Cứu sống trẻ sinh non tăng áp phổi nặng nhiễm trùng sơ sinh

'Bác sĩ Hào cùng các bác sĩ điều dưỡng khoa Sơ sinh đã sinh ra cháu thêm một lần nữa, họ chính là những người mẹ thứ hai của con tôi', chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, mẹ của bé Trịnh Gia Hân không giấu được xúc động khi nói về BSCKII. Vương Thị Hào – Trưởng khoa Sơ sinh và đội ngũ thầy thuốc, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đã tích cực điều trị cho con gái chị hơn một tháng qua từ ngày mới lọt lòng.

Ở tuần thai thứ 33, chị Bích Ngọc được chỉ định mổ lấy thai do nguy cơ rau cài răng lược.

Sau sinh trẻ tím toàn thân, SpO2 75%, khóc rên, xuất tiết nhiều dịch miệng họng, phản xạ sơ sinh chậm, 2 phổi thông khí kém, cân nặng 2.370gr.

Qua kết quả chụp X-quang tim phổi và các xét nghiệm cần thiết, trẻ được chẩn đoán: Suy hô hấp nặng, bệnh màng trong độ III/ trẻ đẻ non 33 tuần, thông liên nhĩ, còn ống động mạch. Trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, bơm sunfactant…

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng hô hấp xấu hơn, trẻ thở máy SpO2 34 – 56%, các chỉ số máy thở ngày càng phải tăng cao, phù toàn thân.

Các xét nghiệm theo dõi cho thấy tình trạng nhiễm trùng rõ, bất hoạt sunfactant, tăng áp động mạch phổi nặng.

Nhận định tình trạng sức khỏe của trẻ tiên lượng rất xấu, có nhiều nguy cơ chấn thương phổi, trẻ được chuyển thở máy cao tần HFO, dùng thuốc giãn mạch phổi, thuốc vận mạch…

Một ngày sau trẻ có dấu hiệu khả quan và sau một tuần chăm sóc tích cực trẻ có tiến triển tốt: trẻ thở oxy lều hồng, không tím, phản xạ nhanh nhẹn và bắt đầu được ghép mẹ, chăm sóc Kangaroo, bú mẹ.

Niềm vui của các thầy thuốc khoa Sơ sinh và gia đình ngày bé Gia Hân được xuất viện

Niềm vui của các thầy thuốc khoa Sơ sinh và gia đình ngày bé Gia Hân được xuất viện

BSCKII. Vương Thị Hào, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết đây là trường hợp tăng áp lực động mạch phổi nặng không đáp ứng với máy thở thông thường.

Nếu không có máy thở HFO thì tiên lượng trẻ không thể qua khỏi do các biến chứng của máy thở thường như: vỡ phế nang gây tràn khí khoang màng phổi, ép tim cấp…

Như vậy, với phương pháp thở máy cao tần HFO, các bác sĩ khoa Sơ sinh bệnh viện đã cấp cứu thành công trẻ tăng áp phổi nặng trên nền trẻ đẻ non, nhiễm trùng sơ sinh.

Khi cháu mới sinh ra tình trạng rất nguy kịch, cháu nằm điều trị trong lồng ấp, xung quanh toàn máy móc hỗ trợ, gia đình chúng tôi còn rất ít hy vọng, chỉ biết đặt hết niềm tin vào các bác sĩ ở khoa. Nhờ các bác sĩ nhiệt tình cứu chữa, thay đổi thuốc và phương pháp điều trị liên tục, sau khoảng 5 ngày cháu bắt đầu có tiến triển. Và sau 1 tuần cháu tôi đã được chuyển điều trị từ phòng cấp cứu ra phòng thường. Đến nay cháu đã biết bú mẹ, biết đòi ăn, còn nằm tự chơi nữa. Gia đình chúng tôi hết sức vui mừng và muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bác sĩ, y tá trong khoa” – Người nhà bé Trịnh Gia Hân bày tỏ cảm xúc khi bé đã qua cơn nguy kịch.

Với đội ngũ cán bộ nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị hiện đại, nhiều kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến được triển khai tại Khoa Sơ sinh.

Đặc biệt với tâm huyết và lòng yêu nghề, những người thầy thuốc đã giúp hồi sinh cho rất nhiều trẻ đẻ non, nguy kịch gặp phải các vấn đề như suy hô hấp nặng, ngạt nặng, xuất huyết não, nhiễm trùng sơ sinh…

Không ít gia đình trẻ đã gọi các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây là người mẹ thứ hai của con em mình, bởi họ là những người đã cứu sống các con khỏi cơn nguy kịch ở những giây phút non nớt đầu tiên của cuộc đời.

Ngân Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-tre-sinh-non-tang-ap-phoi-nang-nhiem-trung-so-sinh-n184088.html