Cứu dân là mệnh lệnh trái tim của người lính

Sau khi được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị, sức khỏe của Đại úy Lê Văn Dùy, Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị, cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang dần ổn định. Trong câu chuyện, anh nói rằng, dù biết có thể gặp nguy hiểm, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng đó là trách nhiệm của người lính, của cán bộ địa phương đối với nhân dân.

BĐBP Quảng Trị cử cán bộ quân y hỗ trợ Đại úy Lê Văn Dùy trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Ngọc Thành

BĐBP Quảng Trị cử cán bộ quân y hỗ trợ Đại úy Lê Văn Dùy trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Ngọc Thành

Sau khi bị thương trong quá trình tìm kiếm người dân mất tích, phải hơn 1 tuần chờ đợi, khi thời tiết thuận lợi hơn, Đại úy Lê Văn Dùy cùng đồng đội của mình mới được máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đưa đi chữa trị. Trải qua cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế để chữa những vết thương trên cơ thể, sức khỏe của Đại úy Lê Văn Dùy đã dần ổn định. Khi đã bình tâm, anh kể lại câu chuyện mình gặp nạn trong quá trình tìm kiếm, cứu hộ người dân địa phương.

Những ngày giữa tháng 10, trên địa bàn xã Hướng Việt có mưa to kéo dài liên tiếp, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất lớn. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Đại úy Lê Văn Dùy cùng cán bộ địa phương phải chia nhau về từng bản đôn đốc bà con di dời khỏi những vị trí nguy hiểm, đến nơi an toàn.

15 giờ 30 phút ngày 17-10, chính quyền địa phương xã Hướng Việt nhận được nguồn tin có 7 người dân trong một gia đình bị mất tích khi đi tuốt lúa trên rẫy. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, một tổ công tác gồm đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã; Đại úy Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; Đại úy Trương Văn Thắng, Trưởng Công an xã và 4 cán bộ khác của xã Hướng Việt đã đội mưa, cắt rừng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích.

Khu vực làm nương rẫy của người dân địa phương cách xa khu dân cư, phải đến chiều tối cùng ngày, tổ công tác của chính quyền xã Hướng Việt mới đến khu vực nghi người dân bị mất tích. Khi họ vừa đặt những bước chân đầu tiên lên ngọn đồi trước mặt thì bỗng dưng đất đá ầm ầm đổ xuống. Dù mọi người đã hô hào nhau cố sức chạy, nhưng vẫn không thể kịp. Đại úy Dùy bị đất đá xô về phía rào chắn ven đường, trên đầu vẫn đội chiếc mũ bảo hiểm và bị vùi lấp, anh ngất đi trong chốc lát. Mấy phút sau, anh may mắn tỉnh dậy, dùng hết sức còn lại cố ngoi lên, để thoát ra khỏi bùn đất.

“Khi tỉnh lại, mình biết chân đã bị gãy, đau buốt xương nhưng vẫn cố gắng thoát ra khỏi lớp bùn đất ngập gần đến cổ. Bởi nếu không cố gắng thì đợt sạt lở tiếp theo, mình sẽ không còn cơ hội sống nữa” - Đại úy Lê Văn Dùy chia sẻ.

Một tay cố tìm cành cây để đẩy cơ thể thoát khỏi bùn đất, tay còn lại kéo theo chiếc chân đã bị gãy, Đại úy Lê Văn Dùy đã lê ra được đống bùn lầy khoảng 5m, rồi kêu cứu trong màn đêm mưa rét. Rất may cho anh, một số người thoát nạn và nhân dân địa phương đã đến tiếp ứng đưa anh ra ngoài. Trong đau đớn, anh vẫn cố định hình để chỉ cho mọi người biết vị trí đồng chí Hồ Văn Sinh và Trương Văn Thắng bị vùi lấp. Trên cơ sở đó, mọi người đã khẩn trương moi đất đá, cứu được đồng chí Hồ Văn Sinh đưa ra ngoài trong tình trạng bị thương rất nặng, còn Đại úy Trương Văn Thắng bị quá nhiều vết thương do đất, đá vùi lấp nên không qua khỏi. Sau đó, Đại úy Lê Văn Dùy và đồng chí Hồ Văn Sinh đã được đưa về Trạm y tế xã Hướng Việt để cấp cứu. Trời vẫn tiếp tục mưa to, mọi con đường dẫn về Hướng Việt đều bị sạt lở đất chia cắt, thông tin liên lạc cũng bị tê liệt, 2 cán bộ bị thương nặng không thể chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên để cứu chữa.

Không còn cách nào khác, BĐBP Quảng Trị đã kết nối thông tin quân sự với Đồn Biên phòng Hướng Lập để đội ngũ y, bác sĩ ở thành phố Đông Hà hướng dẫn quân y, y tế cơ sở cấp cứu cho các nạn nhân, tránh những biến chứng nặng. Trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men tại biên giới còn thiếu thốn nên biện pháp được chỉ định chủ yếu vẫn là kháng viêm và giảm đau. Do đó, vết thương phần mềm của đồng chí Hồ Văn Sinh có xu hướng nặng lên, bắt đầu hoại tử. Thời điểm đó, mọi ngả đường vào trung tâm xã Hướng Việt vẫn chưa thể lưu thông, phương án dùng trực thăng để đưa 2 cán bộ bị thương ra ngoài đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt nhưng cũng chưa thể thực hiện vì thời tiết quá xấu. Đến ngày 23-10, khi mưa ngớt, nắng lên, máy bay trực thăng mới tiếp cận được xã biên giới thả hàng cứu trợ và đưa được người bị thương ra ngoài, chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục cứu chữa.

Nghe tin chồng được chuyển vào Huế cứu chữa, chị Hoàng Thị Bông (vợ anh Dùy) đã sắp xếp việc gia đình để vào chăm sóc cho anh. Đôi mắt ngấn lệ, chị Bông chia sẻ: “Hơn mười năm làm vợ bộ đội, tôi đã quen với việc một mình gồng gánh việc gia đình. Nhưng lần này, nghe nói anh bị thương nặng khi đi cứu dân nên ruột gan tôi như có lửa đốt, điện thoại lại không liên lạc được, tôi nghĩ dại, lỡ anh có chuyện gì thì mình làm sao sống nổi”.

Biết tin anh Dùy bị thương trong quá trình đi cứu dân, nhiều người. Nén nỗi đau thể xác, Đại úy Dùy vẫn mỉm cười với mọi người và nói rằng, với trách nhiệm của người lính và cương vị của cán bộ chính quyền địa phương, anh sẽ có mặt khi nhân dân cần.

Được biết, Đại úy Lê Văn Dùy đã có 15 năm trong quân ngũ, được đào tạo rất bài bản và trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Anh mới nhận công tác tại địa bàn xã Hướng Việt từ đầu năm 2020 đến nay và luôn nhận được sự tin yêu của chính quyền, nhân dân địa phương.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuu-dan-la-menh-lenh-trai-tim-cua-nguoi-linh-post434663.html