Cựu điệp viên CIA bị bắt từng tiếp xúc với tình báo Trung Quốc

Cựu điệp viên CIA có những mối liên hệ đáng ngờ với tình báo Trung Quốc, đặc biệt từ sau khi rời khỏi cơ quan này và làm việc cho đội điều tra chống buôn lậu của một hãng thuốc lá.

Vụ bắt giữ Jerry Chun Shing Lee, cựu điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 15/1 khiến vụ bê bối tình báo lớn nhất của Mỹ trong nhiều năm lại nóng lên. Cuối năm 2010, Trung Quốc đã đánh sập mạng lưới tình báo của Mỹ gây dựng nhiều năm ở Bắc Kinh.

Sự sụp đổ của mạng lưới gián điệp là một trong những thất bại lớn nhất về tình báo của chính phủ Mỹ trong những năm qua. Một tổ điều tra đặc biệt của chính phủ gồm các nhân viên của CIA và Cục Điều tra liên bang (FBI) được lập ra, do Charles McGonigal, quan chức phản gián kỳ cựu của FBI dẫn đầu.

Jerry Chun Shing Lee là nghi can chính trong chiến dịch săn lùng “kẻ phản bội” CIA. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Lee lại liên quan đến tội danh tàng trữ thông tin mật trái phép. Mới đây, New York Times dẫn lời đồng nghiệp cũ của Lee tiết lộ tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Mối liên hệ đáng ngờ

Theo New York Times, năm 2007, sau khi rời khỏi CIA, Lee được Japan Tobacco International (JTI), hãng thuốc lá quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ tuyển dụng. Lee làm việc tại đội điều tra đặc biệt của công ty theo dõi việc buôn lậu thuốc lá và hàng nhái.

Lee từng nói với các nhà tuyển dụng của JTI, rằng công việc chính phủ cuối cùng của ông là liên lạc viên chính thức của CIA ở Bắc Kinh với tình báo Trung Quốc, cựu đồng nghiệp giấu tên của Lee cho biết. Trong quá trình Lee làm việc cho đội điều tra đặc biệt của JTI, các cuộc gặp của Lee với quan chức Trung Quốc được JTI thông qua và ghi chép cẩn thận.

Tuy nhiên, ở một số thời điểm, Lee không báo cáo cho cấp trên về các mối liên hệ không chính thức của ông ta với các đầu mối ở Trung Quốc. Một năm sau khi làm việc tại JTI, cấp trên bắt đầu nghi ngờ Lee.

Lee được cho là có mối liên hệ đáng ngờ với Bộ An ninh Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP.

Lee được cho là có mối liên hệ đáng ngờ với Bộ An ninh Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP.

Giới lãnh đạo JTI nghĩ rằng ông ta có thể tiết lộ thông tin cho các quan chức Trung Quốc tham gia vào đường dây buôn lậu thuốc lá. Các vụ điều tra mà Lee được giao đều rơi vào ngõ cụt và không tìm thấy bằng chứng liên quan. Từ đó, JTI ngừng cung cấp thêm thông tin cho ông ta về các vụ điều tra mới của họ.

Giữa năm 2009, công ty phát hiện thâm hụt 15.000 USD trong quỹ tiền mặt dùng để chi trả cho những người cung cấp thông tin về buôn lậu thuốc lá. Giới lãnh đạo JTI nghi ngờ Lee dùng số tiền đó để chi trả cho những người cung cấp thông tin không tồn tại.

Lee bị sa thải vào năm 2009. Một đồng nghiệp của Lee tại JTI, cho biết Lee từng có thời gian tiếp xúc với tình báo Trung Quốc trong quá trình ông làm việc cho chi nhánh của CIA ở Bắc Kinh. Sau khi rời khỏi CIA, Lee tiếp tục có mối liên hệ với tình báo Trung Quốc khi ông làm việc cho đội điều tra của JTI.

Các nhà lãnh đạo của JTI nhìn thấy những mối liên hệ đáng ngờ giữa Lee và tình báo Trung Quốc trong năm 2010. Họ đã thông báo cho FBI về vấn đề này. Tuy nhiên, người ta không rõ khi nào và liệu các nhân viên phản gián của FBI hiểu được cách thức liên lạc của ông ta với gián điệp Trung Quốc hay không.

Không đáng tin trong mắt đồng nghiệp

Một quản lý cấp cao của JTI, người từng làm việc với Lee thời điểm đó, cho biết công ty có lý do để tin rằng Lee là đầu mối cung cấp thông tin của CIA cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, mặc dù ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Ông này cho biết thêm năm 2010, công ty nhận được thông tin Lee đang làm việc với tình báo Trung Quốc. Thông tin được cung cấp từ một quan chức Trung Quốc hợp tác với đội điều tra của JTI ở Hong Kong.

Báo cáo mà Lee chuyển cho tình báo Trung Quốc nói rằng các điều tra viên của JTI làm việc cho CIA. Thông tin này có thể gây nguy hiểm cho mọi điều tra viên của JTI khi đến Trung Quốc. Vị quản lý cấp cao của JTI nói rằng thông tin này không chính xác. Bất kỳ nhận thức nào về liên kết với các cơ quan tình báo nước ngoài đều được né tránh, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho nhân viên JTI ở Trung Quốc.

Lee thời còn làm việc cho nhà đấu giá Christie's ở Hong Kong. Ảnh: The Value.

Ngoài ra, Lee còn tố cáo nhân viên đội điều tra bắt cóc và tra tấn trong quá trình săn lùng những kẻ buôn lậu. Những tuyên bố của Lee tuy không được chứng minh nhưng dẫn đến sự giải tán của đội điều tra ở Hong Kong. Giai đoạn này, JTI buộc phải cấm tất cả nhân viên công ty đến Trung Quốc.

Quá trình tiếp xúc của Lee với tình báo Trung Quốc không kết thúc ở đó. Sau khi bị đuổi việc, Lee kết hợp với cựu cảnh sát Hong Kong thành lập một công ty điều tra nhỏ. Họ nhắm đến cơ hội kinh doanh từ các công ty thuốc lá ở Trung Quốc.

Tháng 10/2010, Lee xuất hiện tại cuộc họp chi nhánh ở Quảng Đông của Công ty Thuốc lá Trung Quốc cùng với các quan chức của Bộ An ninh đại lục, một người tham gia cuộc họp tiết lộ cho JTI. Lee đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho công ty của mình và được các quan chức tình báo ủng hộ.

Tuy nhiên, công ty điều tra mà Lee đồng sở hữu không phát triển được và ông ta rời khỏi công ty vào năm 2014. Sau đó, Lee được nhà đấu giá Christie's ở Hong Kong tuyển dụng và làm việc ở đó cho đến khi bị bắt.

Một đồng nghiệp khác của Lee nhớ lại, ông ta có mối quan hệ không tốt với cấp trên nhưng luôn được chào đón nồng hậu bởi các nhân viên Trung Quốc, những người miêu tả Lee thường nói về số tiền ông ta kiếm được hoặc những điều muốn làm.

Trong công việc, Lee được đánh giá là người không đáng tin và khi ông ta rời đi “không ai trong chúng tôi muốn gặp lại ông ta nữa”, đồng nghiệp của Lee cho biết. Các đồng nghiệp cũ của Lee đều không biết gì về cuộc điều tra của FBI cho đến khi ông ta bị bắt.

Những màn hỏi cung man rợ của CIA với nghi phạm khủng bố Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được cho là đã áp dụng nhiều biện pháp thẩm vấn tàn bạo, bao gồm trấn nước, xử tử giả..., với ít nhất 119 nghi phạm khủng bố sau sự kiện 11/9.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuu-diep-vien-cia-bi-bat-tung-tiep-xuc-voi-tinh-bao-trung-quoc-post813117.html