Cựu Thủ tướng Đức: Đến lúc phương Tây phải công nhận Bán đảo Crimea của Nga

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng đã đến lúc Bán đảo Crimea phải được công nhận là phần lãnh thổ của Liên bang Nga.

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder

Trả lời phỏng vấn tờ Aachener Nachrichten, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng sớm hay muộn Bán đảo Crimea sẽ phải được phương Tây công nhận là phần lãnh thổ của Liên bang Nga.

"Đây là thực tế mà trước sau cũng sẽ phải được công nhận. Trước đây Bán đảo Crimea thuộc sở hữu của Nga nhưng vào năm 1954 bán đảo này trở thành món quà của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine vào thời điểm đó”, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho biết.

Ông Schroeder nhấn mạnh châu Âu cần khôi phục sự hợp tác với Moscow, vì Nga là láng giềng gần nhất và sẽ không có hòa bình lâu dài trên lục địa già này nếu thiếu sự hợp tác của Moscow.

Theo giới phân tích, tuyên bố của cựu Thủ tướng Đức được cho là sự cảnh báo với Mỹ và phương Tây về việc từ bỏ mưu đồ chia tách để làm suy yếu nước Nga, mà việc lên án Tổng thống Putin tái sáp nhập Bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga chỉ là một sự che đậy mưu đồ đó.

Trước đó, Ukraine đã nhiều lần nói về việc "lấy lại" Bán đảo Crimea. Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk từng đề xuất cấp quy chế đặc biệt cho bán đảo này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo đảng Sáng kiến Dân sự - Anatoly Gritsenko và cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko ủng hộ đề xuất này.

Gần đây, một số quan chức Ukraine đã bắt đầu thừa nhận rằng Kiev sẽ không thể lấy lại Bán đảo Crimea. Trong tháng 4/2018, Thứ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và luân chuyển nhân sự nội bộ Ukraine, ông Georgi Tuka, tuyên bố trên sóng truyền hình 112 Ukraine "hiện nay, Ukraine không đủ sức lấy lại Bán đảo Crimea và kiểm soát Donbass". Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tuka, Donbass và Bán đảo Crimea về lâu dài sẽ trở lại thành phần của Ukraine.

Bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014

Bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 3/2014. Hơn 95% cư dân trên bán đảo này đã bỏ phiếu tán thành trở về Nga. Chính quyền địa phương tổ chức trưng cầu ý dân sau khi xảy ra cuộc đảo chính ở Ukraine vào tháng 2/2014.

Kiev và một số nước phương Tây cho rằng đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố khu vực này vẫn thuộc về Ukraine, nhưng chỉ là phần lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng. Moscow đã nhiều lần tuyên bố sáp nhập Bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các nhà chức trách Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, đã nhiều lần tuyên bố dứt khoát khép lại các vấn đề về việc sáp nhập Bán đảo Crimea.

Trước đó, năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã cắt chuyển Bán đảo Crimea từ Nga sang Ukraine nhằm củng cố sự thống nhất giữa Nga với Ukraine cũng như tình hữu nghị vĩ đại và không thể tách rời giữa hai dân tộc.

Tuy nhiên, đến thời hậu Xô Viết thì Kiev dường như không muốn kéo dài tình hữu nghị vĩ đại đó nữa. Đặc biệt từ sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004 thì Kiev ngày càng thể hiện "khát vọng Tây tiến".

Đỉnh điểm là việc Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ năm 2014 và khi chính quyền được trao cho những “chính khách Maidan” thì Kiev đã kết thúc tình hữu nghị mà nhờ đó họ từng có được Bán đảo Crimea trong 60 năm.

Trí Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuu-thu-tuong-duc-den-luc-phuong-tay-phai-cong-nhan-ban-dao-crimea-cua-nga-post281313.info