'Hai ông Trump - Kim Jong Un đều rất đặc biệt'

Trước thềm cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng Mỹ - Triều gặp vì đã có những thỏa thuận cụ thể.

Có lẽ không người Việt Nam nào gắn bó và hiểu Triều Tiên hơn cựu đại sứ Dương Chính Thức. Ông dành phần lớn sự nghiệp ở Triều Tiên khi được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam tại quốc gia này nhiệm kỳ 1992-1996, sau 10 năm làm việc tại sứ quán và 7 năm học tập tại Bình Nhưỡng. Ông luôn hào hứng khi kể về đất nước đã từng nuôi nấng mình.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội, ông chia sẻ với Zing.vn về tình cảm dành cho Triều Tiên, đồng thời phân tích các khả năng hai bên có thể "nhường" nhau trong vấn đề hạt nhân.

Ông cho rằng điều tốt nhất là hai bên nên nhường nhau một cách đồng thời để tạo niềm tin, không thể kỳ vọng bên kia thực hiện toàn bộ các cam kết rồi mới nhượng bộ. Niềm tin chưa đủ, theo ông, chính là nguyên nhân cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018 cho đến nay vẫn bế tắc.

- Ông rời Triều Tiên đã lâu rồi. Vì sao ông vẫn rất quan tâm đến đất nước này?

- Tôi theo sát tình hình Triều Tiên cũng là đương nhiên. Bản thân tôi học ở Triều Tiên từ những năm 1963, 1964 cho đến năm 1970 mới về. Đến năm 1975 tôi mới sang công tác ở sứ quán mình bên đó cho đến cuối 1979, đầu 1980 tôi về Việt Nam. Đến năm 1984 tôi lại sang cho đến 1988.

Năm 1992 tôi sang làm đại sứ Triều Tiên, nhiệm kỳ đến năm 1996. Như vậy tôi có 3 nhiệm kỳ công tác và 7 năm học ở đấy, mình gắn bó với Triều Tiên lâu như vậy thì quan tâm tới Triều Tiên là đương nhiên.

Đất nước Triều Tiên là nơi tôi được học tập, đào tạo và sau đó sống rất lâu, và nó như là một nơi để lại nhiều tình cảm, nên ấn tượng của mình về nơi đó là không thể quên được. Chính phủ và nhân dân Triều Tiên nuôi chúng tôi học. Người ta bỏ tiền ra nuôi mình học và đấy là cách họ giúp Việt Nam.

Ở cái nơi xa mà người ta nuôi mình học tập, bồi dưỡng mình, thì làm sao mình quên được. Cho nên mỗi khi có biến cố gì, hoặc có sự kiện gì xảy ra ở Triều Tiên, mọi người quan tâm đã đành, nhưng những người từng học tập và công tác ở đấy lại càng quan tâm.

- Quan tâm tới Triều Tiên vậy, khi biết Việt Nam là nước tổ chức cuộc gặp sắp tới giữa hai lãnh đạo, ông có cảm xúc thế nào?

- Tôi nghĩ Việt Nam được chọn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai là điều rất tốt, tốt cho cả phía các bạn và tốt cho cả mình.

Về phía các nước bạn, người ta đã thấy Việt Nam là một đất nước đang phát triển rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á, hòa bình, ổn định và nền kinh tế phát triển. Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh APEC năm 2017 ở Đà Nẵng, và người đứng đầu chính phủ của các nước đến đây - tất cả diễn ra an toàn tốt đẹp như thế. Bây giờ nếu có sự kiện này diễn ra ở Việt Nam nữa thì tốt quá. Như thế sẽ nâng được uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Sự chú ý của thế giới dành cho Việt Nam sẽ như thế nào nếu tổ chức thành công hội nghị này so với hội nghị APEC năm 2017?

- Nếu so sánh như thế thì cũng rất khó. Bởi vì APEC là hội nghị dù diễn ra hàng năm, nhưng bao nhiêu năm mới ở Việt Nam một lần. Nguyên thủ của rất nhiều nước đến Việt Nam gặp gỡ với lãnh đạo của mình, như thế truyền thông họ chú ý đến hội nghị APEC bao nhiêu, càng tuyên truyền được cho Việt Nam bấy nhiêu.

Hội nghị Trump - Kim thì chỉ có nguyên thủ của hai nước. Nhưng cái khác là hai ông này rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ hai nước đối lập nhau bảy thập kỷ rồi. Mà cuộc chiến tranh 1950-1953 kết thúc với một hiệp định đình chiến, tức tình trạng chiến tranh vẫn còn. Hai nước trong tư thế đối địch nhau mà gặp được nhau như vậy sẽ thu hút sự chú ý của rất nhiều nước trên thế giới. Đây là điều đặc biệt. Bây giờ trên thế giới tình hình đối địch nhau trong chiến tranh còn ai nữa đâu, chỉ có Mỹ và Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bảy tám chục năm nay rồi, trên thế giới cũng không còn nhiều nước mà bị chia cắt như Triều Tiên hiện nay.

- Mỹ và Triều Tiên đã chọn Singapore vì Singapore là nước trung lập, có quan hệ với cả hai nước, sẵn sàng tài trợ chi phí, và đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh. Theo ông, tại sao Việt Nam lại được chọn cho lần gặp thứ hai này?

- Tôi thấy khi nêu ra cuộc gặp lần thứ hai này có nhắc đến một số địa điểm: Việt Nam rồi Singapore, rồi có thể Bàn Môn Điếm, Mông Cổ.

Singapore như anh nói là quan hệ với cả Mỹ và Triều Tiên, là nước trung lập, có điều kiện. Tôi thấy rằng mỗi một nước có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, đều có thuận lợi và không thuận lợi riêng.

Tôi thấy Việt Nam cũng có quan hệ với cả hai. Nhất là Việt Nam với Triều Tiên lại là quan hệ truyền thống, từ những năm 1950 rồi. Với Mỹ, quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển rất tốt đẹp. Nói về quan hệ với cả hai bên, Việt Nam và Singapore không khác nhau nhiều.

- Nhưng hẳn là ông Trump đã có ấn tượng tốt với Việt Nam từ APEC 2017?

- Việt Nam, tôi cho rằng có thành công từ hội nghị APEC tại Đà Nẵng. Về nội dung tôi không nói, nhưng vấn đề an ninh cho hội nghị và vấn đề an ninh xã hội của Việt Nam tạo nhiều ấn tượng tốt với khách quốc tế trong đó có Tổng thống Trump. Ông Kim Jong Un thì chưa đến Việt Nam nhưng tôi nghĩ qua nhiều kênh ông cũng hiểu Việt Nam là đất nước như thế nào.

Tôi nghĩ mình với Triều Tiên là quan hệ truyền thống mà đang phát triển, nhất là hoàn cảnh Việt Nam và Triều Tiên đối với Mỹ cũng tương tự. Những bước đi của Việt Nam đối với Mỹ, từ đối địch trong chiến tranh, đi đến bình thường hóa, rồi phát triển quan hệ là mô hình Triều Tiên có thể tham khảo.

- So với cuộc gặp lần đầu thì cuộc gặp lần này giữa lãnh đạo Mỹ, Triều có tầm quan trọng thế nào?

- Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên lần thứ nhất có ý nghĩa hết sức quan trọng khi hai nước đã bước qua sự thù địch trong bảy thập kỷ để gặp nhau. Ít ra nó cũng mang lại sự hiểu biết nhau nhất định, giảm được sự căng thẳng. Hai nước có những lúc như đứng bên bờ vực chiến tranh. Gặp nhau được thì nguy cơ đó có thể được giảm đi.

Nhưng cuộc gặp lần thứ nhất đưa ra được bốn nội dung đều là quy định rất chung chung về nguyên tắc chứ chưa có gì cụ thể. Sau đó, từ tháng 6 năm ngoái cho đến giờ, chuyên viên và đại diện hai bên cũng đã gặp nhau, nhưng chưa có kết quả cụ thể. Và những cam kết ở cuộc gặp lần trước chỉ là cam kết, chứ chưa được thực hiện nhiều.

Dù vậy, tôi thấy trong các cam kết của hai bên từ tháng 6/2018, cho đến bây giờ người thực hiện nhiều hơn là ông Kim Jong Un. Ông đã phá bỏ các cơ sở thử hạt nhân, tên lửa.

Tôi cho rằng lần này gặp nhau nếu chỉ đưa ra lời hứa chung chung thì chả cần gặp làm gì.

- Vì sao ông khẳng định như vậy?

- Trước khi họ quyết định gặp nhau, cấp cao hai bên cũng có qua lại để trao đổi về cuộc gặp thượng đỉnh này rồi.

Về phía Triều Tiên, ông Kim Yong Chol có vị trí rất cao trong lãnh đạo và là người rất tin cẩn của ông Kim Jong Un đã đi Mỹ gặp ông Trump và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo. Cùng thời gian ấy thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã sang Thụy Điển gặp trợ lý bộ trưởng ngoại giao của Mỹ.

Hai cuộc gặp diễn ra cùng vào tháng 1/2019 thì chắc chắn hai cuộc gặp ấy đã bàn về nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh. Hai bên có thể đã thống nhất một số nội dung mà họ có thể chấp nhận được và như vậy mới chốt gặp nhau ở một cuộc gặp thượng đỉnh.

Nếu không thống nhất được một số nội dung cụ thể, mà chỉ chung chung như lần trước, cuộc gặp này không có ý nghĩa, chưa chắc họ đã gặp.

- Sau cuộc gặp đầu tiên, đàm phàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã rơi bế tắc. Ông có thể phân tích nguyên nhân tại sao?

- Tôi cho rằng bốn nội dung nêu ra trong tuyên bố chung sau cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Kim ngày 12/6 năm ngoái đều là những vấn đề rất lớn, để thực hiện thì một cuộc gặp không thể làm được. Đàm phán nước này nước khác để đưa ra các nội dung rất lớn thì không thể chỉ gặp một lần là xong.

Còn riêng trường hợp này, hai bên cũng hứa hẹn với nhau nhưng thực hiện không được bao nhiêu. Nguyên nhân cơ bản là niềm tin của hai bên với nhau chưa đủ.

Mỹ cho rằng Triều Tiên hứa như thế nhưng không biết có thực tâm phi hạt nhân hóa hoàn toàn không. Triều Tiên cho rằng Mỹ hứa như thế nhưng qua một thời gian sau hội nghị Mỹ không làm gì cả, buộc Triều Tiên đặt câu hỏi các ông hứa có thực không.

Cốt lõi của việc từ hội nghị đầu tiên đến giờ chưa thực hiện được nội dung đã cam kết là do niềm tin của hai bên đối với nhau chưa đủ.

- Nội dung thỏa thuận từ cuộc gặp trước vì sao ông cho là "những nội dung lớn"?

- Bốn nội dung đạt được từ cuộc gặp đầu tiên bao gồm:

Mỹ và Triều Tiên cam kết quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với mong muốn hòa bình và thịnh vượng của nhân dân hai nước.

Thứ hai là Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng một thể chế hòa bình ổn định, lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba là Triều Tiên tái khẳng định tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018. Đây là cam kết giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Nội dung thứ tư là Mỹ và Triều Tiên cam kết thực hiện công tác tìm kiếm hài cốt còn sót lại từ năm 1953 đến nay vẫn chưa tìm được.

Điều này giống với Việt Nam khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Vấn đề tìm kiếm hài cốt và trao trả tù binh của ta với Mỹ cũng là vấn đề của Triều Tiên. Cam kết của họ bao gồm trao trả ngay các trường hợp đã được xác định danh tính.

Bốn nội dung đó là nguyên tắc cơ bản để thiết lập quan hệ mới giữa hai nước. Đây là một vấn đề rất lớn.

Bây giờ, Triều Tiên và Mỹ để thiết lập mối quan hệ hai nước phù hợp với mong muốn hòa bình thịnh vượng, tôi cho rằng hai bên phải ký một hiệp định để thay thế hiệp định đình chiến đang tồn tại. Hiện nay hai nước chỉ tạm thời ngừng bắn, chứ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Như vậy thì không ổn. Phải ký một hiệp định hòa bình, điều mà Triều Tiên nêu ra rất nhiều lần với Mỹ.

Ký hiệp định hòa bình là một vấn đề rất lớn, không chỉ liên quan đến Mỹ và Triều Tiên, mà còn Liên Hợp Quốc và Trung Quốc, tức là 4 bên chưa kể Hàn Quốc. Tôi nghĩ để làm được những cái đó còn cần thời gian.

Nhưng nếu lần thứ hai này gặp nhau mà chưa làm được những cái lớn cơ bản thì phải làm được những cái gì thật cụ thể.

Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải bỏ hoặc giảm bớt bao vây cấm vận Triều Tiên, tôn trọng độc lập chủ quyền của Triều Tiên, để Triều Tiên có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại, Mỹ đòi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, triệt để và có kiểm chứng. Ít ra lực lượng vũ khí hạt nhân có bao nhiêu Triều Tiên phải khai báo.

- Lịch sử vấn đề hạt nhân Triều Tiên dường như là một vòng tròn. Những đợt bắt tay đàm phán này đã xảy ra rồi, tới hai lần trong quá khứ, sau đấy hai nước vẫn quay trở lại đối đầu. Vì sao vậy?

- Sở dĩ có tình trạng đó là niềm tin của hai bên với nhau còn chưa đủ, một bên làm nhưng bên kia cho rằng họ làm chưa thực tâm, chưa đủ. Một bên hứa nhưng bên kia bảo ông hứa nhưng chưa chắc đã làm.

- Ông có đoán được hai bên sẽ nhượng bộ những gì cụ thể với nhau trong cuộc gặp sắp tới không không?

- Tôi nghĩ Mỹ ít ra cũng phải nhượng bộ Triều Tiên một cái gì đó. Cụ thể là anh đang bao vây cấm vận, bây giờ bảo bỏ hoàn toàn thì chắc là chưa. Nhưng phải giảm từng phần, thì mới tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển kinh tế xã hội được. Chứ bỏ hết hoàn toàn bao vây cấm vận thì cũng khó.

Cái bao vây cấm vận ấy còn là một loạt các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Muốn bỏ cần hội nghị của Liên Hợp Quốc để ra nghị quyết khác. Bản thân Mỹ cũng có những trừng phạt cấm vận đối với Triều Tiên. Những cái Mỹ có thể dỡ bỏ, trước mắt Mỹ hãy thực hiện đi đã.

- Tổng thống Trump rất khó đoán. Chẳng hạn, trong cuộc gặp đầu, ông cũng gây bất ngờ khi quyết định hoãn tập trận Mỹ - Hàn, khiến các quan chức của ông bất ngờ. Lần này liệu có bất ngờ nào nữa không?

- Ông Trump có nhiều cái khó đoán. Mà ông Kim cũng có nhiều cái khó đoán. Nhưng cái quyết định của ông Trump là nước lớn, mỗi quyết định của ông ấy đều mang ý nghĩa. Sau lần gặp trước, ông Trump bảo hoãn tập trận thì cũng làm thật: Số lượng các cuộc tập trận ít hơn và quy mô nhỏ hơn trước. Nhưng hoãn tập trận hoàn toàn thì chắc là chưa.

Lần này, trong tất cả những điều mà Triều Tiên yêu cầu, ông ấy làm được gì thì cũng là điều có ý nghĩa. Thực ra, cũng không phải là khó đoán, bởi vì loanh quanh trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại những mâu thuẫn tương đối rõ như trên.

- Trong ván cờ giữa hai nước, có những vấn đề nào Triều Tiên có thể nhượng bộ được và những vấn đề nào không thể?

- Triều Tiên có thể nhượng bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa, có thể làm được đến mức độ nào tùy thuộc Mỹ làm cho Triều Tiên được cái gì. Hai bên phải thực hiện đồng thời, nhất là trong lúc niềm tin giữa hai bên chưa đủ.

Mỹ không thể yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hết vũ khí hạt nhân rồi mới bỏ cấm vận. Triều Tiên cũng không thể mong chờ Mỹ bỏ hết bao vây cấm vận, thì mới phi hạt nhân hóa.

Nguyên tắc để bình thường hóa quan hệ là Mỹ phải tôn trọng độc lập chủ quyền của Triều Tiên, thể chế của Triều Tiên, không làm hại Triều Tiên. Người ta mở quan hệ với Mỹ, giao lưu về kinh tế nhưng không thể mất chế độ.

- Triều Tiên dành rất nhiều tiền bạc, của cải, trong nhiều thập kỷ để tích lũy được kinh nghiệm chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông có tin rằng Triều Tiên muốn thực tâm từ bỏ tất cả để bán đảo Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân?

- Trên thế giới những nước sở hữu vũ khí hạt nhân rất nhiều. Mất bao thập kỷ, Triều Tiên mới xây dựng được như thế. Tốn kém rất nhiều, người dân Triều Tiên phải chịu cuộc sống thiếu thốn để đầu tư vào đó, bây giờ khả năng từ bỏ một lúc cũng khó.

Để từ bỏ hạt nhân, Triều Tiên còn về vấn đề đồng thuận nội bộ. Trong nước họ có 100% tán thành chủ trương này không, tôi cho rằng sẽ là dần dần từng bước. Trước mắt là giải trừ một phần để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ.

Sẽ đến lúc người ta phải từ bỏ khi thấy cứ duy trì kho vũ khí hạt nhân trở nên quá tốn kém một cách vô bổ nếu không sử dụng.

Từ năm 2017, đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh phát triển kinh tế, trước đây quân sự là trên hết. Qua đó tôi cho rằng người ta đã nhận thức lại. Chỉ tập trung quân sự, kinh tế không phát triển được thì chả giải quyết vấn đề gì. Để phát triển kinh tế thì đòi hỏi cần có môi trường hòa bình.

- Xin chân thành cám ơn ông.

Trọng Thuấn - Vũ Mạnh
Đồ họa: Phượng Nguyễn; Ảnh: Quỳnh Trang, Reuters, AFP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hai-ong-trump-kim-jong-un-deu-rat-dac-biet-post915519.html