Cứu thai nhi 31 tuần tuổi bị phá bỏ: 'Nhân văn' đâu?

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, những hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều vi phạm pháp luật và cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Vụ cứu sống thai nhi 31 tuần tuổi bị phá bỏ đã ngừng tim, ngừng thở đang khiến dư luận xôn xao.

Ngày 14/9, trao đổi với báo Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc này các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ xem phòng khám tư nhân, bệnh viện tư hay người mẹ có hành vi vứt bỏ con ra bãi tập kết rác như thế.

"Việc này cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì phạm tội cố ý giết người. Trong luật đã có quy định rất rõ đối với những trường hợp nào thì được nạo hút phá thai. Cụ thể tất cả những hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều vi phạm pháp luật hay những quy định về đối tượng được nạo hút thai để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ.

Lương y như từ mẫu mà tại sao họ không thực hiện đúng với những phẩm chất cao quý đó của ngành y, chỉ vì lợi ích, đồng tiền mà để cho nhiều thai nhi ngừng thở khi vừa chào đời là phi đạo đức", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Theo ông Hòa, thời gian gần đây, báo chí đưa rất nhiều những vụ việc bé sơ sinh bị vứt đường, vứt chợ khiến nhiều người đau lòng, xót dạ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này cũng cần phải xét đến tính nhân văn để hiểu cho cặn kẽ nguyên nhân.

"Tôi cho rằng, không có phòng khám hay bệnh viện nào tự ý phá bỏ thai nhi đã quá tuần tuổi theo quy định. Nếu không vì ý muốn của người thân, họ không muốn sinh đứa bé đó ra thì không phòng khám nào dám làm chuyện đó.

Phần lớn những trường hợp đó đều là sinh con ngoài ý muốn hay chưa đủ tuổi. Bởi vậy, rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là hội thanh niên, phụ nữ phải tích cực vận động làm sao cho người dân hiểu, nhận thức được những vấn đề đó để phòng tránh, nhất là ở độ tuổi chưa thành niên.

Những hội đoàn này có vai trò rất quan trọng, nếu làm hết sức mình, có trách nhiệm thì tôi tin sẽ hạn chế được rất nhiều những trường hợp sinh con ngoài ý muốn", ông Hòa nói thêm.

Cũng theo ông Hòa, việc nạo phá thai ngoài ý muốn là những việc rất quan trọng, có những địa phương vì thành tích mà sẵn sàng giấu giếm không báo cáo những trường hợp sinh con ngoài ý muốn, nạo hút phá thai.

Bởi vậy, rất cần các ban ngành đoàn thể vào cuộc, quan tâm hơn đến những vấn đề đó để chống bệnh thành tích, đồng thời tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống lành mạnh.

'Điều may mắn như phép lạ...'

Trở lại với vụ việc cứu sống thai nhi 31 tuần tuổi bị phá bỏ, cùng ngày, cũng trao đổi với PV, anh Minh Tinh (33 tuổi), trưởng nhóm tình nguyện Bảo vệ sự sống thai nhi Việt cho biết, anh là người trực tiếp phát hiện và ôm thai nhi này đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Anh cho biết, khoảng 19h30 tối 4/7, khi đang vòng quanh các con đường có nhiều phòng khám sản tư ở Hà Nội, anh phát hiện một túi bóng đen ở điểm tập kết rác cách Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 4km. Túi gói hở, được đặt dưới chân thùng rác, bên trong có vật gì đó đang cựa quậy.

Nhóm tiến lại gần và phát hiện một bé trai sơ sinh nằm trong túi, lẫn kèm là một số vật tư y tế. Bé còn thở, khóc nhẹ, tuy nhiên cả cơ thể tím tái, dấu hiệu sự sống rất yếu ớt. Dây rốn của em bé đã được cắt, máu từ dây rốn rỉ loang ra vùng bụng dù được buộc lại bằng chỉ để cầm máu.

Thai nhi 31 tuần tuổi bị phá bỏ đã được các bác sĩ cứu sống và hồi phục - Ảnh: NLĐ

Thai nhi 31 tuần tuổi bị phá bỏ đã được các bác sĩ cứu sống và hồi phục - Ảnh: NLĐ

Nhận định đây là trường hợp vừa bị nạo phá, các anh ôm lấy bé, ủ ấm và gọi taxi để đưa em bé lên bệnh viện cấp cứu. Trên xe, nhóm tiến hành bóp bóng, ấn ngực giúp con hô hấp; hà hơi, đẩy sạch các dịch ở mũi miệng và búng vào lòng bàn chân để con khóc.

Anh Minh Tinh cho biết, các anh luôn mang theo thiết bị bóp bóng và khăn lau bên người để sơ cứu cho các con khi cần thiết. Kinh nghiệm từng làm trong ngành y đã giúp anh rất nhiều trong việc thực hành và hướng dẫn lại cho anh em.

Sau khoảng 20 phút di chuyển, em bé được đưa vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để cấp cứu. Lúc này, bé đã rất yếu, ngừng tim, ngừng thở, tình trạng vô cùng nguy kịch.

Trong quá trình chờ đợi cấp cứu, nhóm đặt tên bé là Nguyễn Bình An với hy vọng con sẽ bình an, “tai qua nạn khỏi”.

Anh Minh Tinh chia sẻ, 7 năm làm công việc này, nhóm đã cứu sống khoảng 100 em bé sơ sinh và chôn cất từ 700-800 thai nhi mỗi tháng.

“Nhìn thấy bé vẫn còn nguyên vẹn và có dấu hiệu của sự sống, chúng tôi thực sự rất hạnh phúc”, anh Minh Tinh nói.

Cũng theo anh, Bình An may mắn hơn nhiều trường hợp tương tự bởi con đã được cắt rốn, lấy chỉ buộc lại để cầm máu.

Theo thông tin trên báo chí, tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh chia sẻ, ngay khi tiếp nhận, kíp cấp cứu đã lập tức đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Sau đó, em bé được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, cho sử dụng kháng sinh và truyền các loại thuốc khác.

Ông Giang nhận định, Bình An nặng 1.6kg khi nhập viện, tương đương sinh ở tuần thứ 31, thiếu khoảng 8 tuần thai. Việc sinh non, lại chào đời bằng biện pháp nạo phá khiến bé diễn tiến rất nặng, ngừng tim, ngừng thở thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, bé đã may mắn đáp ứng điều trị tốt và dần qua cơn nguy kịch.

Được biết, 2 tuần gần đây, bé đã có thể tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú, nặng 2.6kg. Các bác sĩ cho biết, sự hồi phục của Bình An là điều “cực kỳ may mắn”, bởi những trường hợp tương tự khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/cuu-thai-nhi-31-tuan-tuoi-bi-pha-bo-nhan-van-dau-3418985/