Cựu cầu thủ bóng bầu dục trên con đường trở thành Obama của Canada

Cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp Canada là Balarama Holness, 36 tuổi, đang dần trở thành tiếng nói đại diện chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Canada.

Balarama Holness là kết tinh của tình yêu giữa người mẹ gốc Quebec và người cha gốc Jamaica, hai tâm hồn gặp nhau trong một đêm hòa nhạc huyền diệu của Bob Marley vào những năm 1970 của thế kỷ trước.

Quá trình trưởng thành trong một gia đình với bản sắc văn hóa đa dạng đã gieo vào tâm hồn Holness những lý tưởng và khát khao của một người không chấp nhận những sự áp đặt vô lý.

Ở tuổi 36, Balarama Holness, nhà giáo dục, phát thanh viên, sinh viên luật và cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp từng giành chức vô địch Canada, khát khao trở thành một “Obama của Canada” – luật sư đa sắc tộc. Với mong muốn đó, Holness quyết định trở thành nhà hoạt động xã hội.

 Balarama Holness hiện vừa là sinh viên ngành luật, vừa là phát thanh viên đồng thời là nhà hoạt động xã hội. Ảnh: CBC.

Balarama Holness hiện vừa là sinh viên ngành luật, vừa là phát thanh viên đồng thời là nhà hoạt động xã hội. Ảnh: CBC.

Một hình mẫu khác mà Holness hướng đến là cựu tiền vệ bóng bầu dục đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Colin Kaepernick, người đã quỳ gối khi hát quốc ca nước Mỹ trước khi trận đấu bắt đầu.

Balarama Holness thu hút được sự chú ý của truyền thông Canada sau khi vận động phong trào đấu tranh buộc Tòa thị chính Montreal phải tổ chức các phiên điều trần về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Đây là thành tựu đáng chú ý bởi nó diễn ra ở Quebec, nơi dân số đa phần có gốc Pháp và luôn phủ nhận sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở tỉnh này.

Trong vòng 12 tháng, 7.000 người đã ký vào đơn đệ trình yêu cầu tiến hành điều tra về việc Tòa thị chính đang nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng cảnh sát dựa vào đặc điểm sắc tộc để phân loại đối tượng hình sự.

Chưa dừng lại ở đó, phong trào do Holness khởi xướng cũng đặt vấn đề về sự mất cân bằng sắc tộc trong hệ thống chính quyền Montreal, khi người da trắng chiếm tới 94% trong tổng số 103 quan chức làm việc tại Tòa thị chính.

Ông Holness cũng những người ủng hộ trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Quebec, Canada. Ảnh: Balarama Holness.

Phong trào lãnh đạo bởi Holness gây nên những ảnh hưởng nhất định lên cơ cấu chính quyền Quebec có phần thiên lệch cho người da trắng, từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt ở Canada.

Balarama Holness được nhiều chính khách có ảnh hưởng tại Canada đánh giá cao. Đơn cử như ông David Lametti, Bộ trưởng Tư pháp Canada, sau khi tham gia chương trình phát thanh tổ chức bởi Holness đã nhận xét rằng “Holness là người thông minh nhưng không kiêu ngạo. Tôi cho rằng cậu ấy có tố chất của một nhà lãnh đạo quốc gia. Chúng ta cần tiếng nói của Holness”.

Trong một lần tham gia thu thập chữ ký trên phố Montreal, Holness đã gặp cô sinh viên ngành quan hệ quốc tế Darnella Torelli. Người con gái 11 tháng tuổi của họ có tên đệm là Angélique, đặt theo tên người phụ nữ nô lệ đã đấu tranh cho tự do – Marie Joseph Angélique – người đã bị xử giảo ở tuổi 29 vì bị buộc tội thiêu rụi một khu phố ở Montreal vào năm 1734.

Holness cùng cô con gái chưa tròn 1 tuổi tại Đài tưởng niệm Thủ tướng Canada đầu tiên, John A. Macdonald. Ảnh: New York Times.

Khi mới bắt đầu tham gia vào quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông Holness đã gặp vô số khó khăn. Theo lời ông kể lại, nhiều người Quebec đã phỉ báng và cáo buộc ông “đóng vai nạn nhân”, trong khi những nhà hoạt động xã hội kì cựu khác chỉ xem ông là một tên nhóc hiếu thắng và ngạo mạn.’

Tuy nhiên, làn sóng đấu tranh đòi công bằng cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi bùng phát dữ dội sau cái chết của George Floyd gây ra bởi cảnh sát da trắng ở Minneapolis đã góp phần đưa tiếng nói của ông đến gần hơn với công chúng, đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng về một sự cải tổ có hệ thống trong các chính sách vốn gây bất lợi cho người gốc Phi.

“Điều duy nhất mà lạm dụng quyền lực đem lại là khổ đau cho người da màu, và chừng đó là quá đủ rồi”, ông Holness nói.

Tuổi thơ nhiều gian truân

Tinh thần bình đẳng của Holness được nuôi dưỡng từ khá sớm. Sau khi cha mẹ ly thân, mẹ của ông đưa Holness cùng người anh em sinh đôi của ông đến sống tại một đạo tràng Hindu ở tây Virginia.

Hàng ngày, Holness dùng bữa chung với mọi người, thiền, và nhìn chung không có nhiều ý niệm về sắc tộc của bản thân. Ông cũng cho biết rằng tính kiên cường và tự lập của mình cũng được mài dũa trong khoảng thời gian này.

Nhưng cuộc sống bình dị đó nhanh chóng bị đảo lộn vào năm Holness 10 tuổi, khi mẹ ông chuyển hai anh em ông tới sống ở một vùng ngoại ô Montreal, nơi có rất nhiều dân da trắng cư trú.

Mẹ của Holness mở một phòng tập nhảy nhưng gia đình ông vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cũng trong thời gian này, Holness đoàn tụ với cha của mình, người quyết định từ bỏ ham muốn vật chất để theo đuổi lối sống thanh tịnh ở một ngôi chùa Hindu giáo.

Mẹ của Holness cùng hai người con song sinh của mình. Ảnh: Balarama Holness.

Ông Holness nhớ lại bản thân đã rất cố gắng để hòa nhập với môi trường mới ở Trường phổ thông Francophone. Tuy nhiên, màu da của ông thường là chủ đề bị các bạn đồng trang lứa lôi ra chọc ghẹo.

“Một cậu nhóc từng hỏi tôi ‘Sao mặt mày lại có bùn thế?’ Có lần cậu ta còn gọi tôi bằng ‘N-word’ nữa”, Holness kể lại. (“N-word” là từ thông tục dùng để chỉ cộng đồng người da đen, mang tính đả kích rất nặng nề). “Đó là khi tôi nhận ra bản thân mình khác biệt như thế nào – một cậu nhóc da màu ăn chay với mái tóc xoăn và một cái tên kỳ cục”.

“Một giáo viên đặt tên cho tôi là ‘Steven’ với hy vọng tôi có thể hòa nhập được với các bạn. Nhưng tôi quá trắng để nhập hội với các bạn da đen, và quá đen để chơi chung với hội da trắng”.

Cảm giác cô đơn lạc lõng mở ra một chương u ám trong cuộc đời chàng trai trẻ, lấp đầy bởi những trận ẩu đả, hút cần và uống rượu vô độ. Vé phạt anh nhận từ cảnh sát nhiều không đếm xuể, thậm chí có lần Holness còn đâm vào đuôi một xe cảnh sát.

Trải qua quãng thời gian niên thiếu đầy sóng gió, Holness bắt đầu sự nghiệp chơi bóng bầu dục chuyên nghiệp với hành trang là một lần gãy tay sau cú va chạm với đội trưởng trong một buổi tập luyện khi còn chơi tại Đại học Ottawa. Với chiều cao 1m80 và cân nặng 82 kg, Holness chọn chơi ở vị trí hậu vệ phòng ngự.

Montreal Alouettes ăn mừng chức vô địch Canada năm 2010. Ảnh: AP.

Với tốc độ kinh hoàng lên đến 30 km/h, Holness được nhiều câu lạc bộ lớn săn đón. Sau khi rời Winniped Blue Bombers, ông quyết định đầu quân cho đội bóng quê hương Montreal Alouettes. Cũng nhờ những kỷ luật rèn luyện được từ việc chơi bóng, Holness đã từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe như hút cần hay uống bia rượu.

Sau chức vô địch Canada vào năm 2010, một loạt những chấn thương ập đến buộc Holness phải giã từ sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao. Không còn được theo đuổi đam mê, cộng với việc quá đau buồn sau cái chết của người mẹ vào năm 2013, Holness quyết định đi đây đó cho khuây khỏa, và ông chọn sống ở Trung Quốc trong hai năm.

Sau một thời gian làm giáo viên, Holness nộp đơn theo học luật tại Đại học McGill – trường đại học danh giá bậc nhất Canada. Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, ông đã ứng cử làm Thị trưởng thành phố Montreal North, tuy nhiên đã không giành chiến thắng.

Holness hiện đang theo học ngành luật tại Đại học McGill, Canada. Ảnh: Balarama Holness.

Sau khi thua cuộc, Holness cáo buộc Đảng lệch tả đã sử dụng hình ảnh của những ứng cử viên da màu cho mục đích truyền thông nhưng không hỗ trợ họ một cách công bằng trong quá trình tranh cử.

Vì động thái nói trên, nhiều người gọi Holness là “kẻ thua cuộc cay cú”.

Không chịu khuất phục, chàng sinh viên luật 36 tuổi hiện xem xét sẽ tham gia tranh cử Thị trưởng Montreal và sau đó sẽ nhắm đến một ghế trong Nghị viện Canada.

Đại Hoàng

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-cau-thu-bong-bau-duc-tren-con-duong-tro-thanh-obama-cua-canada-post1106939.html