Cựu PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La bị đề nghị Tòa tuyên phạt 7-8 năm tù

Bị đề nghị phạt 7-8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Trần Xuân Yến chưa 'tâm phục' với nhiều nội dung luận tội của VKS.

Chiều nay 25/5, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ gian lận thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Sơn La, các Luật sư tiếp tục phần bào chữa; các bị cáo trình bày quan điểm tự bào chữa. Bị VKS đề nghị tòa tuyên phạt 7-8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La không đồng tình với nhiều nội dung luận tội của VKS.

Toàn cảnh phien tòa.

Toàn cảnh phien tòa.

Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi, nhưng làm trái công vụ khi nhận thông tin 13 thí sinh, chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục để nhờ nâng điểm.

Yến còn bị cáo buộc đã đồng thuận cho phép các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu và Cầm Thị Bun Sọn, cựu Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để sửa điểm.

Mặc dù Yến không tham gia sửa bài thi, nhưng đã tạo điều kiện cho nhóm đồng phạm thông qua việc không chỉ đạo niêm phong ngay các bài thi sau khi quét để nhóm của bà Nga dễ dàng rút bài thi. Khi bị thanh tra, Yến đã chỉ đạo Nga che dấu sai phạm bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.

Bị cáo Trần Xuân Yến

Sau phần bào chữa của 3 Luật sư giành cho mình, bị cáo Trần Xuân Yến bày tỏ quan điểm không "tâm phục" với các nội dung luận tội, nội dung trong cáo trạng buộc tội.

Về cáo buộc bị cáo có động cơ cá nhân khác để nhận thông tin sửa bài nâng điểm cho 13 thí sinh, Yến cho rằng không đúng và không có căn cứ, cơ quan điều tra đã điều tra không đúng.

Về cáo buộc bị cáo chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thực hiện nhiệm vụ của các thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả bài thi cũng không đúng và không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, tại thông tư số 04/2017 trong quá trình chấm thi phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp từ khi mở phiếu trả lời trắc nghiệm, bị cáo là đối tượng giám sát không phải là người giám sát. Về kết quả chấm thi, bài thi được chấm bằng máy, mỗi thành viên được phân công một nhiệm vụ cụ thể.

Về cáo buộc bị cáo Yến đồng thuận cho phép tổ xử lý bài thi trắc nghiệm rút bài, sửa bài nâng điểm cho thí sinh là không đúng sự thật. Theo đó ngoài lời khai của bị cáo Nga, các bị cáo khác và người làm chứng đã khai không được bị cáo chỉ đạo hay can thiệp để các bị cáo rút bài, sửa bài, nâng điểm cho thí sinh.

Về việc VKS cáo buộc xóa dữ liệu, bị cáo Trần Xuân Yến tiếp tục trình bày quan điểm cho rằng không đúng và khẳng định dữ liệu gửi về bộ giáo dục Đào tạo không có ảnh quét bài thi. Dữ liệu ảnh quét bài thi chỉ duy nhất được lưu ở máy tính quản lý thi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Yến, Nguyễn Thị Kim Thanh đề nghị HĐXX cần làm rõ vai trò của ông Hoàng Tiến Đức

Trình bày quan điểm bào chữa của mình giành cho bị cáo Trần Xuân Yến, Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh đề nghị HĐXX cần làm rõ vai trò của ông Hoàng Tiến Đức, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về việc chuyển danh sách thông tin 8 thí sinh cho Trần Xuân Yến là nhờ xem điểm hay nâng điểm. Quá trình điều tra chưa đấu tranh đến cùng vai trò này của ông Hoàng Tiến Đức, không triệu tập được ông Đức đến Tòa để đối chất với bị cáo Yến về động cơ, mục đích đưa danh sách thông tin thí sinh. Nếu truy cứu bị cáo Yến về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ mà không truy cứu ông Đức là không công bằng.

Cuối buổi chiều nay, đại diện viện kiểm sát đối đáp với lời bào chữa của các Luật sư./.

Nhóm PV/VOV- Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/cuu-pgd-so-gddt-son-la-bi-de-nghi-toa-tuyen-phat-78-nam-tu-1052430.vov