Cựu phó giám đốc sở: 'Không biết, không cho phép nâng điểm'

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định chỉ nhờ cấp dưới xem điểm giúp, chứ không đồng thuận cũng như cho phép sửa chữa bài thi để nâng điểm.

Sáng 16-10, phiên xử vụ án gian lận điểm thi của TAND tỉnh Sơn La tiếp tục với ngày làm việc thứ hai. Bị cáo Trần Xuân Yến, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT, là người tiếp theo được HĐXX xét hỏi.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Yến được phân công làm phó trưởng ban chỉ đạo thi, phó chủ tịch hội đồng thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi và tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.

Bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định không biết, không đồng thuận, không cho phép các bị cáo khác nâng điểm, sửa bài cho thí sinh.

Bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định không biết, không đồng thuận, không cho phép các bị cáo khác nâng điểm, sửa bài cho thí sinh.

Cấp trên, cấp dưới khai mâu thuẫn

Mở đầu phần thẩm vấn, ông Yến cho biết ngay khi nhận được cáo trạng đã có ý kiến với VKS thể hiện sự không nhất trí một số nội dung truy tố. Thứ nhất, về trách nhiệm, cáo trạng ghi bị cáo chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của của các thành viên trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và kết quả chấm thi là không đúng.

Thứ hai, về hành vi, bị cáo không nhận nâng điểm cho thí sinh nào, danh sách 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) chỉ là nhờ xem hộ điểm. Việc chuyển này diễn ra vào chiều 30-6, chứ không phải 29-6.

“Bị cáo không biết, không đồng thuận, không cho phép các bị cáo khác nâng điểm, sửa bài cho thí sinh” - ông Yến nhấn mạnh.

Bị cáo cũng khai không chỉ đạo bà Nga xóa dữ liệu trên máy tính mà là in sao dữ liệu để phòng trường hợp máy tính hư hỏng hoặc bị virus dẫn tới mất dữ liệu.

Như vậy, lời khai của ông Yến trái ngược hoàn toàn với lời khai của bà Nga. Bởi trước đó, bà Nga nhiều lần khai với HĐXX rằng ông Yến là người chủ động đặt vấn đề nâng điểm cho một số con em trong Sở GD&ĐT. Nhận thức việc sếp đã chỉ định thì không thể không làm, bà Nga mới thực hiện việc sửa chữa bài thi.

Nhận thấy sự mâu thuẫn này, chủ tọa lập tức hỏi ông Yến suy nghĩ như thế nào về lời khai của bà Nga. Ông Yến vẫn một mực khẳng định chỉ đưa danh sách 13 thí sinh cho bà Nga để nhờ xem điểm. Danh sách trên bị cáo nhận từ các ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT), Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng Giáo dục THPT), Phan Ngọc Sơn (Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT) và Nguyễn Văn Hải (phụ huynh thí sinh).

Chủ tọa phiên tòa xét hỏi đối với các bị cáo.

Lời khai khó tin về việc tiêu hủy đĩa CD

Chủ tọa truy vấn cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La “nhờ xem điểm” là xem như thế nào? Ông Yến giải thích nghĩa là xem trước kết quả thi mà lẽ ra phải đến ngày 11-7 Bộ GD&ĐT mới công bố.

“Đã biết sẽ công khai vào ngày 11-7 thì cần gì phải nhờ?” - chủ tọa hỏi. Bị cáo nói do nể nang thủ trưởng và đồng nghiệp nên đã chuyển thông tin các thí sinh cho bà Nga để xem điểm trước. “Mong muốn của các gia đình chỉ là biết sớm điểm cho các cháu” - ông Yến khai.

Vậy nhưng trên thực tế, những thí sinh “nhờ xem điểm” đều được các bị cáo trong vụ án “tiện tay” sửa chữa bài thi, nâng lên số điểm cao chót vót.

Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi xem điểm thi trước ngày công bố của Bộ GD&ĐT thì có vi phạm? Ông Yến biện minh rằng không có văn bản nào cấm việc xem trước điểm, tuy nhiên bị cáo vẫn nhận thức nếu cố tình xem điểm trước là sai.

Đáng chú ý, theo lời khai của cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT, danh sách đưa cho bị cáo Nga bao gồm thông tin về họ tên, số báo danh và điểm thi của các thí sinh. Bị truy vấn về những con số điểm thi này, ông Yến nói đây là điểm mà thí sinh tự chấm, nhằm so sánh với điểm thật do Bộ GD&ĐT công bố, bị cáo viết vào để sau này nhớ (!).

Một tình tiết đặc biệt khác trong cáo trạng, đó là sau khi biết tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính, sợ bị phát hiện, ông Yến mang 16 đĩa CD ra Nghĩa trang tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy.

Tuy nhiên, khai trước HĐXX, ông Yến khẳng định việc in sao được thực hiện vào ngày 18-7, tức sau bảy ngày công bố điểm thi, khi đó tài liệu không còn là mật nên không ảnh hưởng gì. Hơn thế, việc in sao là để bảo vệ dữ liệu chứ không có mục đích nào khác.

Đến tối 19 và sáng 20-7, khi Bộ GD&ĐT kiểm tra, tất cả dữ liệu của kỳ thi còn nguyên vẹn trên máy. Nhận thức các đĩa CD in ra không còn giá trị gì nữa, nếu để lại sẽ nguy hiểm nên bị cáo quyết định tiêu hủy. Việc tiêu hủy diễn ra vào trưa 20-7 tại Nghĩa trang tỉnh Sơn La, không ai biết.

“Nguy hiểm là như thế nào, tới bị cáo hay lợi ích nhà nước?” - chủ tọa hỏi dồn. Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT không trả lời trực tiếp mà chỉ nói “nếu lọt ra ngoài sẽ không tốt chút nào”, đồng thời không quên khẳng định bản thân không được hưởng bất cứ lợi ích vật chất hay tinh thần nào từ việc nhờ xem điểm.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cuu-pho-giam-doc-so-khong-biet-khong-cho-phep-nang-diem-864345.html