Cứu sống 2 bé bị tay chân miệng độ 4 biến chứng

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa cứu sống 2 bé trai bị tay chân miệng độ 4 diễn tiến nặng, có biến chứng.

BS Quang đang khám cho bé T

BS Quang đang khám cho bé T

Ngày 14/11, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực chống độc cho biết, khoảng 3h15 sáng 6/11, bệnh viện tiếp nhận bé trai Đ.T.C (2 tuổi) bị tay chân miệng độ 4 được chuyển đến từ Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau.

Bé bị sốt trước đó 3 ngày, nổi ban hồng tay chân, hay giật mình, được gia đình đưa vào Bệnh viện Cái Nước, tiếp đó chuyển Bệnh viện Sản nhi Cà Mau. Bé được xác định bị tay chân miệng và tình trạng diễn tiến rất nhanh. Bé bắt đầu có biến chứng về thần kinh, tiếp đó là biến chứng hô hấp, tim mạch, được các bác sĩ đặt nội khí quản, dùng thuốc trợ tim.

BS Quang cho biết, tối 6/11, tình trạng bé diễn tiến nặng, chuyển xấu, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Cà Mau đã hội chẩn nhanh với Bệnh viện Nhi đồng 1. Lúc này, tình trạng huyết động học của bé không ổn, huyết áp luôn ở mức 200 – 210, cần phải lọc máu ngay mới cứu được bé.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phải chuyển ngay bé về Nhi đồng 1, đồng thời hướng dẫn các bác sĩ tuyến dưới tiến hành các biện pháp chuyển viện an toàn.

Đến 3h15 sáng 6/11, bé nhập viện Nhi đồng 1 và được chuyển ngay vào khoa Hồi sức tích cực, được thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu ngay lập tức. Sau 6h đầu lọc máu, huyết áp của bé xuống còn 150, bé tiếp tục được lọc máu liên tục trong 36 tiếng và tình trạng ổn định dần. Đến ngày 12/11, bé đã được cai máy thở, hiện chỉ còn phải thở oxy.

Trường hợp thứ hai là bé trai N.T.T (2 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ngày 10/11 trong tình trạng tương tự như bé C: Tay chân miệng độ 4, rối loạn hô hấp, mạch nhanh.

Sau khi hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hướng dẫn kíp hồi sức đi cùng để chuyển viện cho bé. Cứ cách 30 phút, kíp hồi sức lại gọi điện báo cáo tình trạng bệnh của bé trên đường đi.

Đến khoảng 12h ngày 10/11, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 an toàn và lập tức được thở máy, lọc máu. Sau thời gian lọc máu liên tục 24 – 36h, hiện bé đã tỉnh táo, cử động chân tay tốt, huyết động học ổn định. Bé đang được cho tập thở và dự định sẽ cai máy thở trong 1-2 ngày tới.

BS Quang cho biết, biến chứng của tay chân miệng độ 4 có khả năng để lại di chứng nhưng đều có thể khắc phục được. Trường hợp bé C. hơi bị rối loạn phản xạ nuốt, bé đang được tập vật lý trị liệu. Còn bé T. hiện đã khẳng định hồi phục tri giác, vận động, cần được khám kiểm tra thần kinh để đánh giá các di chứng.

Theo BS Quang, số ca tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang chững lại và có dấu hiệu đi xuống, nhưng những ca bệnh nặng vẫn còn nên không được chủ quan. Các bậc cha mẹ cần lưu ý phát hiện kịp thời khi bệnh đang ở giai đoạn sớm, tránh để diễn tiến nặng.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuu-song-2-be-bi-tay-chan-mieng-do-4-bien-chung-post281925.info