Cứu sống bệnh nhân 35 tuổi đột quỵ do thiếu máu não

Chiều ngày 7-12-2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam H.N.T 35 tuổi. Bệnh nhân đột ngột yếu liệt nửa người trái lúc 13h00 cùng ngày được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.

Thời điểm nhập viện bệnh nhân còn tỉnh, liệt hoàn toàn nửa người bên trái, nói ngọng, liệt mặt. Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết và chụp C.Tscan não để chẩn đoán bệnh.

Kết quả cho thấy đây là trường hợp đột quỵ thiếu máu não, một cấp cứu nội khoa. Gia đình thuộc diện khó khăn, chi phí điều trị khoảng 100 triệu đồng đang quá khả năng thanh toán. Tuy nhiên, ban giám đốc chỉ đạo vẫn tiến hành can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân và phòng Công tác xã hội liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị.

Hình ảnh trước khi can thiệp

Đội Can thiệp đột quỵ nhanh chóng được điều động để cấp cứu cho bệnh nhân. Nhận định bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, nên các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch để điều trị cho bệnh nhân. Ê-kíp can thiệp nội mạch gồm Ths.Bs. Hà Tấn Đức, Bs.CKI. Trần Công Khánh và Bs. Trịnh Thành Tính phối hợp cùng với các thành viên khác.

Ê kíp thực hiện can thiệp mạch não BS CKI Trần Công Khánh, BS. Trịnh Thành Tính.

Kết quả chụp DSA (Digital Subtraction Angiography) cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên phải (hình 1). Các bác sĩ trong ê-kíp đã dùng kỹ thuật hút huyết khối để làm tái thông mạch máu não bị tắc. Sau khoảng 30 phút can thiệp, mạch máu đã được tái thông hoàn toàn (hình 2). Sau can thiệp 12 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hết nói ngọng, không còn yếu liệt và sinh hoạt gần như bình thường.

Hình ảnh sau can thiệp

Đột quỵ thiếu máu não là một cấp cứu nội khoa. Các bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để nhận được điều trị tái thông mạch não càng sớm càng tốt. Thời gian điều trị tái thông mạch máu não có thể lên tới 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, mỗi phút trôi qua bệnh nhân không được điều trị sẽ làm gia tăng số lượng tế bào não bị chết. Điều trị hiện nay dựa vào việc sử dụng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối nội mạch. Hai phương pháp điều trị này phối hợp với nhau với mục tiêu tái thông mạch máu não càng sớm càng tốt.

Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã giúp cho những bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não đến sớm có cơ hội phục hồi và trở về cuộc sống bình thường. Sự thành công của ca bệnh thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa: khoa Cấp cứu, đội Can thiệp đột quỵ, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Xét nghiệm, khoa Gây mê hồi sức, và khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

PV

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cuu-song-benh-nhan-35-tuoi-dot-quy-do-thieu-mau-nao-n139321.html