Cứu nạn ngoài biển khơi

Các tỉnh Nam Trung bộ bắt đầu vào những tháng mưa bão, số lượng tàu thuyền bị tai nạn trên biển cũng đang tăng lên. Đặc biệt, vùng biển quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được ví như 'nồi cơm' của ngư dân, tàu đánh cá các tỉnh tập trung đánh bắt ở đây rất nhiều. Các đơn vị BĐBP đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân và tàu thuyền một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tàu cứu hộ, cứu nạn của BĐBP Khánh Hòa lai dắt tàu ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: Văn Huệ

Tàu cứu hộ, cứu nạn của BĐBP Khánh Hòa lai dắt tàu ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: Văn Huệ

Cứu nạn ở Trường Sa

“Đêm 14-10, Đồn Biên phòng Trường Sa tiếp nhận thông tin từ thuyền trưởng Nguyễn Hữu Như Ý, tỉnh Cà Mau, đang đánh bắt ở vùng biển nhà giàn DK1, có 1 lao động bị tai nạn rất nặng. Quân y nhà giàn đã cấp cứu ban đầu, sau đó, tàu chạy về đảo Trường Sa Lớn chữa trị. Do vết thương quá nặng, không thể để lại đảo, chỉ huy đảo đã điện vào đất liền đề nghị đưa máy bay trực thăng ra chuyển bệnh nhân vào bờ” - Thiếu tá Trương Phúc Đạt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khánh Hòa, trao đổi qua điện thoại. Ngày 16-10, bệnh nhân đã được chuyển bằng máy bay vào Bệnh viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh, cấp cứu và điều trị kịp thời.

Những vụ tai nạn như thế này xảy ra thường xuyên gần khu vực quần đảo Trường Sa. Có nhiều vụ tàu bị phá nước, chìm cả tàu, hàng chục ngư dân phải ôm phao trôi lênh đênh trên biển. Riêng đảo Trường Sa Lớn, từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Trường Sa đã nhận tin báo cấp cứu 43 lượt với 43 thuyền viên, cứu hộ, cứu nạn 4 lượt với 4 phương tiện.

Thuyền trưởng Đặng Ngọc Sơn, thường trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã viết thư cảm ơn: “Cảm ơn cán bộ Đồn Biên phòng Trường Sa, trong thời gian thuyền viên nằm điều trị tại Trung tâm Y tế Trường Sa, các anh đã đến chăm sóc từng bữa ăn, cấp đường, sữa... giúp tôi nhanh chóng bình phục và tạo mọi điều kiện cho tàu của tôi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa”.

Thời gian qua, lực lượng Hải quân trên các điểm đảo, xã đảo, thuộc huyện đảo Trường Sa đã trực tiếp cứu nạn nhiều tàu đánh cá của ngư dân bị chìm. Ngày 4-9-2019, tàu Hải quân cứu nạn tàu đánh cá của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cùng với 41 ngư dân. Sáng ngày 10-9, tàu Hải quân 741 đã cứu 46 ngư dân, đưa về đảo Sinh Tồn giữa lúc mưa to, sóng lớn. Phải khẳng định, các đơn vị Hải quân là lực lượng chủ công trong nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ các tàu thuyền bị nạn trên vùng biển Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1...

Phối hợp nhịp nhàng

Vùng biển ngoài khơi từ tỉnh Ninh Thuận đến Phú Yên có Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Hàng hải khu vực IV, là đơn vị TKCN trên biển chuyên nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực IV đã xử lý 139 vụ việc, cứu và hỗ trợ 1.095 người, trong đó, số người được cứu trực tiếp là 47 người (12 người nước ngoài và 35 người Việt Nam). Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực IV đã thực hiện 14 chuyến cứu nạn trên biển.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực IV, cho biết: “Trung tâm đã cùng với lực lượng BĐBP các tỉnh: Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và TKCN; thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; duy trì trực các đài canh 24/24 giờ, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Trung tâm cũng luôn chủ động làm tốt công tác thông báo, kêu gọi phương tiện hoạt động trên biển biết tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, để bà con kịp thời phòng tránh; đồng thời, hướng dẫn tàu thuyền khắc phục sự cố trên biển, vào khu neo đậu tránh, trú bão an toàn”.

Hoạt động phối hợp xử lý thông tin trong TKCN hàng hải là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Thông qua đài trực canh của BĐBP ở các tỉnh và các tổng đài duyên hải ven biển, ngư dân gọi điện báo tin tàu thuyền bị nạn trên biển.

“Đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực IV và BĐBP các tỉnh. Việc thu nhận thông tin được chuyển tiếp kịp thời, cùng nhau phối hợp xác minh một cách nhanh chóng và xử lý theo quy định. Các bên đã tuân thủ nguyên tắc, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” mang lại hiệu quả cao trong hoạt động hỗ trợ và TKCN trên vùng biển đảm trách” - Ông Bình bổ sung thông tin.

Đối với các tỉnh Nam Trung bộ, ngư dân thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (phương tiện tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ) có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời, phát huy tốt các mô hình "Tổ tàu thuyền an toàn", "Tổ đoàn kết trên biển"... Thực tế cho thấy, có những vụ tàu đánh cá bị tai nạn cách bờ rất xa, lực lượng cứu nạn chưa ra kịp thời thì chính ngư dân đã chủ động hỗ trợ lẫn nhau. Nếu tàu trong nghiệp đoàn với nhau, họ sẵn sàng bỏ chuyến khai thác thủy sản để đi kéo tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuu-nan-ngoai-bien-khoi/