Cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất lấy nước sông Hồng bổ cập nước vào Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

Ngày 19/12, tại buổi tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra đề xuất bổ cập nước cho Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

Theo đó, 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; Nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; Lấy nước từ sông Hồng.

Báo Dân trí dẫn lời GS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch hội đồng Đại học Thủy lợi cho biết, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

“Phù sa giảm, quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, khó khăn là nước sông Hồng cũng ngày càng sút giảm so với trước đây. Do vậy, cần phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm”, GS Lượng nói và đề xuất đặt máy bơm chìm (dưới mực nước sông Hồng) để bơm vào Hồ Tây.

Nhiều ý tưởng cứu sông Tô Lịch đã được đề xuất. Ảnh: Dân trí

Nhiều ý tưởng cứu sông Tô Lịch đã được đề xuất. Ảnh: Dân trí

Còn việc lấy nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, theo ông Lượng cần phải tính toán lại. Vì phương án này phải làm đường dẫn nước dài 10,5 km rất tốn kém. Cách tốt nhất theo ông Lượng là lấy nước của sông Hồng bơm vào hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch.

Đề xuất của Công ty Thoát nước về việc lấy nước sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch đã nối dài thêm danh sách những ý tưởng cứu sông Tô Lịch.

Trước đó, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc có trụ sở Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch.

Theo đó, nội dung cải tạo gồm: Cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho Thành Phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của Thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.

Nhà đầu tư sẽ thực hiện nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống. Kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa (giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố).

Đặc biệt, đề xuất này cũng nêu ra việc xây dựng hệ thống du lịch sông Tô Lịch, bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông để cho nhà đầu tư khai thác một thời gian.

Cũng bàn về vấn đề cải tạo sông Tô Lịch thành dòng sông sạch, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) chỉ ra rằng, phải làm được 3 điểm.

Thứ nhất là phải tách và xử lý toàn bộ lượng nước đang thải vào sông Tô Lịch, cách này bắt buộc phải làm. Thứ hai, phải luôn giữ được mức nước của sông Tô Lịch từ 1,5m trở lên bởi bản thân dòng nước cũng có chức năng tự làm sạch. Trên sông Tô Lịch phải làm cái đập, còn nếu để nước sông cạn thì sẽ không thể nào tự làm sạch được.

Thứ ba, khi đã làm được 2 bước trên thì công tác quản lý phải bảo đảm, nếu đã làm được sạch sẽ mà vẫn để dân vứt rác thì dòng sông Tô Lịch lại trở về ô nhiễm như cũ.

Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Cương, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, việc cải tạo sông Tô Lịch không có gì là khó khăn.

"Việc nạo vét sông hay cải tạo lại sông như nào thì 2 bên bờ sông phải làm theo hướng thẳng đứng, có như vậy sẽ tiết kiệm được tài chính và khiến dòng sông trở nên sạch sẽ, không có rác bám", Tiến sĩ Cương nói.

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, về nguyên tắc không chỉ nguyên cải tạo sông Tô Lịch mà phải chặn tất cả các nguồn thải ra con sông này.

"Bước 1 cần phải tách nguồn thải. Bước 2 nạo vét kênh cho sạch sẽ, còn bước 3 là giải tỏa hai bên sông. Như vậy sông tự động sẽ được làm sạch. Tuy nhiên, để làm được việc này sẽ rất tốn tiền, liệu có đủ kinh phí để làm hay không?

Còn nếu làm được thì tốt nhưng công ty tư nhân làm thì thành phố phải có gì đổi lại cho họ, không có chuyện doanh nghiệp tự bỏ tiền ra để cải tạo kênh rạch cho sạch đẹp được", PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/cuu-song-to-lich-bang-nuoc-song-hong-3371367/