Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm - Bài 2: 'Bảo mẫu' của 'đàn con' gặp nạn

Sau khi tiếp nhận các con vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, VQG Vũ Quang sẽ chăm sóc cho chúng hồi phục sức khỏe, huấn luyện kỹ năng sinh tồn để thả về môi trường tự nhiên. Trong nhiệm vụ này, chị Lê Thị Bảo Ngọc được xem như 'bảo mẫu' của những con thú quý hiếm gặp nạn.

Từ khi thực hiện chức năng cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang giao nhiệm vụ mới mẻ này cho Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế đảm nhiệm.

Ban đầu, các cán bộ nhân viên của phòng còn bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm cũng như nghiệp vụ chăm sóc, chữa bệnh cho thú. Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm và sự hăng say học hỏi, chỉ một thời gian ngắn, họ đã thành thạo công việc.

VQG Vũ Quang tiếp nhận những con thú quý hiếm từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh, đưa về chăm sóc trước khi thả chúng về môi trường tự nhiên

VQG Vũ Quang tiếp nhận những con thú quý hiếm từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh, đưa về chăm sóc trước khi thả chúng về môi trường tự nhiên

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang chia sẻ: “Khi mới được giao nhiệm vụ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đơn vị chưa có cơ sở hạ tầng tương xứng cho việc cứu hộ động vật. Anh em chúng tôi ai cũng chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và nghiệp vụ cứu hộ động vật. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhờ có các chuyên gia từ các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế và các vườn quốc gia trong nước đến làm việc, chia sẻ kinh nghiệm nên chúng tôi học được nhiều kỹ năng công tác”.

Một trong những người gắn bó mật thiết nhất với công tác cứu hộ động vật tại VQG Vũ Quang từ khi vườn bắt đầu thực hiện chức năng này là chị Lê Thị Bảo Ngọc, cán bộ Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế. Chị Ngọc được xem như bảo mẫu của những con thú hoang dã quý hiếm không may bị "nạn", được các cá nhân, tổ chức bàn giao cho vườn.

Chị Ngọc quê huyện Nghi Xuân, cách nơi công tác (huyện Vũ Quang) hơn 70km. Khi chị về nhận công tác tại vườn cũng là lúc đơn vị bắt đầu thực hiện chức năng cứu hộ động vật hoang dã. Chị được phân công làm “bảo mẫu” cho những con thú đơn vị tiếp nhận về. Đến nay, sau hơn 5 năm trải nghiệm, cô gái chưa lập gia đình này đã quá thành thạo với công việc mà ban đầu chỉ thấy “ngán” khi được giao.

"Bảo mẫu" Lê Thị Bảo Ngọc đã hơn 5 năm gắn bó với công việc chăm sóc động vật hoang dã quý hiếm

“Lúc đầu tôi còn chưa biết tập tính của từng con thú, cũng chưa biết chọn thức ăn cho chúng nên rất lúng túng khi chăm sóc chúng. Có khi gặp trường hợp con thú bị ốm, tôi phải tìm tòi các tài liệu và tham khảo ý kiến các chuyên gia để biết cách chăm sóc tốt nhất. Lâu dần, từ những kiến thức tự học, cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các chuyên gia, tôi đã tự tin hơn với công việc hằng ngày của mình”, chị Ngọc chia sẻ.

Tuy vậy, phụ nữ thường có bản năng sợ hãi các con vật hoang dã, nhất là loài hung dữ, chị Ngọc cũng không ngoại lệ.

Chị Ngọc kể: “Có lần cơ quan nhận về một con khỉ, nó mới trải qua một quá trình bị săn đuổi và bắt nhốt nên luôn đề phòng con người, thấy người tới gần là bộc lộ bản năng tấn công của thú hoang dã. Khi tôi tiếp cận, nó cũng hung dữ như vậy khiến tôi rất sợ, nhưng nhờ vận dụng các kỹ năng mà tôi đã học hỏi được cùng với kinh nghiệm tôi đã trải qua, dần dần con khỉ không còn ác ý với tôi. Những ngày sau đó tôi cho nó ăn, “trò chuyện” với nó, một thời gian sau nó trở nên hiền lành với tôi, cứ thấy tôi là đòi ăn như một đứa trẻ làm nũng”.

Những con thú tội nghiệp từng bị nuôi nhốt hoặc bị săn bắt, được đưa về VQG Vũ Quang để chăm sóc sau đó thả về môi trường tự nhiên

Qua nhiều năm gắn bó với nhiều con thú hoang dã, chị Ngọc đã hiểu đặc tính từng loài, biết cách chăm sóc chúng như người mẹ chăm con trẻ. Chị đã biết chọn khẩu phần ăn cho thú theo loài, cân nặng, độ tuổi và sở thích của chúng. Khi thú bị ốm, chị đã biết dùng một số loại thuốc phổ biến để chữa các triệu chứng bệnh không quá phức tạp.

Trong quá trình chăm sóc thú, có những câu chuyện dở khóc dở cười mà chị Ngọc và đồng nghiệp từng trải qua. Chẳng hạn như chuyện cho rùa ăn nhưng nó cứ thụt đầu vào trong mai và nằm im suốt cả buổi, “bảo mẫu” không biết làm gì ngoài cách đặt thức ăn bên cạnh con rùa rồi chờ nó đói thò đầu ra ăn.

Những con thú mà vườn tiếp nhận về, có con đã được nuôi nhốt từ lâu, đã mất đi bản năng săn mồi. Trong khi đó có một số con bị săn bắt nên bị thương. Để chữa bệnh cho thú, hoặc rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho chúng, những cán bộ, nhân viên VQG Vũ Quang phải rất kiên trì, không nản lòng thì mới có những con thú khỏe mạnh trước khi thả chúng về rừng.

Từ sự sợ sệt và dè chừng lúc ban đầu tiếp cận những con thú, đến nay, khi đã quen và có nhiều trải nghiệm thì chị Ngọc và các đồng nghiệp thấy yêu thích công việc của mình. Mỗi một con thú phục hồi sức khỏe và bản năng hoang dã được thả về rừng là một niềm vui của các cán bộ, nhân viên Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang giới thiệu về con rùa quý hiếm đang được chăm sóc tại khuôn viên trụ sở làm việc của đơn vị

Chị Ngọc cho hay những con thú sau khi được chăm sóc và phục hồi bản năng hoang dã, một số con sẽ được thả trên một hòn đảo (giữa lòng hồ Ngàn Trươi trong lâm phần VQG Vũ Quang quản lý) để theo dõi. Từ hệ thống camera giám sát đa dạng sinh học, cán bộ vườn sẽ nắm bắt được tình trạng của thú và sẽ áp dụng biện pháp cho con thú này hòa nhập vào bầy đàn đồng loại khi nó đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế VQG Vũ Quang cho hay, từ những nỗ lực và kết quả mà đơn vị đạt được, VQG Vũ Quang những năm gần đây đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để các cá nhân, tổ chức bàn giao động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để chăm sóc, tái thả về tự nhiên.

Thả động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên tại VQG Vũ Quang - Nguồn video: VQG Vũ Quang

Khu hệ động vật của VQG Vũ Quang có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam và Nghị định 06 của Chính phủ cần được ưu tiên bảo tồn.

VQG Vũ Quang có giá trị sinh học lớn bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn.

Tại đây có có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Megamuntiacus truongsonensis), thỏ vằn (Nesolagus timinski), cầy vằn bắc (Migalus owstoni), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), ếch cây sần Bắc Bộ (Theloderma corticale)…

Quang Cường

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuu-ho-dong-vat-hoang-da-quy-hiem-bai-2-bao-mau-cua-dan-con-gap-nan-195059.html