Cựu Phó Viện trưởng sàm sỡ bé gái: 'Việc không hay ho gì, mọi người dân Đà Nẵng rất buồn'

Bên hành lang hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách sáng 4/4, trao đổi với báo chí về vụ việc cựu Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng bày tỏ, 'là người dân Đà Nẵng không ai đồng tình với câu chuyện đó, nếu không nói là mọi người đang rất là buồn'.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng

Đang căng sức xử lý rất nhiều việc, lại thêm việc…

+ Những ngày gần đây, xã hội đang dậy sóng với vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng) ép hôn sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy ở TP Hồ Chí Minh. Là ĐBQH, người dân của TP Đà Nẵng, xin ông cho biết cảm nghĩ của mình khi nhận được thông tin này?

Là người dân Đà Nẵng không ai đồng tình với câu chuyện đó, nếu không nói là mọi người đang rất là buồn. Gần đây rất là nhiều việc rồi, anh em đang căng sức ra để xử lý, giờ sinh thêm 1 việc không hay ho gì thì chẳng ai vui vẻ cả. Mọi người dân Đà Nẵng rất là buồn, không ai mong muốn và nghĩ có câu chuyện như thế xảy ra.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra xác minh. Có người bảo đây là trách nhiệm của Đà Nẵng. Nhưng cơ như theo dõi thì hiện cơ quan điều tra của Đà Nằng chỉ phối hợp, còn cơ quan chủ công trong câu chuyện này là Công an TP Hồ Chí Minh.

Nếu cơ quan điều tra xác định là tội phạm hình sự thì có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Và cũng như mọi cơ quan chính quyền TP Đà Nẵng, chúng ta theo dõi để giám sát.

+ Điều khiến người dân bất bình là ông Linh lại là nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng?

Hãy cứ bình tình. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì chúng ta phê phán. Nhưng ở đây ngay lập tức họ vào cuộc thì cứ để cho cơ quan chức năng làm và có kết luận. Pháp luật cũng đã quy định họ phải có trách nhiệm đưa ra kết luận theo quy định của pháp luật.

Cơ quan dân cử là cơ quan giám sát, tôi nghĩ không chỉ đoàn ĐBQH mà HĐND của 2 địa phương cũng đang theo dõi xem cơ quan này làm như thế nào, kết quả ra sao, có đúng không.

Giờ đã tìm ra con người cụ thể rồi, còn hành vi cụ thể gì, xâm phạm khách thể nào và vi phạm điều nào, khoản nào của luật nào thì chờ kết luận của cơ quan chức năng. Và ở đây, cơ quan điều tra sẽ không phân biệt người đó là ai cả.

Bảo vệ em bé là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai

+ Vị nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng giải thích chỉ “nựng bé gái”, ông có bình luận gì về giải thích này?

Không thể bình luận gì vì là trả lời của người đó. Mỗi một người dân đều có cách nhìn và đánh giá riêng của họ. Ngay dư luận trên mạng cũng có rất nhiều đánh giá khác nhau.

+ Đúng là có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng không ai tin với lời giải thích của nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng cả, thưa ông?

Vậy chúng ta tin vào cái gì? Chúng ta tin vào cơ quan chức năng, họ có trách nhiệm và luật đã trao cho họ làm điều đó. Đó là cơ sở!

+ Có ý kiến lo rằng, gia đình bé gái không muốn làm “to chuyện” vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của bé thì vụ việc này sẽ không đi đến đâu, không xử lý được?

Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra và họ đã vào cuộc, điều này không phụ thuộc vào thái độ của ba mẹ của trẻ. Trách nhiệm bảo vệ em bé là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không phải của riêng ai. Nếu gia đình đó cản trở việc chứng minh khách thể được cả xã hội bảo vệ đặc biệt thì coi trừng cũng bị xử lý.

Sàm sỡ, cưỡng hôn phạt 200 nghìn đồng là 1 khiếm khuyết của pháp luật

+ Một vấn đề nữa, Bộ luật Hình sự năm 2015 tuy có sửa đổi nhưng vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi thế nào là hành vi dâm ô. Theo quan điểm cho rằng, cách định nghĩa về hành vi dâm ô hiện đang bị bó hẹp, không phù hợp với thực tế, cho nên mới có câu chuyện sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy bị phạt 200 nghìn đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Câu chuyện trong thang máy vừa rồi có nhiều đối tượng khác nhau, mỗi 1 đối tượng thì cơ quan chức năng kết luận về hành vi khác nhau. Tất nhiên, ai cũng thấy, ĐBQH cũng thấy, người dân cũng thấy có 1 khiếm khuyết, lỗ hổng quy định của pháp luật trong việc xử phạt, đây là trách nhiệm của QH sắp tới sẽ xem xét.

+ Đợi QH xem xét với quy trình làm luật e rằng phải mất nhiều thời gian, trong khi thực tế sự việc lại đang diễn ra gây bức xúc trong xã hội, thưa ông?

Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đã trao đổi, không phải pháp luật chỗ đó nói sai đâu nhưng rõ ràng trong quá trình vận dụng các cơ quan khác nhau đã áp dụng khác nhau. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị để có văn bản hướng dẫn chung mà lâu nay đầu mối tập trung là ở TAND Tối cao.

+ Xin cảm ơn ông!

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa: Dâm ô, sàm sỡ trẻ em trong thang máy phải lên án

Xung quanh vụ sàm sỡ trẻ em trong thang máy của nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, ông Phạm Văn Hòa nhấn nhấn mạnh, hành động đó rất đáng xấu hổ.

“Hành động có biểu hiện dâm ô trẻ em như hôn hít, sờ mó là đáng xấu hổ cho một cán bộ giữ kỷ cương, luật pháp của Nhà nước. Là cán bộ từng giám sát các cơ quan thực thi pháp luật, truy tố những hành vi vi phạm pháp luật trong đó có hành vi dâm ô, hiếp dâm trẻ em mà lại có hành vi như vậy thì cần phải lên án”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu.

Ông cho hay, đã đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc, truy cho tới tận cội nguồn vấn đề, đặc biệt khi đây là đối tượng am hiểu pháp luật thì càng phải xử lý hết sức nghiêm minh để phòng ngừa, răn đe những đối tượng khác.

“Nói là thú tính thì hơi quá nhưng không thể nào chấp nhận được khi nạn nhân là một trẻ em rất nhỏ như thế. Cần xử lý nghiêm minh để làm gương, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em”, ông Hòa gay gắt và cho rằng, cơ quan điều tra bảo vệ pháp luật phải vào cuộc chứng minh làm rõ, trả lời với công luận.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/cuu-pho-vien-truong-sam-so-be-gai-viec-khong-hay-ho-gi-moi-nguoi-dan-da-nang-rat-buon_t114c1159n146718