Cứu thành công sản phụ mắc bệnh tim 20 năm không chữa, mang thai đến 3 lần

3 chuyên khoa Sản, Tim mạch, Gây mê hồi sức, của BV E đã cứu sống sản phụ có bệnh lý tim mạch hiếm gặp, điều đặc biệt bà mẹ này chưa từng chữa bệnh tim và mang thai lần 3.

Ca bệnh ít gặp

Chị Lý Thị Co, 20 tuổi, người Mông, tỉnh Điện Biên, cách đây 8 năm, đã xuất hiện các cơn đau ngực, khó thở nhưng không đi khám.

Trước đó, theo lời kể của bệnh nhân, khi lấy chồng và mang thai lần đầu các cơn đau ngực từng xuất hiện nhiều, sức khỏe yếu khiến chị C bị sảy thai.

Đến năm 2020, bệnh nhân tiếp tục mang thai lần 2, chị đã được bác sĩ tuyến xã khám và cảnh báo về bệnh tim mạch khi thấy tim đập mạnh bất thường. Do gia đình quá nghèo nên bệnh nhân vẫn không đi khám. Đến tháng cuối thai kỳ, chân sản phụ phù nhiều, tim đập nặng nề, mới vay mượn lên BVĐK tỉnh Điện Biên để mổ lấy thai.

Chưa kịp đến bệnh viện, sản phụ C đã đẻ "rơi" đứa trẻ, các bác sĩ phải đưa ngay vào phòng đẻ, cấp cứu thành công "mẹ tròn con vuông".

Tại lần sinh nở lần 2 này, bệnh nhân được khuyến cáo mắc tim bẩm sinh không nên sinh con, cần ở lại viện để mổ tim, tuy nhiên do điều kiện khó khăn, bệnh nhân tiếp tục xin về.

Đến lần mang thai thứ 3, khi ở tuần thai 34, cơn đau tim ngày càng hành hạ. Gia đình mới đưa sản phụ đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

TS. BS Phạm Thành Đạt thăm khám, kiểm tra lại vết mổ cho bệnh nhân trước ngày xuất viện.

TS. BS Phạm Thành Đạt thăm khám, kiểm tra lại vết mổ cho bệnh nhân trước ngày xuất viện.

Tại đây, các bác sĩ nhận định sản phụ mắc bệnh tim mạch, phải xuống Hà Nội chữa mới cứu được cả mẹ và con.

Sau một tuần điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện E để cấp cứu mổ lấy thai và phẫu thuật tim mạch, bởi bệnh viện này có đầy đủ 3 chuyên khoa Sản, Nhi, Tim mạch.

TS. BS Phạm Thành Đạt - Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BV E, người trực tiếp tham gia vào ca mổ chia sẻ, với bệnh nhân bị tim bẩm sinh cần phải phẫu thuật ngay từ khi còn nhỏ, nếu không được phẫu thuật bệnh nhân có thể tử vong trong những năm tháng đầu đời.

Tuy nhiên với trường hợp bệnh nhân C, bệnh nhân không thăm khám, không sử dụng thuốc mà có thể sống được tới 20 tuổi và trải qua 3 lần mang thai, trong đó có một lần sinh thường, đây là trường hợp đặc biệt hiếm gặp trong y văn.

Em bé được nuôi dưỡng trong lồng kính

Trước đây, những người phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh được khuyến cáo không lấy chồng, sinh con, nhưng hiện nay với các tiến bộ của y học người mắc bệnh tim vẫn có thể mang thai, tuy nhiên chỉ trong các tình huống bệnh lý cụ thể, TS Đạt nói.

Cuộc mổ "bắt con" cân não

BSCKII Nguyễn Thị Kiều Oanh - Trưởng khoa Phụ sản, BV E kể, khi tiếp nhận, sản phụ C. đang trong tình trạng rất nguy kịch, thai nhi ở tuần thứ 34 trên người mẹ có hẹp khít van động mạch chủ, hẹp động mạch chủ lên và suy tim.

Nếu giữ thai để sinh đúng kỳ sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng mẹ do việc chênh áp lớn giữa buồng tim và van động mạch chủ có thể gây phù phổi cấp, ngừng tim đột ngột dẫn đến tử vong mẹ và con.

Trước tình thế nguy kịch của bệnh nhân, ngay lập tức một cuộc hội chẩn chuyên khoa Sản, Tim mạch, Hồi sức… do trực tiếp TS. BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV E chủ trì được tổ chức. Sau quá trình cân nhắc, các bác sĩ đưa ra quyết định mổ "bắt con" để đảm bảo tính mạng người mẹ.

Tuy nhiên, các bác sĩ xác định, ca mổ bắt con này cũng đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm, nhất là quá trình gây mê kéo dài.

Với trường hợp van động mạch chủ hẹp, bản thân dòng máu đi qua tim ra ngoài đã bị ảnh hưởng, nếu thêm tác dụng phụ của thuốc mê có thể làm triệu chứng của bệnh tim nặng hơn, nguy cơ xảy ra đột ngột phù phổi cấp, suy tim cấp sau mổ, đe dọa tính mạng người bệnh là rất lớn.

Quá trình gây mê tuy có máy thở hỗ trợ, nhưng bệnh nhân có cơ hội tỉnh hay không? Nguy cơ phù phổi cấp có tăng gánh nặng cho tim không? Giả thiết, trong quá trình mổ lấy thai, tim có diễn biến nguy hiểm cần phải thay van tim ngay.

Mổ lấy thai là một phẫu thuật mở cả ổ bụng và tử cung nên có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu phải thêm một cuộc phẫu thuật tim cấp cứu, nguy cơ tử vong cho mẹ là rất lớn.

Do vậy khi mổ "bắt con" phải thận trọng, để bệnh nhân ổn định được hết thời kỳ hậu sản cấp cứu, chuẩn bị cuộc mổ tim thì tốt hơn. "Những khó khăn này khiến các bác sĩ tham gia cuộc mổ căng như dây đàn", BS Oanh nói.

Rất may mắn, trong cuộc mổ lấy thai mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Ngày 8/9/2022, bé trai nặng 2,5kg với trái tim khỏe mạnh đã được chào đời và được chăm sóc trong lồng kính ở khoa Nội Nhi tổng hợp. Đến ngày 17/9/2022, sức khỏe bé ổn định, đã được xuất viện về với gia đình.

Bệnh tim đặc biệt

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, dựa trên các kết quả thăm khám, siêu âm các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BV E nhận định bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ và hẹp khít động mạch chủ lên. Trên kết quả siêu âm tim đánh giá có sự chênh lệch áp lực rất lớn giữa động mạch và buồng tim qua van động mạch chủ.

TS. BS Phạm Thành Đạt cho biết, với người bình thường van động mạch chủ thông thoáng áp lực này chỉ từ 5 mmHg. Nhưng với sản phụ C. cả van động mạch chủ, động mạch chủ đều bị hẹp rất nặng (nơi hẹp nhất chỉ có 7 mm, trong khi đó với độ tuổi này kích thước trung bình của của động mạch chủ khoảng 30 mm) dẫn tới chênh áp giữa động mạch chủ và trong buồng tim rất cao lên đến gần 140 mmHg, tức quả tim của bệnh nhân phải chịu một áp lực rất lớn lên tới 260 mmHg trong buồng tim, trong khi đó huyết áp của người bình thường chỉ là 100-120 mmHg.

Bình thường van động mạch chủ rất mỏng, độ dày chỉ khoảng dưới 1 mm, các mép van chỉ tiếp xúc với nhau ở ba góc, nhưng với bệnh nhân ba lá van đều dày lên, chỗ dày nhất là 5 mm, bên cạnh tổn thương lá van bị dày, thì các mép van dính vào nhau trên diện rộng dính cả vào thành động mạch chủ nên biên độ hoạt động của các lá van rất hạn chế, lỗ van không thể mở ra được theo chu kỳ co bóp của tim.

Với các tổn thương như vậy, các bác sĩ đánh giá đây không phải tổn thương thông thường như bệnh van tim mắc phải ở người lớn mà đã có từ rất lâu, khả năng cao đã có từ khi sinh ra, qua thời gian tiến triển dần nặng hơn. Trường hợp này, trong quá trình sinh nở phải gắng sức, người mẹ có nguy cơ phù phổi cấp, tử vong rất cao, TS Đạt nói.

Sau thời gian ngắn hậu phẫu sản khoa, đánh giá tình trạng người bệnh, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, BV E đã thực hiện tiếp ca phẫu thuật thay van động mạch chủ đầy khó khăn, đem lại sự sống an toàn cho sản phụ.

TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV trực tiếp mổ cho biết: thương tổn của bệnh nhân rất phức tạp, van tim viêm dày dính chặt vào thành động mạch chủ che kín các lỗ động mạch vành, gốc động mạch chủ thắt hẹp.

Kíp mổ đã phải mất cả giờ đồng hồ để cắt xẻ, gỡ dính, gọt sửa chữa các cánh van, giải phóng các lỗ động mạch vành, mở rộng lỗ van tim, lấy màng tim tự thân mở rộng gốc động mạch chủ cho dòng máu từ trong tim bơm ra ngoài nuôi cơ thể không bị cản trở.

Điều may mắn là bệnh nhân không phải mổ trong tình trạng cấp cứu. Bình thường với một cuộc phẫu thuật nguy cơ rủi ro khoảng 1-2%, nếu hoàn cảnh cấp cứu nguy cơ sẽ trên 10%.

Rất may trong quá trình hậu phẫu sau mổ bắt thai, bệnh nhân tương đối ổn định, do vậy các bác sĩ có thể tiến hành cuộc phẫu thuật tim có sự chuẩn bị kỹ càng nhất, có thể thăm dò toàn thân (tim, phổi, gan, thận và các cơ quan khác), siêu âm mạch máu toàn thân…

Chia sẻ về ca bệnh, TS. BS Phạm Thành Đạt cho biết, đây thực sự là một kỳ tích. Điều nguy hiểm nhất với bệnh hẹp khít van động mạch chủ, nhiều khi không cần phải mang thai, không cần phải trải qua quá trình gắng sức bệnh nhân đã có nguy cơ đột tử rồi.

Với bệnh nhân mang thai, nguy cơ tử vong lại càng cao, do trong quá trình mang thai, bệnh nhân phải mang thêm một em bé, lượng tuần hoàn của người mẹ tăng lên 20% do đó lưu lượng máu qua tim phải tăng lên, chênh lệch áp lực giữa buồng tim và động mạch chủ càng lớn hơn.

Chị Lý Thị Co đã được ra viện trở về nhà, cháu bé cũng khỏe mạnh

Đặc biệt trong quá trình sinh đẻ bệnh nhân phải trải qua quá trình gắng sức và lưu lượng tuần hoàn qua cơ thể người mẹ tăng lên để đảm bảo nhu cầu cung cấp oxy, cung cấp máu cho thai nhi, dẫn đến nguy cơ đột tử, ngừng tim, phù phổi cấp…. càng cao. Vậy mà người bệnh đã trải qua 3 lần mang thai, 2 lần sinh nở an toàn. Thực sự kỳ tích đã xảy ra với gia đình người bệnh.

Đến nay sau gần hai tháng điều trị tại Trung tâm Tim mạch, BV E sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, và được xuất viện ngày 9/11.

Trước lúc được xuất viện trở về với gia đình, chị C. và chồng tỏ lòng biết ơn vô cùng đối với tập thể y bác sĩ của BV E. Nhập viện khi trong túi không có tiền, tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc", có thể ra đi bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các bác sĩ với sự kết nối của Phòng Công tác xã hội bệnh viện, Nhóm Cầu Nối Thiện Tâm và Chùa Thanh Lanh hỗ trợ chi phí ca mổ cùng sinh hoạt phí cho gia đình với giá trị tài trợ là 98.000.000VNĐ.

Nhận biết bệnh hẹp khít van động mạch chủ thế nào?

Theo TS. BS Phạm Thành Đạt, triệu chứng bệnh hẹp khít van động mạch chủrất nghèo nàn thường không có dấu hiệu đặc biệt, bệnh nhân thường vào viện trong tình trạng đột ngột bị ngất hoặc đau ngực.

Bệnh rất nguy hiểm nhưng không có dấu hiệu cảnh báo trước, minh chứng rõ ràng là bệnh nhân C không hề biết, chỉ khi quá trình mang thai có những thay đổi bệnh nhân mới phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Người bệnh có thể có dấu hiệu khó thở nhưng không điển hình của bệnh này, dấu hiệu đau tức ngực, ngất, tai biến thoáng qua…

Do vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là thăm khám sức khỏe định kỳ. Chỉ cần một ống nghe, khi đặt vào ngực bệnh nhân, thấy có những tiếng thổi, tiếng tim bất thường, đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân có bất thường trong tim, cần hướng dẫn bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa để siêu âm tim, kiểm tra cụ thể, TS Đạt khuyến cáo.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hy-huu-cuu-thanh-cong-san-phu-mac-benh-tim-20-nam-khong-chua-mang-thai-den-3-lan-169221110003149913.htm