Cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân kháng cáo

Ông Trần Việt Tân không chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm về nội dung cũng như hình phạt, bị cáo làm đơn đề nghị tòa phúc thẩm xem xét. VKS cũng đã kháng nghị bản án sơ thẩm.

Vũ 'nhôm' lĩnh thêm 15 năm tù TAND Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành lần lượt lĩnh 36 và 30 tháng tù giam.

Chiều 15/2, TAND Hà Nội cho biết bị cáo Trần Việt Tân (cựu Thứ trưởng Bộ Công an) - người bị kết án sơ thẩm 36 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” thâu tóm hàng loạt bất động sản, nhà đất công sản - đã gửi đơn kháng cáo.

Vì sao cựu thứ trưởng chống án?

Ông Tân trình bày trong đơn, rằng bản thân không chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm về nội dung, hình phạt đối với bị cáo.

Người này kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Trần Việt Tân (trái) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.D.

Bị cáo Trần Việt Tân (trái) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.D.

Trước đó, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, cựu thượng tá tình báo) và đồng phạm diễn ra từ 28-30/1. Cùng đồng phạm với cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành, ông Trần Việt Tân bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phan Văn Anh Vũ và 2 cựu sĩ quan Tổng cục Tình báo của Bộ Công an bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo tòa sơ thẩm, lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo, Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 dự án nhà, đất công sản, dự án bất động sản ở vị trí đắc địa tại hai thành phố lớn là TP Đà Nẵng và TP.HCM với tổng diện tích 6.700 m2 nhà và gần 27.000 m2 đất không qua đấu giá trái quy định.

Sau đó, việc Vũ không sử dụng bất động sản vào mục đích nghiệp vụ mà chuyển nhượng hoặc liên doanh, liên kết đầu tư kinh doanh nhằm thu lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm uy tín của lực lượng công an nhân dân.

Giai đoạn 2009-2016, ông Trần Việt Tân là Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo sau đó là thứ trưởng trực tiếp phụ trách Tổng cục Tình báo. Sau khi được các cán bộ dưới quyền tham mưu, đề xuất, Trần Việt Tân đã ký 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Vũ được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an, gồm nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (TP.HCM).

Ông Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục Tình báo, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ. Từ đó để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản của ngành công an để được thuê các nhà, đất công sản theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách Nhà nước, số tiền 155 tỷ đồng.

Phan Văn Anh Vũ và bị cáo liên quan vụ án. Ảnh: P.D.

Viện kiểm sát kháng nghị

Cùng ngày, VKSND Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự trong vụ án liên quan đến Vũ “nhôm” và 4 đồng phạm nói trên.

Theo kháng nghị, VKS kết luận tòa sơ thẩm đã xác định không đúng bản chất và trái quy định của pháp luật khi tính toán thiệt hại và quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án.

Đối với thiệt hại của Nhà nước tại 7 dự án bất động sản, Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để được nhận các dự án mà không cần đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính. Do đó, việc giao các dự án này là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đến thời điểm bị khởi tố, tại các dự án trên Vũ vẫn là người trực tiếp quản lý, sử dụng và được hưởng lợi. Trong thời gian này, Nhà nước đã mất đi quyền quản lý, khai thác sử dụng các tài sản công. Hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” cùng đồng phạm không phải là chiếm đoạt mà là gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo quan điểm của VKS, thiệt hại trong vụ án cần được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỷ đồng mới phù hợp với thực tế. Trong khi đó, bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án, cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước.

Còn đối với việc án sơ thẩm tuyên thu hồi 7 dự án đã kê biên nêu trên để nộp vào ngân sách Nhà nước, VKS đánh giá kết luận này không đúng quy định. Cụ thể, các dự án này do UBND TP Đà Nẵng và UBND TP.HCM giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là đã trái các quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, cần áp dụng quy định của Luật Đất đai này làm căn cứ khi giải quyết.

Theo quan điểm của cơ quan công tố, đối chiếu các quy định tại Điều 64, Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND cấp tỉnh. Do đó, việc xử lý 7 dự án nhà đất công sản trên cần phải tuyên theo hướng hủy các quyết định giao đất trái pháp luật của UBND TP Đà Nẵng và UBND TP.HCM. Đồng thời, giao cho UBND hai TP trên thu hồi, quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuu-thu-truong-bo-cong-an-tran-viet-tan-khang-cao-post916840.html