Cựu chiến binh đồng hành cùng nông dân bảo vệ môi trường

Trước thực trạng nhiều vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bị vùi lấp dưới lòng đất, không phân hủy được do thói quen xả thải bừa bãi của người nông dân làm cho môi trường bị ô nhiễm, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã triển khai mô hình bể chứa rác thải ngoài đồng ruộng. Thông qua mô hình đã nhân lên những việc làm đẹp, chung tay hành động vì một môi trường sống an toàn, thân thiện với môi trường.

Hội viên CCB xã Nga Trường (Nga Sơn) thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật.

Hội CCB huyện Thọ Xuân là đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình bể chứa rác thải ngoài đồng ruộng. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa, rau màu và nguyên liệu mía đường, hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật và bao bì, chai lọ sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường tương đối lớn. Trước thực trạng này, năm 2013, Hội CCB huyện Thọ Xuân đã triển khai mô hình “Hội CCB tham gia bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng”. Từ những xã điểm ban đầu, đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã triển khai mô hình và xây dựng được hàng nghìn bể chứa thu gom rác thải độc hại trên các cánh đồng. Các bể chứa được đặt ở những vị trí thuận lợi để người dân thu gom sau khi sử dụng. Việc làm này được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao bởi thông qua đó ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của hội viên CCB và Nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và lâu dài hơn là bảo vệ sức khỏe con người.

Sau khi bàn bạc, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những huyện đi trước, năm 2016, Hội CCB huyện Nga Sơn đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng ý để hội CCB các xã, thị trấn đứng ra thực hiện mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng. Sau 4 năm triển khai, 24/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng được các bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, trong đó xã nhiều nhất xây dựng được 45 bể chứa, xã ít nhất xây dựng được 20 bể chứa. Toàn bộ kinh phí xây dựng bể chứa do UBND các xã, thị trấn hỗ trợ và hội viên CCB tự nguyện đóng góp. Tại xã Nga Trường, hiện nay đã xây dựng được 20 bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tập trung chủ yếu ở những vùng sản xuất rau màu. Trước đây, phun thuốc trừ sâu xong, phần lớn người nông dân cứ “tiện đâu bỏ đấy”, rác thải vứt tràn lan trên bờ ruộng, nổi lềnh bềnh trên các kênh mương, thậm chí nhiều mảnh thủy tinh có nguy cơ gây sát thương cao. Từ khi hội CCB tham mưu cho UBND xã đầu tư kinh phí xây dựng các bể chứa thì hầu hết người nông dân đã tự giác bỏ rác thải đúng nơi quy định. Các bể thu gom được thiết kế hình tròn, rộng 70 cm và cao 50 cm, làm bằng bê tông, có đế, có nắp đậy, được đặt ở đầu đường, gần mương nước, nơi thuận tiện nhất cho người dân lấy nước phun thuốc. Những bể thu gom này sau khi lắp đặt được bàn giao lại cho các chi hội CCB quản lý. Sau một thời gian, hội viên CCB sẽ thu gom đốt tại chỗ hoặc mang đi chôn lấp tập trung tại khu xử lý rác thải của huyện.

Nhằm nâng cao ý thức cho người dân và từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, Hội CCB xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đã xây dựng được 82 bể chứa rác thải trên các cánh đồng. Ngoài xây dựng bể chứa, hội viên CCB trong xã còn thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi trên đồng ruộng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ tác hại của việc xả rác thải không đúng nơi quy định, tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật còn bám dính trong vỏ chai và bao bì là những chất độc hại, khi xả ra môi trường sẽ ngấm vào đất, nước và hòa tan trong không khí, về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy không hề nhỏ đến môi trường và sức khỏe con người. Qua đó, giúp người dân nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, đi dọc các kênh mương, tuyến đường nội đồng của xã Hoằng Kim không còn tình trạng vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước đây. Từ mô hình của xã Hoằng Kim, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã triển khai thực hiện.

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội CCB các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Nông Cống, Thạch Thành... đã tích cực triển khai mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao ý thức của người nông dân đối với việc bảo vệ môi trường. Để mô hình ngày càng được nhân ra diện rộng, ngoài sự vào cuộc tích cực của cán bộ, hội viên CCB, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để hội CCB triển khai mô hình; đồng thời coi trọng công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa để người dân chung tay thực hiện, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Bài và ảnh: Minh Khôi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/cuu-chien-binh-dong-hanh-cung-nong-dan-bao-ve-moi-truong/122935.htm