tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Moscow vào tháng 7/1991. Ảnh: Reuters.

Phong cách "của những thế kỷ trước"

Washington Post nhận xét dù Bush chỉ mới làm tổng thống Mỹ cách đây 3 thập niên, một số giá trị và đạo đức của ông như thể đã cách hàng thế kỷ so với văn hóa chính trị "sát phạt" ngày nay. Ông giao tiếp bằng những lá thư tay, không phải mạng xã hội.

Ông có tính cạnh tranh và tham vọng đáng kể, điều không dễ gì nhận thấy được bên dưới lớp vỏ bọc lịch sự của vùng New England và sự phóng khoáng thật lòng của ông ấy. Ông cũng có thể theo những chiến dịch tranh cử khắc nghiệt, đưa đất nước vào chiến tranh. Nhưng những thành tựu quan trọng nhất của ông được tạo ra trên bàn đàm phán.

"Khi từ 'tiết chế' trở nên bẩn thỉu, chúng ta phải xem lại tâm hồn mình", Washington Post dẫn lời ông viết cho một người bạn vào năm 1964, sau khi thua cuộc lần đầu tiên vào một vị trí trong chính quyền.

Ông Bush thất bại khi tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trước một gương mặt trẻ trong chính trường khi đó là Bill Clinton, nhưng sau này hai vị cựu tổng thống lại trở thành bạn thân. Sau trận động đất và sóng thần tàn phá một số nước châu Á và châu Phi năm 2004, ông Bush phối hợp với ông Clinton kêu gọi quyên góp, thu được 2 tỷ USD tại Mỹ. Ông Clinton từng đùa vui về tình bạn tưởng như bất khả thi giữa hai người: "Mẹ tôi gọi ông ấy là anh trai thứ tư của tôi".

Ông Bush "cha" và ông Clinton tại Thái Lan sau trận sóng thần tàn phá châu Á năm 2004. Ảnh: Gerald Herbert.

Ông Baker cũng nói rằng về mặt cá nhân, ông Bush là nhân vật hiếm hoi ở Washington mà không có kẻ thù, hoặc nếu có cũng rất ít.

"Bạn không thấy ai muốn làm hại ông ấy cả", ông Baker nói. "Dù họ đồng ý hay không đồng ý với ông về một chính sách nào đó, họ tôn trọng và quý mến ông".

Bất chấp sự tao nhã của mình, ông Bush vẫn dễ dàng trở thành chủ đề để đàm tiếu. Ngày còn học ở Đại học Yale, ông thường xuyên bị bối rối trước công chúng, đặc biệt khi phải nói về chính mình. Dù ông bị đặt vào chiến trường ngay khi vừa bước vào tuổi trưởng thành, ông bị xem là "kẻ hèn nhát" bởi những người nghi ngờ về niềm tin của ông.

Sự mâu thuẫn đó theo Bush vào chính trường. Sự thiếu vững vàng khi đất nước trải qua cuộc suy thoái kinh tế đã phá hủy sự tán đồng mà ông giành được sau Chiến tranh Vùng Vịnh. Sự tao nhã cổ điển của ông cũng bị nhiều người nhận xét là xa rời những người dân Mỹ bình thường.

Giai đoạn hậu nhiệm kỳ của ông Bush nổi lên cuộc bàn luận về cái gọi là triều đại chính trị tại Mỹ. Là con trai của một thượng nghị sĩ, ông Bush chứng kiến hai con trai của mình thăng tiến trong sự nghiệp chính trị: George W. Bush, tức Bush "con",trở thành tổng thống thứ 43 của Mỹ (trường hợp thứ hai trong lịch sử Mỹ con trai một cựu tổng thống trở thành tổng thống). Một người con trai khác, Jeb Bush, hai lần đắc cử thống đốc Florida và thất bại khi tranh cử tổng thống năm 2016.

Tuy nhiên, những gì từng là niềm tự hào lại trở thành sự buồn phiền khi những rắc rối bủa vây 8 năm nhiệm kỳ của ông Bush "con". Sự đối lập giữa hai "tổng thống Bush" lại trở thành thứ giúp người cha được nhắc đến trở lại với những mỹ từ. Nhiều người Mỹ bắt đầu đánh giá cao sự lãnh đạo thận trọng với kinh nghiệm dày dạn của ông Bush "cha".

Rời khỏi Nhà Trắng nhưng ông Bush không thực sự "về vườn" dù đã bước vào tuổi cao niên. Một số dịp sinh nhật, bao gồm sinh nhật 80 tuổi, ông thậm chí chơi nhảy dù, như người phi công năm nào. Ông cũng đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện các sứ mệnh của Nhà Trắng, bao gồm các hoạt động cứu trợ thiên tai cùng cựu tổng thống Clinton.

Cựu tổng thống Bush "cha" đón sinh nhật thứ 80 vào năm 2004 bằng một cú nhảy dù từ máy bay. Ông cố gắng duy trì sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh ngay cả ở tuổi hơn 80. Ảnh: AP.

Ông Bush và các con đã không tham dự Đại hội Quốc gia đảng Cộng hòa, nơi tỷ phú Donald Trump được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2016. Tổng thống Mỹ thứ 41 khẳng định rõ ràng không ủng hộ ông Trump trong cuộc đua với đối thủ Hillary Clinton. Dù vậy, ông đã viết thư xin lỗi Tổng thống Trump vì không thể đến dự lễ nhậm chức của Trump do lý do sức khỏe.

Trong giai đoạn hậu Nhà Trắng, ông đóng vai trò là người quan sát thay vì người chơi. Ông cũng chưa bao giờ là người thoải mái khi nói về bản thân mình. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với người chấp bút hồi ký cho ông, ông tiết lộ nỗi bất an về việc lịch sử sẽ đánh giá ông thế nào.

"Tôi bị lạc giữa vinh quang của Reagan - tượng đài mọc lên khắp nơi, tiếng kèn trumpet, người anh hùng vĩ đại - và những phiên tòa, những rối ren của các con trai", ông Bush nói.

Ông cũng lo ngại về những người đánh giá sự nghiệp của ông: "Sẽ ra sao nếu họ thấy tôi chả có gì?".

Nhưng vị tổng thống có lẽ đã tổng kết tốt nhất về tài năng và tham vọng của ông trong một đoạn nhật ký vào ngày cuối cùng của năm 1989, khi năm thứ nhất nhiệm kỳ của ông sắp sửa kết thúc.

"Tôi chắc chắn không được xem là người có tầm nhìn", ông Bush viết. "Nhưng tôi hy vọng tôi được nhìn nhận là người chín chắn, biết lo nghĩ và có năng lực".

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuu-tong-thong-my-bush-cha-qua-doi-o-tuoi-94-post896756.html