Mỹ tạm đóng cửa cơ quan ngoại giao, quan hệ Mỹ-Thổ đứng trước sóng gió

Mỹ tạm đóng cửa cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ triệu Đại sứ Mỹ đến để phản đối và đồng lira trượt giá, báo hiệu những sóng gió trong mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO.

Những diễn biến căng thẳng này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận cuộc thảm sát người Armenia trong thời kỳ Đế chế Ottoman năm xưa là "tội ác diệt chủng".

Cờ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ảnh: Ozdel.

Cờ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ảnh: Ozdel.

Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo các phái bộ ngoại giao nước này sẽ đóng cửa đối với các dịch vụ thông thường từ ngày 26-27/4 do lo ngại các cuộc biểu tình và phản đối tại quốc gia này. Lo ngại của Mỹ là có cơ sở khi những tuyên bố của Tổng thống Biden đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chức nước này cùng người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố, đồng thời triệu Đại sứ Mỹ tại thủ đô Ankara – ông David Satterfield tới để phản đối.

Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất bình trước tuyên bố của Tổng thống Biden: “Các chính trị gia luôn tính toán lợi ích trong mọi tuyên bố của họ. Tổng thống Biden cũng vậy và tôi không cho rằng tuyên bố này là chân thành”.

“Giờ họ nói về tội ác diệt chủng. Tôi thực sự cảm thấy khó chịu về tuyên bố này”.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ chấp nhận rằng nhiều người Armenia sống dưới thời Đế chế Ottoman đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân Ottoman trong Thế chiến thứ nhất, song phủ nhận các vụ giết người được dàn dựng một cách có hệ thống và tạo thành một cuộc diệt chủng. Đến nay, chưa có Tổng thống Mỹ nào chính thức công nhận đây là "tội ác diệt chủng”, tránh làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhận định về tuyên bố mới nhất của Tổng thống Biden, chuyên gia phân tích Richard Giragosian Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khu vực tại Armenia cho biết: “Về tuyên bố của Tổng thống Biden, đó không chỉ là vấn đề lịch sử, sức ép thực hiện cam kết tranh cử, mà còn là chính sách đối ngoại của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền ông Biden luôn nhấn mạnh những ưu tiên ủng hộ nhân quyền và các giá trị dân chủ. Tuyên bố về Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thông điệp chiến lược về chính sách đối ngoại của Mỹ gửi tới các quốc gia khác như Saudi Arabia hay Nga”.

Bước đi mới nhất này có thể khiến quan hệ Mỹ-Thổ một lần nữa rơi vào sóng gió. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cảnh báo sự công nhận của Mỹ sẽ là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai đồng minh. Sự biến động của thị trường với đồng lira trượt tới 2% là một dấu hiệu cảnh báo sớm về triển vọng leo thang giữa hai quốc gia.

Hiện dư luận đang chờ xem phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước đó tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ sự thật chống lại “những kẻ vu khống với những toan tính chính trị”.

Một số nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp lại hành động của Mỹ bằng cách hạn chế các nhiệm vụ không thuộc NATO tại Căn cứ Không quân Incirlik ở Adana. Nước này cũng có thể hành động đơn phương ở Syria, coi thường lợi ích của Mỹ.

Rõ ràng là Tổng thống Erdogan sẽ đối mặt với sức ép buộc phải phản ứng. Tuy nhiên, mức độ đáp trả và ảnh hưởng ra sao sẽ buộc ông phải cân nhắc vào thời điểm đang tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây. Tuyên bố công nhận của Tổng thống Biden được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Thổ, với việc nhất trí hai bên sẽ có cuộc gặp song phương tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 này./.

Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-tam-dong-cua-co-quan-ngoai-giao-quan-he-my-tho-dung-truoc-song-gio-852808.vov