Cựu nhân viên ngân hàng cho vay lãi nặng: Có móc ngoặc?

Không loại trừ khả năng Hà được người có trách nhiệm trong ngân hàng 'bắn' thông tin khách hàng, việc này phải được làm rõ và xử nghiêm

Liên quan tới ổ nhóm tín dụng đen do cựu nhân viên ngân hàng cầm đầu vừa bị Công an Hà Nội triệt phá, LS Trương Xuân Tám cho rằng phải xử lý thật nghiêm để tránh làm méo mó thị trường tài chính, tiền tệ.

Lương Thị Hà tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Nội

Lương Thị Hà tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Nội

Thông tin cụ thể từ cơ quan công an cho hay ổ nhóm tín dụng đen, cho vay lãi nặng do Lương Thị Hà (SN 1977, trú tại Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự, Đống Đa) cầm đầu, trong đó Hà từng là nhân viên ngân hàng nhưng đã bỏ việc và đứng ra tập hợp thành nhóm gồm nhiều đối tượng khác nhau.

Các đối tượng này gồm: Nguyễn Việt Dũng (SN 1986, trú tại Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai), Nguyễn Quốc Việt (SN 1994, trú tại Bạch Đằng, Hai Bà Trưng), Hoàng Anh Tuấn (SN 1990, trú tại Cầu Dền, Hai Bà Trưng), Lê Mạnh Hà (SN 1987, trú tại Trương Định, Hai Bà Trưng), Vũ Anh Tiến (SN 1991, trú tại Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Nhóm của Hà cho vay lãi nặng, đáo hạn ngân hàng với lãi suất 3000-3500 đồng/triệu/ngày.

Khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, các cá nhân cần tiền để đáo hạn ngân hàng. Để thực hiện hành vi, Hà giao cho các đối tượng trên tiến hành thẩm định từng khách vay, từng khoản đáo hạn. Sau đó Hà sẽ quyết định việc cho khách vay tiền.

Trong nhóm khách của Hà đã có trường hợp phải trả lãi tới 5,3 tỷ đồng cho nhiều lần vay.

Phân tích cụ thể qua thông tin vụ việc được cơ quan công an cung cấp, LS Trương Xuân Tám cho rằng có mấy vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự mức lãi suất cho vay sẽ dựa trên thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm.

Trong khi đó, tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 lại quy định mức lãi suất cho vay không được vượt quá 5 lần mức cao nhất của Luật Dân sự được quy định tại Điều 468 (tức là cao hơn 100%/năm) sẽ là vi phạm pháp luật, phạm tội cho vay lãi nặng theo quy định của pháp luật.

Soi vào vụ việc, với mức cho vay lãi từ 3000-3500 đồng/triệu/ngày tương đương với mức lãi hơn 100%, như vậy, với hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội cho vay lãi nặng trong hoạt động giao dịch dân sự. Như vậy, cơ quan điều tra hoàn toàn có đủ căn cứ để khởi tố điều tra vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, Hà vốn là một cán bộ nhân viên ngân hàng đã bỏ việc, do đó, về lý thuyết các hoạt động cho vay vốn của Hà là độc lập với ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, việc Hà có thể nắm được và tìm đến các khách hàng đến thời hạn đáo nợ để cho vay thông qua đâu?

Trả lời câu hỏi này, vị LS cho rằng có thể do Hà từng là nhân viên ngân hàng nên nắm được danh sách khách hàng cũ, doanh nghiệp cũ nhưng cũng không loại trừ khả năng Hà được người trong ngân hàng "bắn" thông tin.

"Tôi được thấy rất nhiều cán bộ có trách nhiệm hoạt động trong ngân hàng khi nắm được có hợp đồng, doanh nghiệp nào hết thời gian vay vốn, cần đáo hạn trả nợ cũ để được vay mới thì đã tuồn thông tin, hoặc dàn xếp với những người cho vay lãi nặng để nhóm này bố trí các khoản vốn cho doanh nghiệp vay với lãi cao và thực hiện nghĩa vụ đáo hạn với ngân hàng. Hiện tượng trên là có, vì thế, mới có trường hợp cho vay lãi nặng nắm được các thông tin khách hàng đến thời hạn đáo nợ, cần vay vốn mà cho vay", vị LS cho biết.

Trong trường hợp này, LS Trương Xuân Tám cho hay, nếu những người biết nhóm của Hà cho vay lãi nặng mà vẫn tuồn thông tin, dàn xếp, hoặc tiếp tay cho Hà thì cần phải xem xét thêm cả tội đồng phạm với những người này và cần phải bị xử lý thật nghiêm.

"Biết mà vẫn giúp sức có thể vì được hưởng một phần lợi ích về vật chất từ hoạt động cho vay lãi nặng của nhóm này. Cũng có thể vì mục đích lợi ích khác như, tránh để khoản nợ của doanh nghiệp, cá nhân tại ngân hàng bị rơi vào nợ xấu mà bản thân cán bộ ngân hàng có thể phải chịu trách nhiệm nên đã móc ngoặc, tham gia vào các hoạt động đáo hạn, vãy lãi nặng bằng cách bắn thông tin cho các nhóm tín dụng đen. Hành vi giúp sức cho hoạt động vay lãi nặng sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật Hình sự", ông Tám chỉ rõ.

Ông Tám nhấn mạnh, các hành vi cấu kết, móc ngoặc, tham gia vào các hoạt động cho vay lãi nặng là nguyên nhân làm méo mó quan hệ thị trường, quan hệ tín dụng, tiền tệ trong xã hội, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng không loại trừ cả những chiêu trò gây khó dễ cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không tiếp cận được với vốn vay từ ngân hàng mà buộc phải tìm tới tín dụng đen, tín dụng xấu, khiến doanh nghiệp phải vay vốn với mức lãi cắt cổ.

Vì những vấn đề trên, vị LS cho rằng những hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay lãi nặng cần phải bị xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc, nhằm hạn chế các hành vi sai phạm trong hoạt động cho vay vốn.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/cuu-nhan-vien-ngan-hang-cho-vay-lai-nang-co-moc-ngoac-3425376/