Cựu giám đốc Google thừa nhận giao dịch độc quyền trong 'phiên tòa lịch sử'
Hôm thứ Tư (13/9), Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ ra cách Google xây dựng sự thống trị độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo có giá trị 1 nghìn tỷ USD, cũng như những hệ lụy từ điều này.
Đây là hoạt động chính trong ngày thứ hai của phiên tòa được đánh giá có ý nghĩa lịch sử khi Bộ Tư pháp Mỹ kiện Google có hành vi độc quyền và phản cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
Những tác hại từ sự độc quyền và mặc định
Đầu tiên, phiên tòa đã thẩm vấn cựu giám đốc Google, Chris Barton, về các thương vụ trị giá hàng tỷ đô la với các nhà cung cấp dịch vụ di động và những hãng khác đã giúp biến Google thành công cụ tìm kiếm mặc định.
Barton, người đã làm việc tại Google từ năm 2004 đến năm 2011, cho biết số lượng giám đốc điều hành của Google làm việc để giành được vị thế mặc định với các nhà cung cấp dịch vụ di động đã tăng lên đáng kể khi ông còn làm việc tại công ty, sau khi nhận ra tiềm năng phát triển của các thiết bị cầm tay và điện thoại thông minh.
Chính quyền Mỹ lập luận rằng sức mạnh của Google trong lĩnh vực tìm kiếm đã giúp gã khổng lồ công nghệ này xây dựng sự độc quyền trong một số khía cạnh của quảng cáo tìm kiếm trực tuyến. Tìm kiếm là miễn phí nên Google kiếm tiền thông qua quảng cáo.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Alphabet, công ty mẹ của Google, đã trả 10 tỷ USD hàng năm cho các công ty trực tuyến như AT&T, các nhà sản xuất thiết bị như Apple và các nhà sản xuất trình duyệt như Mozilla để chống lại các đối thủ và giữ thị phần công cụ tìm kiếm của mình tới gần 90%.
Trong các thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các nhà cung cấp dịch vụ di động và nhà sản xuất điện thoại thông minh Android, Google đã yêu cầu công cụ tìm kiếm của mình phải là tìm kiếm mặc định và độc quyền.
Barton cho biết, nếu công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft là mặc định trên điện thoại Android thì người dùng sẽ "khó chuyển sang Google". Ông nói: “Mọi người đều nhất trí rằng việc mặc định có tác động mạnh mẽ đến quyết định của người tiêu dùng”.
Barton cho biết trên hồ sơ LinkedIn của mình rằng ông chịu trách nhiệm lãnh đạo các mối quan hệ đối tác của Google với các nhà cung cấp dịch vụ di động như Verizon và AT&T, ước tính rằng các giao dịch này “mang lại doanh thu hàng trăm triệu”.
Chính quyền Mỹ cũng đã mời Antonio Rangel, người giảng dạy khoa học thần kinh và sinh học hành vi tại Viện Công nghệ California, để thảo luận về tác động của việc phải mặc định lựa chọn đối với tâm lý của người tiêu dùng.
Rangel nói với tòa án rằng ông phát hiện ra rằng công cụ tìm kiếm mặc định tạo ra sự thiên vị "đáng kể và mạnh mẽ", cho dù đó là Google hay Bing của Microsoft, và tác động của nó trên các thiết bị di động mạnh hơn so với máy tính cá nhân. Ông nhấn mạnh: “Mọi người đều nhất trí rằng việc mặc định có tác động mạnh mẽ đến quyết định của người tiêu dùng”.
Bước đệm cho một cuộc cách mạng công nghệ mới?
Luật sư John Schmidtlein của Google cho biết trong phiên xét xử đầu tiên vào hôm thứ Ba rằng Chính phủ Mỹ đã sai khi nói rằng Google vi phạm luật để giữ thị phần khổng lồ của mình, đồng thời tuyên bố công cụ tìm kiếm của họ phổ biến vì chất lượng tốt hơn đối thủ và các khoản thanh toán là sự đền bù công bằng cho đối tác.
Cuộc chiến này có ý nghĩa lớn đối với Big Tech, vốn bị cáo buộc mua hoặc bóp nghẹt các đối thủ nhỏ, nhưng đã tự bảo vệ mình bằng cách nhấn mạnh rằng các dịch vụ của họ là miễn phí, như trường hợp của Google, hoặc không đắt, như trường hợp của Amazon.com.
Các vụ kiện chống độc quyền lớn tại Mỹ trước đây thường tạo ra một cuộc cách mạng sau đó, như vụ kiện chống lại Microsoft vào năm 1998 và AT&T vào năm 1974. Sự tan rã của AT&T vào năm 1982 được cho là đã mở đường cho ngành công nghiệp điện thoại di động hiện đại. Trong khi đó, cuộc chiến với Microsoft mở ra không gian cho chính Google và những hãng khác trên internet.
Nếu Google bị phát hiện vi phạm luật, Thẩm phán Amit Mehta của Mỹ, người đang quyết định vụ việc, có thể ra lệnh cho Google ngừng các hoạt động mà ông cho là bất hợp pháp hoặc có thể ra lệnh cho Google phải bán tài sản liên quan đến việc độc quyền.
Hoàng Hải (theo Reuters, FT, AP)