Cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình hầu tòa

Hôm nay (5-12), TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc phẩm vụ án Đặng Thanh Bình (cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Thị Duyên làm chủ tọa, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 11-12.

Trước đó, xử sơ thẩm hồi tháng 7-2018, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình (cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bốn bị cáo nguyên là cựu thành viên tổ giám sát NHNN (đặt tại Ngân hàng Xây dựng - VNCB) là ông Hà Tấn Phước (cựu tổ trưởng tổ giám sát NHNH, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) hai năm tù, Lê Văn Thanh (cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) hai năm sáu tháng tù.

Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP.HCM) một năm tù, Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An) một năm sáu tháng tù.

Các bị cáo tại tòa sáng nay. Ảnh: YC

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Bình kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng bản án sơ thẩm nhận định ông là người đứng đầu là không chính xác, chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án. Các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt từ tù giam sang tù treo.

Tại phiên tòa sáng nay (5-12), ông Bình (được tại ngoại) có mặt từ rất sớm. Hiện phiên tòa đã xong phần tóm tắt án sơ thẩm và đang xét hỏi.

Ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm như thế nào?

Án sơ thẩm xác định tại NHNN, ông Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu sáu ngân hàng yếu kém theo đề án của Chính phủ, trong đó có VNCB.

Tháng 8-2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt.

Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.

Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp sáu lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỉ đồng. Hậu quả của vụ án khiến NHNN buộc phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.

Không chỉ ông Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ của các bị cáo còn lại thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB.

Tổ giám sát đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB.

Cụ thể bị cáo Phước có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả hơn 3.454 tỉ đồng; Thanh có trách nhiệm đối với thiệt hại hơn 6.591 tỉ đồng; Tuân có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 3.454 tỉ đồng; Thanh có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 10.046 tỉ đồng.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/cuu-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dang-thanh-binh-hau-toa-806341.html