Cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan bị bắt trở lại

Sau gần 1 tháng được tại ngoại, sáng 4-4, cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan Carlos Ghosn đã bị bắt tại Tokyo (Nhật Bản).

Theo hãng NHK, các công tố viên đã tới tư dinh của ông Carlos Ghosn để dẫn cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan vì bị cáo buộc "nghi ngờ vi phạm tín nhiệm nghiêm trọng". Và ông Carlos Ghosn tiếp tục khẳng định vô tội trước mọi cáo buộc.

"Việc tôi bị bắt sáng nay là thái quá và tùy tiện. Đây là một phần trong nỗ lực của một số cá nhân tại Nissan nhằm bịt miệng tôi bằng cách đánh lừa các công tố viên", ông Carlos Ghosn nói với hãng CNN thông qua người phát ngôn của mình.

Trước đó, luật sư của ông Carlos Ghosn (có 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon) cho biết, đã đệ đơn lên Liên hợp quốc để tố cáo sự vi phạm các quyền cơ bản trong suốt thời gian thân chủ bị giam giữ - bị giam trong điều kiện "mất nhân tính".

Vụ bắt giữ kể trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi ông Carlos Ghosn đăng trên Twitter - thề nói sự thật về hậu trường vụ bê bối của mình trong cuộc họp báo tuần tới. Và những động thái này diễn ra trong bối cảnh hãng Renault vừa công bố thêm các bằng chứng mới chống lại ông Carlos Ghosn.

Được biết, sau khi được tại ngoại, ông Carlos Ghosn đã bị các công tố viên Pháp mở cuộc điều tra xung quanh tiệc cưới xa hoa được tổ chức tại cung điện Versailles hồi tháng 10-2016.

Bởi khi lên xe hoa lần thứ hai với bà Carole, ông Carlos Ghosn đã tổ chức buổi dạ tiệc với chủ đề "Nữ hoàng Marie Antoinette" tại cung điện Versailles và 1 phần chi phí của đám cưới xa hoa này được thanh toán bởi hãng Renault.

Theo điều tra sơ bộ, tháng 6-2016, Tập đoàn Renault có ký hợp đồng tài trợ nâng cấp với cung điện Versaille trị giá 2,3 triệu euro. Và theo thỏa thuận đã ký, Tập đoàn Renault có thể được hưởng lợi từ việc vào tham quan Versailles cùng các dịch vụ khác của cung điện với trị giá tối đa khoảng 575.000 euro.

Theo báo cáo của Tập đoàn Reunaul với cơ quan điều tra Pháp hồi tháng 2 cho thấy, ông Carlos Ghosn từng hưởng một khoản lợi nhuận cá nhân trị giá 50.000 euro và số tiền này bằng đúng chi phí cựu Chủ tịch Tập đoàn Renault - Nissan - Mitsubishi thuê tổ chức tiệc cưới.

Luật sư của ông Carlos Ghosn tuyên bố ngay sau khi biết tin này - thân chủ sẵn sàng hoàn trả số tiền kể trên vì không biết đang mắc nợ do không được lập hóa đơn.

Ông Carlos Ghosn và vợ rời văn phòng luật sư ở Tokyo.

Ông Carlos Ghosn và vợ rời văn phòng luật sư ở Tokyo.

Trước đó, hãng Bloomberg dẫn thông tin từ Tập đoàn Nissan cho biết, họ đã chi trả học phí cho cả 4 người con của ông Carlos Ghosn tại Trường Đại học Stanford ở California (Mỹ) trong giai đoạn 2004-2015.

Được biết, số học phí này tối thiểu cũng khoảng 601.000 USD, và không nằm trong danh mục chi tiêu thông thường của Nissan dành cho các giám đốc điều hành hàng đầu của tập đoàn.

Đây là đặc quyền của Nissan dành cho ông Carlos Ghosn và là điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký từ năm 1999 khi về làm việc với tư cách giám đốc điều hành. Nhưng trong các hồ sơ chính thức của Nissan ở cả Nhật Bản và Mỹ không có bất cứ thông tin vào về quyền lợi này của ông Carlos Ghosn.

Được biết, tòa án Tokyo đã bác yêu cầu của ông Carlos Ghosn - muốn dự cuộc họp hội đồng quản trị của Tập đoàn Nissan diễn ra hôm 12-3. Và đến ngày 8-4, cuộc họp cổ đông bất thường sẽ được triệu tập để loại ông Carlos Ghosn ra khỏi ban lãnh đạo Tập đoàn Nissan.

Ông Carlos Ghosn đang chờ xét xử với những cáo buộc như không báo cáo đầy đủ thu nhập và chuyển lỗ đầu tư cá nhân vào Tập đoàn Nissan. Được biết, ông Carlos Ghosn đã phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của 2 tập đoàn Renault và Mitsubishi trước đó.

Theo giới truyền thông, sau hơn 3 tháng (108 ngày) bị bắt, ông Carlos Ghosn đã được bảo lãnh tại ngoại hôm 6-3 và cựu Chủ tịch Tập đoàn Renault - Nissan - Mitsubishi không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên khi rời khỏi trại giam tại Tokyo.

Giới truyền thông cho biết, sau hơn 4 tháng (19-11-2018) bị bắt, ông Carlos Ghosn đã bị loại khỏi vai trò đứng đầu tại ba hãng xe nổi tiếng là Nissan, Renault và Mitsubishi Motors. Tuy đã bị bắt, bị loại khỏi vị trí lãnh đạo tại 3 tập đoàn kể trên, nhưng cho đến nay ông Carlos Ghosn vẫn bác bỏ mọi cáo buộc gian lận tài chính.

Tòa án Tokyo cho biết, ông Carlos Ghosn được phép tại ngoại (bất chấp kiến nghị không đồng ý của các công tố viên) sau khi đồng ý nộp số tiền bảo lãnh 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD) và đây là 1 trong những mức bảo lãnh cao nhất từ trước đến nay ở đất nước mặt trời mọc.

Và nếu bị kết tội, ông Carlos Ghosn phải đối mặt với mức án 15 năm tù giam. Quyết định cho phép ông Carlos Ghosn tại ngoại là động thái bất ngờ vì trước đó Tòa án Tokyo từng 2 lần bác bỏ yêu cầu này. Bởi tòa lo ngại ông Carlos Ghosn có thể bỏ trốn bằng đường hàng không và tiêu hủy các bằng chứng.

Quốc Dũng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/cuu-chu-tich-tap-doan-nissan-bi-bat-tro-lai-540521/