Cựu chiến binh sát cánh bảo vệ rừng chiến khu D

Rừng chiến khu D (còn gọi rừng Mã Đà, thuộc xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) có quy mô hơn 512ha, cách trung tâm tỉnh chưa tới 30km, hiện là khu rừng nguyên sinh lớn nhất còn sót lại của tỉnh Bình Phước. Khu rừng quý hiếm này đang được những cựu chiến binh (CCB) thuộc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ B.58 (gọi tắt Công ty B.58) sát cánh bảo vệ.

Những cựu chiến binh trên đường tuần tra rừng chiến khu D

Những cựu chiến binh trên đường tuần tra rừng chiến khu D

Kiêu hãnh rừng chiến khu

Con đường trải nhựa phẳng lì uốn lượn giữa những vườn cao su, vạt điều xanh ngút tầm mắt, đưa chúng tôi đến thăm rừng chiến khu D. Cái nắng chói chang mau chóng được xua tan bởi không khí trong lành khi gần đến sát cửa rừng.

Anh Phan Văn Trí (nhân viên bảo vệ rừng) dẫn chúng tôi theo lối hẹp tuần tra, cũng là đường mòn để vào lõi rừng. Chừng vài phút, những thảm rừng nguyên sơ bắt đầu lộ ra với vẻ thâm u đặc trưng của rừng già. Rừng có hàng ngàn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi to lớn, như bằng lăng, bình linh, gõ mật, kơ nia, sồi, huỳnh đường, da, trường… Nhiều cây bằng lăng cao vút đến 20 - 35m, đường kính 4 - 6m, những cây kơ nia cao 20 - 50m với đường kính 3 - 12m, trở thành biểu tượng của cánh rừng.

Thời điểm này, mưa vẫn thường xuyên đổ xuống nên khu rừng ẩm ướt, lá rụng thành nhiều tầng mục ruỗng, kết thành tấm nệm khổng lồ. Quanh lối mòn là những dấu vết cào bới thức ăn của bầy heo rừng và thấp thoáng trong những bụi cây ven đường có những bầy sóc đang chuyền cành. Trên những ngọn cổ thụ cao tít, chim chóc đủ loài cũng đang tìm về xây tổ. Mùa này nhiều loại cây rừng đơm hoa kết trái, cả khu rừng tỏa hương dìu dịu. Các CCB nơi đây gọi đó là hương rừng. Quá trưa, khi ánh mặt trời rọi đỉnh đầu, từng tia nắng xuyên qua kẽ lá khiến cả khu rừng bừng lên sức sống.

Rừng Mã Đà có 54 loài cây thuộc 13 loài được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam 2014. Xưa kia rừng Mã Đà là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông, nơi cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo lão thành cách mạng từng hoạt động. Khu rừng vì vậy có giá trị rất lớn về lịch sử, ghi đậm dấu ấn một thời của cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ với hầm, hào, chỗ ở, làm việc của Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ; nhà hầm Bệnh xá Cục II miền Đông của những năm 1946…

Giữ rừng như đánh giặc

Cùng đi vào rừng có CCB Nguyễn Thị Hồng Tươi (TP Đồng Xoài), một chứng nhân cho những biến cố, thăng trầm của khu rừng. Ngồi nghỉ dưới tán cổ thụ, bà kể, khu rừng này trước đây do Ban liên lạc Khối tình báo B.58 quản lý và bảo vệ. Mãi đến năm 2008, rừng được giao Công ty B.58 Bình Phước, do vợ chồng bà phối hợp với các CCB tỉnh Bình Phước quản lý.

Nói về những ngày đầu được giao giữ rừng Mã Đà, bà Tươi cho biết: Chúng tôi từng tham gia kháng chiến, hiểu rõ nhất câu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Khu rừng chứng kiến biết bao máu đồng đội chúng tôi đã ngã xuống, hài cốt họ còn nằm ở đây, nếu không bảo vệ được rừng là có tội với họ, có lỗi với lịch sử, với các thế hệ sau. Chúng tôi coi việc giữ rừng như nhiệm vụ đánh giặc.

Chỉ tay về một góc rừng từng bị “lâm tặc” cưa hạ, bà nói thêm: “Tôi dành thời gian tìm hiểu từng đối tượng, sau đó tiếp cận, thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, tư vấn họ tìm một nghề khác phù hợp để làm ăn. Tôi nói với họ rằng, bây giờ rừng này không chỉ là cuộc sống của tôi mà còn là cuộc sống của cả cộng đồng, trong đó có các anh. Nếu các anh phá, tức là phá cuộc sống của tất cả”. Bà Tươi xây dựng mạng lưới tai mắt tại địa phương theo kiểu “cài răng lược”, kịp thời phát hiện những người “manh nha” ý đồ vào rừng kiếm chác. Cứ như thế, tình trạng phá rừng giảm dần, đến giờ thì dứt hẳn.

Theo ông Trần Văn Hòa, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ khối tình báo B.58, hiện nay để khu khu rừng được bảo vệ an toàn, lãnh đạo Công ty B.58 thành lập 5 chốt với 25 bảo vệ, hầu hết là CCB hoặc con em CCB, gác rừng cả ngày lẫn đêm. Hàng năm, những CCB này phải chi hơn 1 tỷ đồng cho việc tuần tra, bảo vệ rừng. “Việc giữ lại rừng xuất phát từ bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên, giữ lại dấu ấn chiến khu D. Tôi mong muốn nơi đây trở thành nơi CCB gặp gỡ ôn lại truyền thống lịch sử và là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử cho thế hệ sau”, ông Hòa chia sẻ.

Còn ông Lê Đức Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bình Phước, chia sẻ, trước kia rừng có sự phối hợp giữa CCB Bình Phước và CCB TPHCM. “Từ những năm đã tham gia ở các chiến trường, gắn bó với rừng nên nguyện vọng của chúng tôi là muốn giữ cánh rừng nguyên sinh này. Chúng tôi tha thiết mong rừng được giữ, sau này trở thành khu sinh thái, xây dựng bia tưởng niệm các đồng đội đã ngã xuống”, ông Hùng bày tỏ.

HOÀNG BẮC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuu-chien-binh-sat-canh-bao-ve-rung-chien-khu-d-568742.html