Cứu hộ tàu chở dầu FSO Safer: Đầy mạo hiểm nhưng vẫn phải làm!

Đề xuất về việc di dời lượng dầu thô khổng lồ khỏi tàu FSO Safer - một con tàu mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Yemen, làm dấy lên những lo ngại lớn về rủi ro môi trường và nhân đạo. Bất chấp những mối nguy hiểm hiển nhiên, Liên Hợp Quốc vẫn huy động nhân lực để ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn tràn dầu, bằng cách thực hiện một chiến dịch phức tạp để chuyển các thùng dầu sang một tàu chở dầu siêu lớn.

Vào hôm 4/6, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng, công tác chuyển một lượng dầu khổng lồ từ một siêu tàu chở dầu đang gặp nạn ngoài khơi Yemen sẽ gây ra “những rủi ro hiển nhiên”. Dù vậy, theo ông, khoanh tay ngồi chờ cho đến khi xảy ra tràn dầu “không phải là một lựa chọn”.

Tàu FSO Safer 47 năm tuổi, hiện là kho trữ và dỡ hàng nổi nằm xa vùng cảng chiến lược Hodeidah, đã không được bảo trì từ năm 2015. Vào thời điểm đó, Yemen rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới vì nội chiến.

Tàu hỗ trợ kỹ thuật Ndeavor của tập đoàn cơ sở hạ tầng ngoài biển Boskalis (Hà Lan) đã tham gia vào chiến dịch này. SMIT Salvage - công ty con của Boskalis, đã điều tàu thăm dò tình hình của FSO Safer. Sau khi xem qua những hình ảnh đầu tiên do thủy thủ đoàn gửi đến, ông Achim Steiner - người đứng đầu Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), bình luận rằng FSO Safer nhìn như “một tàu chở dầu cũ rỉ sét”.

Cũng theo ông, dữ liệu và hình ảnh thu được từ chuyến thăm dò tình hình con tàu cho thấy “mọi thứ đúng như dự đoán”. Dù vậy, Liên Hợp Quốc cần vài ngày để đưa ra đánh giá chính xác. Trong mọi trường hợp, kế hoạch vận chuyển hơn một triệu thùng dầu từ FSO Safer sang Nautica - một siêu tàu chở dầu do UNDP mua lại, sẽ không “dễ như bỡn”.

Trường hợp xấu nhất

Ông Achim Steiner cảnh báo: “Rủi ro xảy ra sự cố là có thật, chúng rất hiển nhiên. Và nếu có điều gì không ổn, thì dư luận sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhưng chỉ có duy nhất một câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này: Bỏ cuộc không phải là một lựa chọn. Vì như vậy, chúng ta không thể tránh khỏi nguy cơ xảy ra trường hợp xấu nhất - tàu Safer bị vỡ, phát nổ hoặc bốc cháy”.

Theo Liên Hợp Quốc, FSO Safer chứa lượng dầu cao gấp 4 lần so với tàu Exxon Valdez. Vào năm 1989, tàu chở dầu này đã gây tràn dầu - một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Nếu FSO Safer gây tràn dầu ngoài Biển Đỏ, Liên Hợp Quốc ước tính chi phí làm sạch biển sẽ là 20 tỷ USD.

Ông Achim Steiner nói thêm: “Vì vậy, Liên Hợp Quốc đã tình nguyện giải quyết vấn nạn này, vì chỉ có một giải pháp thay thế là ngồi khoanh tay chờ đợi thảm họa. Giám đốc UNDP đảm bảo rằng Liên Hợp Quốc sẽ thực hiện mọi cách thức để “giảm thiểu rủi ro”. Đầu tiên, do tất cả hệ thống trên tàu FSO Safer đã ngừng hoạt động, họ cần gia cố mức độ an toàn của tàu. Như vậy, trong những ngày tới, “khí trơ” sẽ được bơm vào trong để “đề phòng nguy cơ cháy nổ”.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, UNDP và Tổ chức Hàng hải Quốc tế có kế hoạch “dự phòng áp dụng cho phạm vi ngoài địa điểm tàu Safer”, vì có khả năng dầu tràn sẽ trôi dạt vào bờ biển. Công tác dọn dẹp sẽ trở nên phức tạp.

Tiêu tốn hàng chục triệu USD

Đây là một vấn đề cực kỳ “phức tạp”, cần huy động nhiều luật sư, chuyên gia, tập đoàn bảo hiểm, và cả những bên có liên quan đến cuộc xung đột ở Yemen. Những rủi ro này đã làm nản lòng nhiều nhà tài trợ tiềm năng. Hiện nay, Liên Hợp Quốc cần thêm 29 triệu USD để khởi động được chiến dịch trị giá hơn 140 triệu USD này.

Ngay cả khi hoàn thành được công việc vận chuyển dầu sang tàu Nautica vào đầu hoặc giữa tháng 7, trách nhiệm của Liên Hợp Quốc vẫn chưa kết thúc, vì họ chỉ mới di dời được lượng dầu thô lỏng.

Qua nhiều năm, “bùn” dầu động cơ đã tích tụ dưới đáy bồn chứa nhiên liệu. Theo Giám đốc UNDP, các chuyên gia của công ty SMIT Salvage cũng sẽ phải thu dọn bùn dầu. Chiến dịch giải cứu sẽ không hoàn tất cho đến khi FSO Safer được kéo vào bãi phế liệu. Cho đến lúc đó, Liên Hợp Quốc sẽ thực hiện đánh giá chất lượng của dầu nhiên liệu. Ông Achim Steiner ước tính, nếu không bị nước biển hoặc những chất khác làm ô nhiễm, thì chi phí thu dọn sẽ là “vài chục triệu USD”.

Ông cho rằng: “Số tiền này đã có thể được sử dụng để giúp đỡ những người dân Yemen”. Thế nhưng, Liên Hợp Quốc phải tập trung đàm phán về hoạt động giải cứu, chứ không phải về những mục đích khác. Ông David Gressly - điều phối viên cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Yemen, sẽ “tiếp tục thảo luận” với cả hai phe xung đột ở Yemen, với “hy vọng đạt được một kết quả đáng tin cậy”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuu-ho-tau-cho-dau-fso-safer-day-mao-hiem-nhung-van-phai-lam-686544.html