Cựu du học sinh Việt: Ấn tượng về thư viện bên quả đồi đẹp nên thơ!

Đoàn Thanh Hải, cựu sinh viên học bổng New Zealand ASEAN Awards - Thạc sĩ Marketing, ĐH Massey (New Zealand ) đã kể lại những năm tháng sống và học tập tại đất nước xinh đẹp này. Cô đã hết lời ca ngợi những gì mà bản thân được trải nghiệm.

Đoàn Thanh Hải.

Đoàn Thanh Hải hiện đang là cán bộ quản lý dự án của CSIP- Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng; Cán bộ phát triển kinh doanh của IBE - Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển nguồn lực. Cô cũng là người sáng lập Kids Need Books, một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh nuôi dưỡng thói quen đọc sách và nâng cao khả năng tiếp cận sách tiếng Anh của trẻ em.

Đoàn Thanh Hải chia sẻ say sưa về những kỉ niệm đẹp: Người New Zealand đầu tiên tôi quen biết là cô Trish Summerfield ở Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Giá trị sống, người đã dành hơn chục năm ở Việt Nam để hướng dẫn mọi người thực tập sống bình an và hạnh phúc. Cô ấy cũng là ấn tượng đầu tiên của tôi về New Zealand, đó hẳn là đất nước yên bình nhất thế giới.

Lúc chọn điểm đến du học, một phần tôi bị hấp dẫn bởi những ưu đãi của Học bổng chính phủ New Zealand, một phần vì tôi muốn khám phá xứ sở bình yên nhất thế giới này. Đặc biệt là khi tìm hiểu về các trường ở New Zealand, tuy có 8 trường ĐH thôi các trường ĐH của New Zealand đều được kiểm định tốt trên thế giới, ví dụ như ĐH Massey được AACSB kiểm định. Lúc đó tôi cũng làm trong ngành giáo dục nên tôi hiểu rõ về các tiêu chuẩn kiểm định. Nên tôi càng yên tâm hơn với lựa chọn của mình và cứ thế lên đường.

Môi trường học tập nghiên cứu của New Zealand phải nói là tuyệt vời. Thầy cô luôn rất hỗ trợ không chỉ trong học tập mà trong các hoạt động ngoại khóa, thư viện rộng rãi nhiều sách, cán bộ thư viện thì hiểu biết và rất nhiệt tình.

Thư viện của ĐH Massey còn nằm trên một quả đồi đẹp nên thơ, rất thoải mái cho người học. Cách hoạt động của hệ thống thư viện bên New Zealand còn khiến tôi nảy ra ý tưởng xây dựng Doanh nghiệp xã hội Kids Need Books, để mang mô hình thư viện văn minh tương tự như ở New Zealand về cho các em nhỏ ở Việt Nam.

Về phương pháp học tập, số môn học trong kỳ ở New Zealand ít hơn hẳn các khóa học ở Việt Nam hay ở Mỹ. Một kỳ có tối đa 4 môn thôi, nhưng sau đó vào từng môn thì thầy cô yêu cầu đào rất sâu vào tính thực tiễn. Từng bài tập của sinh viên đều phải làm về một doanh nghiệp cụ thể ở New Zealand mà trường hợp tác (các công ty thuộc vườn ươm doanh nghiệp của trường, hoặc các công ty thuộc mạng lưới quan hệ của thầy cô).

Ví dụ: Phân tích tình huống hay kế hoạch Marketing cho 1 công ty ở New Zealand. Thông qua đó sinh viên vừa được áp dụng lý thuyết vào thực tế, vừa có thể hiểu hơn về bối cảnh thực tiễn của New Zealand. Điều này thực sự giúp ích cho các sinh viên quốc tế như tôi có thêm hiểu biết về các trải nghiệm địa phương. Nghiên cứu cũng được thực hiện rất nghiêm túc và bài bản.

Khi sử dụng ý đi mượn ở đâu đó, bạn phải trích nguồn rõ ràng đầy đủ, Điều này không phải là mới, ở Việt Nam cũng nhắc đến, nhưng ở New Zealand người học tuân thủ nghiêm ngặt. Bài tập khi nộp lên website của trường đều chạy qua phần mềm để phát hiện đạo văn vì người New Zealand cực kỳ đề cao sự sáng tạo và tôn trọng chất xám của người khác.

Như những gì tôi từng mường tượng về New Zealand, cuộc sống ở đây vô cùng văn minh, xanh và sạch, đúng như slogan Pure New Zealand (New Zealand thuần khiết). Con người thì thân thiện, tốt bụng và chân thành. Dạo phố hay đi xe buýt, bạn đều dễ dàng nhìn thấy nụ cười thường trực trên gương mặt mỗi người ở đây. Họ hỏi thăm nhau chân thành và luôn cảm ơn mỗi khi xuống xe hay mỗi khi sử dụng xong dịch vụ.

Ngọc Trang

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/du-hoc/cuu-du-hoc-sinh-viet-an-tuong-ve-thu-vien-ben-qua-doi-dep-nen-tho-3917506-v.html