Cứu tinh của nữ nghệ sĩ không được thừa nhận

Sau 22 năm với 5,5 triệu USD âm thầm hỗ trợ các nữ nghệ sĩ không được thừa nhận, bà Susan Unterberg đã bước ra khỏi bức màn bí mật về một nhà tài trợ nâng đỡ tinh thần và vật chất cho giới nữ nghệ sĩ ở Mỹ.

Tuần này, bà Unterberg tròn 77 tuổi. Trả lời phỏng vấn báo New York Times, bà cho biết việc quyết định ra mặt, công khai danh tính vì muốn chấm dứt các cuộc tranh cãi về nhà tài trợ nặc danh, đồng thời muốn chứng minh sự quan trọng khi phụ nữ giúp phụ nữ và muốn truyền cảm hứng cho các nhà từ thiện khác.

Chương trình tài trợ kéo dài hơn 2 thập niên qua mang tên “Anonymous was a Woman”, nhằm giúp đỡ tài chính cho các nữ nghệ sĩ đang bị đối xử bất công, không được thừa nhận tài năng và gặp khó khăn trong cuộc sống.

Các thống kê mới đây do Bảo tàng Quốc gia về phụ nữ trong nghệ thuật, cho thấy phụ nữ tiếp tục bị đánh giá thấp. Tác phẩm của họ không được nhìn nhận nghiêm túc và nam giới vẫn làm chủ cuộc chơi. Nữ nghệ sĩ chỉ kiếm được 81 xu, trong khi nam nghệ sĩ được nhận 1USD.

Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ chỉ chiếm từ 3% - 5% trong các bộ sưu tập thường xuyên tại các bảo tàng lớn ở Mỹ và châu Âu. Trong số 590 cuộc triển lãm lớn được 70 đơn vị nghệ thuật tổ chức ở Mỹ từ năm 2007 - 2013, chỉ có 27% dành cho các nữ nghệ sĩ.

Bà Susan Unterberg

Bà Susan Unterberg

Thậm chí, theo New York Times, lần đầu tiên trong 27 năm qua, gần đây Phòng trưng bày quốc gia ở London mới chịu mua một tác phẩm của một nữ nghệ sĩ. Đó là bức chân dung tự họa của nữ nghệ sĩ người Italy Artemisia Gentileschi.

Bản thân bà Unterberg cũng từng là một nghệ sĩ không được thừa nhận khi ngoài 40 tuổi. Bà cũng đã từng trải qua những rào cản mà các nữ nghệ sĩ trên toàn thế giới đang đối mặt: Không được triển lãm nhiều trong các bảo tàng thường xuyên như nam nghệ sĩ, không được hưởng giá trị ngang bằng trong thế giới nghệ thuật…

Nhưng bà đã làm việc rất chăm chỉ để trở thành một nghệ sĩ đương đại. Hiện nay, tại TP New York, bà có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh trong một số bộ sưu tập tại các bảo tàng lớn, gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và Bảo tàng Do Thái giáo.

Bà đã từng có một triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại ở Cincinnati năm 2004.

Theo bà, đây là thời điểm để kêu gọi sự bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Là người sáng lập và là người bảo trợ duy nhất chương trình, bà Unterberg cùng với người em là Jill Roberts đã hỗ trợ 220 nghệ sĩ với khoản tiền thừa kế từ cha bà - ông Nathan Appleman - cũng là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng, qua đời năm 1992.

Nghệ sĩ Carrie Mae Weems nhớ lại, một ngày năm 2014, trong khi cảm thấy mình là một kẻ vô danh, bị hiểu lầm và đang cố gắng tìm cách thực hiện một số công việc mới thì cô nhận được một cuộc gọi. Đó là món quà đặc biệt 25.000USD, dĩ nhiên nó rất quan trọng, bởi vì cô cần tiền.

Nhưng hơn bất cứ thứ gì, cái cô cần là sự khuyến khích và hỗ trợ để tiếp tục làm việc, bất chấp mọi áp lực. Món quà của Carrie Mae Weems là một phần của chương trình tài trợ kéo dài 22 năm qua và đã lên đến tổng cộng 5,5 triệu USD.

Trong những người từng được bà Unterberg giúp đỡ, nhiều nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi như Louise Lawler, Tania Bruguera, Carolee Schneemann, Mickalene Thomas…

Họ cũng đã tổ chức được các triển lãm cá nhân tại các viện bảo tàng lớn. Họ được một hội đồng gồm những nhà phê bình, những nghệ sĩ tên tuổi, cũng như “nặc danh” bình chọn.

Những phụ nữ được chọn chỉ đơn giản là trên 40 tuổi, đang ở giữa sự nghiệp nhưng vướng nhiều khó khăn. Khoản tiền tài trợ đến đúng lúc đã thay đổi cuộc sống của họ.

Như trường hợp của Amy Sherald, người nhận tài trợ năm 2017. Trước khi được chọn, cô được thông báo sẽ phải vẽ cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cho Phòng Triển lãm chân dung quốc gia. Thời khắc nhận được tấm ngân phiếu, cô thật sự không còn khả năng trả tiền thuê nhà. Cô chỉ còn đúng 1.500USD trong túi.

Các nữ nghệ sĩ nhận được 25.000USD từ lâu đã tự hỏi về người tài trợ là ai? Nói như Nicole Eisenman, người nhận được trợ cấp năm 2014, sự nặc danh chính là sự hào phóng đặc biệt nhất, lòng nhân ái của khoản trợ cấp này là điều tuyệt vời.

Người ta đã dùng nhiều thuật ngữ để biết ơn chương trình này, như “phao cứu sinh”, “phép lạ”…, nhưng bà Unterberg nói rằng, bà chưa bao giờ lập ra chương trình này để được biết ơn.

Tôi cảm ơn chương trình này đủ để giúp đỡ cuộc sống của nhiều người khi họ cần nó. Tôi sẽ bỏ lỡ những niềm vui bí mật khi nhìn thấy mọi người được hưởng lợi từ xa mà không có tên tôi được đính kèm.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuu-tinh-cua-nu-nghe-si-khong-duoc-thua-nhan-535691.html