Cựu chiến binh Đỗ Trắc Lộc: Người cha đặc biệt của những đứa con đáng thương!

Năm 1996, UBND TP Hà Nội lần đầu tiên gặp mặt những người làm công tác 'trẻ em đường phố'. Một trong những người đó là cựu chiến binh Đỗ Trắc Lộc, ông tập hợp những đứa trẻ ăn xin và khuyết tật thành lập mái ấm tình thương mang tên Đoàn nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long. Hiện nay ông là Trưởng phòng Nghệ thuật của Hội Chất độc diôxin Hà Nội.

Hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày gặp gỡ đó, người cựu chiến binh giờ đây tóc đã bạc trắng đầu, những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt sóng gió thời gian, nhưng hằng ngày ông vẫn âm thầm, miệt mài với công việc của mình, đem ánh sáng, niềm tin yêu cho những con người mang thân phận thiệt thòi, bất hạnh.

Cựu chiến binh Đỗ Trắc Lộc - Trưởng phòng Nghệ thuật Hội Chất độc dioxin Hà Nội.

Cựu chiến binh Đỗ Trắc Lộc - Trưởng phòng Nghệ thuật Hội Chất độc dioxin Hà Nội.

Tôi gặp ông trong ngôi nhà đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ qua khu bãi rác ở phường Phú Xá, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trong căn nhà khoảng 30m² là 20 người cả nam và nữ sinh sống. Họ đều là những người khuyết tật. Người thì khiếm thị, người lại khiếm thính, người bị dị tật bẩm sinh đi lại bằng hai tay lết trên nền đất, người lùn chỉ cao bằng cái cán chổi...

Quả thật, nếu không quen với cái mùi ẩm thấp, ướt nhẹp và đặc quánh của bệnh tật này, người khỏe mạnh sẽ đổ bệnh. Vậy mà, người cựu chiến binh này đã có hơn 20 năm gắn bó, nâng đỡ hàng trăm mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ. Đây chỉ là một trong 4 cơ sở của Đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long.

Ông Lộc quê xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Tây, Hà Nội. 16 tuổi, chứng kiến cái chết thương tâm của người chị gái đang rải ngô ở sân nhà thì trúng bom Mỹ, chị gục xuống, máu tứa ra ướt đẫm áo rồi mất. Sau khi cùng gia đình chôn cất chị, ông cắt máu ăn thề ghi tên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Những năm tháng chiến tranh vào sinh ra tử với bao nhiêu kỷ niệm, tự tay chôn cất những người đồng đội. Những người lính trẻ trong đơn vị hẹn ngày khi đất nước hòa bình sẽ gặp lại nhau ở thủ đô. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, kẻ còn, người mất.

Chiến tranh đã qua đi và nó quả thật rất khắc nghiệt, có những người mãi mãi nằm lại chiến trường thấm đẫm máu và hoa. Một số chiến sĩ về địa phương lập gia đình không may sinh ra những đứa trẻ dị tật do di chứng chất độc điôxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam. Có lẽ, tâm thế người lính không cho phép ông dừng lại, phải làm một điều gì đó.

Về thành phố, Đỗ Trắc Lộc đi học lớp Văn học Nghệ thuật do Hội Nhà văn tổ chức. Ông làm ở phòng quảng cáo, phát hành cho báo Tuổi Xanh. Ông nhớ đó là một ngày mùa hè năm 1994 khi đang đạp xe đạp trên con phố ông bắt gặp 3 đứa trẻ, mặt mũi lấm lem, áo quần rách rưới. Bé gái lớn nhất trạc 12 tuổi, đứa bé gái khoảng 10 tuổi, thằng bé trai chừng 9 tuổi. Đứa lớn nhất thì hát, hai đứa kia cầm bát ăn xin.

Ông đạp xe đi qua mấy đứa trẻ, nhưng rồi tiếng hát của đứa bé gái véo von vang xa níu giữ khiến cho ông đạp xe quay lại. Ông dừng xe tới gần 3 đứa trẻ. Ông đưa tiền cho chúng. Số tiền ấy đủ để mua 10 bát phở. Chúng cảm ơn ông rối rít.

Rồi ông bảo đứa bé gái hát cho ông nghe 3 bài liền. Ông hỏi chuyện mới biết chúng ở Thanh Hóa, Nam Định lên Hà Nội, ngày đi ăn xin, đến tối tập trung về khu trọ ở phố Cầu Đất. Ngày đấy, Hà Nội nhiều ăn xin, đa phần là người già và trẻ nhỏ ở các tỉnh lên thành phố.

Ngôi nhà tình thương với những người khuyết tật.

Mấy ngày sau ông tìm đến khu nhà trọ phố Cầu Đất rồi cất công về quê của cả 3 đứa trẻ, nhận với gia đình họ là sẽ bảo trợ cho chúng. Xong việc, ông đưa mấy đứa trẻ về nhà mình.

Căn nhà ở vùng quê nghèo cũng không khấm khá gì. Nhưng, may thay, vợ ông là một người phụ nữ tần tảo, chất phác. Bà vá víu những bộ quần áo rách của đám trẻ, mua cho chúng dăm ba bộ quần áo mới, nấu những bữa ăn đạm bạc nhưng ấm cúng.

Hằng ngày, cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Đến tối chúng được nằm trên giường đắp chăn và xem ti vi. Lần đầu tiên bọn trẻ cảm nhận được hơi ấm tình thương của người xa lạ và chúng trở nên dạn dĩ như ở nhà.

Ông Lộc kể từ ngày đó ông hay để ý đến những đứa trẻ lang thang đi ăn xin ngoài đường, ông “nhặt” chúng về nuôi. Gọi là “nhặt” nhưng đứa nào ông cũng tìm về tận quê để tìm hiểu gia cảnh. Đứa biết hát thì dạy hát, đứa câm điếc thì dạy múa. Đứa mù thì dạy hát, thổi sáo, đánh đàn. Chúng thích học gì, ông nhờ người dạy nấy. Mấy nghệ sĩ ái ngại nên người ta chỉ dạy từ thiện không nhận tiền công.

Thời gian ngắn sau, ông đưa về nhà đến hơn 30 trẻ đường phố. Những gia đình nghèo khó ở quê cũng tìm đến ông để nhờ gửi con, gửi cháu. Vì tình thương nên ông không nỡ chối từ.

Một số đứa mang bệnh bẩm sinh, vốn dĩ cơ thể sức đề kháng kém nên ốm yếu luôn, tiền thuốc men cũng tốn. Miệng ăn núi lở, ông có đồng lương nào cũng góp cùng với vợ, nhặt nhạnh quả bưởi, quả cà, buồng chuối ở vườn cũng dành cả vào phần chợ búa, cơm nước. Lắm khi trong nhà hết sạch tiền, ông phải cầm cố cả điện thoại, ti vi...

Ông đưa đám trẻ đi hát trên sân khấu ngoài trời thì tiền thu được lúc có, lúc không. Lắm khi mở hòm từ thiện ra cũng chả có lấy một tờ tiền. Những tháng ngày mòn mỏi, nặng nề còn ở phía trước.

Năm 1998 là đỉnh điểm của sự túng thiếu, đó là khi nhà đã hết sạch cả tiền, lợn gà trong chuồng cũng không còn con nào. Tết năm Mậu Dần khi đấy trong nhà chẳng còn gì để ăn. Ông nhìn bọn trẻ nheo nhóc, mà bọn trẻ thì chỉ trông vào ông.

Đâm liều, ông đặt tài sản cuối cùng có giá trị là chiếc xe máy, vừa để lấy tiền cho vợ đi chợ nuôi một đàn con, vừa để thuốc thang cho mấy đứa trẻ khi trái nắng trở trời. Hết số tiền cầm xe, tài sản trong gia đình chẳng còn gì để cầm cố.

Một hôm vợ ông đang ở nhà thì thấy có người chạy về báo: Chị chạy ngay ra hiệu cầm đồ, anh Lộc bị giữ lại ở trên đấy rồi, nghe đâu bảo là do vay tiền nhưng không có tiền trả, họ nhắn người nhà phải mang tiền ra chuộc, mới thả cho chồng chị về. Vợ anh tất tả đến hiệu cầm đồ xem thực hư thế nào. Thấy chồng trong tình cảnh như thế, hai vợ chồng nhìn nhau nước mắt chan hòa. Chị chạy về vay tiền họ hàng và hàng xóm láng giềng để chuộc chồng ra.

Qua cơn bĩ cực cũng đến ngày thái lai. Sau cái ngày gặp nạn ấy chừng 2 tháng, UBND TP Hà Nội cấp cho Đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long giấy phép biểu diễn. Các đồng chí lãnh đạo của thành phố bảo với ông: “Đây quả thật là việc làm nhân đạo, hiếm có ai làm được. Đưa các cháu thiếu nhi ăn xin về để dạy hát, dạy múa, đi biểu diễn là công việc làm đẹp cho thành phố”.

Họ viết giấy gửi các cơ quan đoàn thể, các quận, huyện nội và ngoại thành đề nghị các nơi ủng họ cho công tác nghệ thuật nhân đạo này. Từ đấy, Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long đi khắp nơi, từ hải đảo xa xôi như Quan Lạn (Vân Đồn - Quảng Ninh) đến các bản làng vùng cao Mai Châu, Hà Giang, Yên Bái, hay Cột cờ Lũng Cú, cột mốc cao nhất phía Bắc Việt Nam...

Nhiều người nghe tiếng đoàn, gia đình có con hay cháu bị mù, điếc, dị tật chạy đến nằn nì ông xin gửi gia nhập vào đoàn. Nhận những đứa trẻ như vậy, ông lại mời nghệ sĩ đến dạy hát, dạy múa để chúng có nghề sau này còn có thể tự sống... Những tháng ngày tươi đẹp dần hiện ra.

Thời gian như chuyến tàu với những chặng hành trình dài. Chuyến tàu đó đã có lúc gặp phong ba bão táp, hay qua những sa mạc hoang vu đói lạnh nhưng cuối cùng cũng cập bến an toàn. Hơn 20 năm kể từ ngày gặp 3 đứa trẻ lang thang ăn xin trên con phố của thủ đô đến nay, đứa trẻ hát ngày đấy nay đã ở tuổi 40 và là cô chủ của tiệm bánh ngọt. Trong ngôi nhà mái ấm tình thương ấy bao nhiêu đôi đã nên duyên vợ chồng.

Những đứa trẻ này lớn lên, rời khỏi ngôi nhà tình thương ấy lại có những đứa trẻ khác đến. Trong ngôi nhà đó, ai cũng được ông làm cho một cuốn sổ tiết kiệm. Người biểu diễn nhiều gọi là solist chính được 200.000 – 300.000 đồng/ tối. Người làm ít nhất cũng được 50.000 đồng/ tối. Số tiền này ông cho vào sổ tiết kiệm gọi là lương hàng tháng cho mỗi người.

Thi thoảng đám trò cũ kéo về thăm ông. Đến ngày sinh nhật, chúng mua bánh gatô, đón ông đi chơi, chụp ảnh lưu niệm và hát hò tưng bừng. Ở giữa đàn con, cháu đông đúc, có lẽ, ông là người cha hạnh phúc nhất thế gian.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/cuu-chien-binh-do-trac-loc-nguoi-cha-dac-biet-cua-nhung-dua-con-dang-thuong-584058/