Cứu cánh từ lá bồ đề

Cứ chiều chiều, Nguyễn Thị Diệu Huỳnh lại lang thang khắp các khu chùa chiền, cầm theo túi ni lông, lúi húi nhặt lá bồ đề rụng. Những chiếc lá tưởng chừng chỉ để vứt đi ấy, qua bàn tay khéo léo của cô, bỗng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Các công đoạn làm tranh đều rất tỉ mỉ để giữ gìn từng gân lá

Các công đoạn làm tranh đều rất tỉ mỉ để giữ gìn từng gân lá

Cái khó ló cái khôn

Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã đẩy những hướng dẫn viên du lịch như Diệu Huỳnh (Phú Nhuận- TPHCM) vào cảnh thất nghiệp. Thời gian đầu, cô tự an ủi “chắc chỉ vài tuần, một tháng là ổn”. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nghỉ việc triền miên, khiến cuộc sống của bà mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ đứng trước cảnh lao đao.

Ban đầu, bạn bè rủ cô tham gia nhóm bán hàng online, ai có nguồn gì thì bán, không có nguồn thì nấu đồ ăn bán qua mạng. “Nghĩ cũng ham lắm, nhưng tôi lại bị liệt cơ mắt nên không chạy xe được, mà không lẽ nấu xong rồi đặt xe ôm đi giao thì hết lãi.

Lúc đó, bối rối và hoang mang lắm. Tôi đi chùa nhiều hơn để tìm sự thanh thản, trấn an mình. Một lần ngồi ở ghế đá trong chùa, lá bồ đề rụng rơi xuống tay, thấy lá hình trái tim cũng đẹp nên tôi nhặt thêm ít lá mang về làm kỷ niệm. Sau tôi mới biết đó là lá bồ đề. Lên mạng tìm hiểu thì thấy gân lá được sử dụng làm tác phẩm trang trí rất đẹp. Sẵn đang rảnh nên tôi mày mò làm thử”, Diệu Huỳnh kể lại cơ duyên đến với những chiếc lá bồ đề.

Từ nhỏ, dù không được học về hội họa nhưng Diệu Huỳnh đã có chút năng khiếu về vẽ và mơ ước trở thành một nhà thiết kế thời trang. Cứ tưởng cuộc sống đẩy cô xa dần giấc mơ thời con nít, nhưng rồi lại đưa cô đến với ngày cầm cọ theo một cách đặc biệt. Những tác phẩm đầu tiên, cô dành tặng bạn bè. Bạn khen đẹp và bảo, sao không làm bán kiếm tiền. Thế là thử làm bán. Bán được vài bức thấy mọi người cũng khen nên Huỳnh càng thêm “máu” lao vào, vừa làm, vừa thử nghiệm, vừa sáng tạo.

Lá nhặt về, Huỳnh luộc trong 4 tiếng đồng hồ để thịt lá chín rã ra, sau đó lấy bàn chải đánh răng chà hết phần thịt lá và chỉ giữ lại phần gân đối với những tranh gân lá. Còn với tranh điêu khắc trên lá thì trước khi chà lá, Huỳnh vẽ trước lên và khi chà thì chừa phần hình đó ra, chỉ chà theo phần hình đã vẽ. Sau khi chà lá xong mang đi ngâm để cho lá trắng ra, rồi phơi và dùng bàn ủi cho lá thẳng, khô hoàn toàn, không bị ẩm và mốc.

Có những tác phẩm, cô mất 2 tháng mới hoàn thành. Tuy nhiên, vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi một chiếc lá hay tác phẩm của Diệu Huỳnh đều mang sắc thái riêng biệt, không cái nào giống cái nào. Sau hơn 3 tháng, Diệu Huỳnh đã bán được hơn 40 bức tranh, chủ yếu là tranh loại nhỏ, giá 400.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi bức, tùy kích thước. Mỗi tác phẩm được cô đăng tải trên trang facebook Bồ Đề Tâm đều nhận được khen ngợi và liên tiếp đơn đặt hàng.

Tay trái nuôi tay phải

“Để tránh trùng lặp và có sự mới lạ cho sản phẩm, tôi có tìm hiểu và được biết hiện tại xếp lá và vẽ tranh nghệ thuật trên gân lá đã có người làm. Nhưng để điêu khắc mà lưu hình lại trên lá như cách tôi đang làm thì ở Việt Nam chưa thấy ai,”, Huỳnh bộc bạch.

Không chỉ dừng lại ở màu trắng nguyên bản của gân lá, Diệu Huỳnh còn dùng bột nghệ để nhuộm vàng lá. Vừa độc đáo lại an toàn cho sức khỏe hơn việc dùng những phẩm màu.

“Thực ra, các loại lá có gân đều có thể làm tranh được nhưng hiện nay lá bồ đề là ưu điểm nhiều nhất. Lúc trước, tôi nghĩ lá bồ đề ở Sài Gòn này hiếm nhưng khi ra thực tế để nhặt về thì có rất nhiều. Mỗi lần đi nhặt một bao lá cũng đủ làm được 2-3 bức tranh. Nên việc đi tìm nguồn lá không khó”, bà mẹ 2 con chia sẻ thêm.

Diệu Huỳnh bảo, cô chọn lá bồ đề để tạo tranh còn bởi lá này gắn liền với Đức Phật, với tôn giáo. Ngoài ra, lá có hình trái tim mang ý nghĩa về tình cảm, nên Huỳnh muốn đưa đến cho khách hàng những sản phẩm được làm bằng chính tấm lòng và tình cảm của mình chứ không đơn thuần chỉ là mua bán.

Để tạo ra các tác phẩm hoàn thiện như bây giờ, Diệu Huỳnh cũng đã phải bỏ đi làm lại rất nhiều lần. Từ canh nhiệt độ, liều lượng pha dung dịch, thời gian ủi lá… nếu không chuẩn đều khiến lá bị rách, khô giòn, dễ gãy.

“Khó nhất là giữ cho thịt lá khỏi bị rách, vì nếu thịt lá mềm quá khi chà sẽ bị rách và trôi; còn nếu luộc chưa thật sự mềm thì chà mạnh cũng làm hư lá và gãy luôn gân, vì gân lá rất mỏng manh. Chính vì thế, phải canh nhiệt độ để luộc sao cho lá không chín quá. Ở trên mạng thấy các nước người ta làm nhưng họ cũng đâu có chỉ cách thức hay quy trình để làm tranh gân lá như thế nào, nên mình phải tự mò hết”, cô thổ lộ.

Nghề tay trái nay đã trở thành nghề tay phải, đủ thu nhập giúp Diệu Huỳnh nuôi sống gia đình. Ước mơ của cô là sẽ có đủ tiền để mở một cửa hàng nhỏ xinh. “Tôi không kỳ vọng sẽ làm được những điều lớn lao mà chỉ mong có một không gian nho nhỏ để bày các tác phẩm. Tôi thấy mình thật may mắn khi tìm được công việc thú vị trong lúc cuộc sống tưởng chừng tuyệt vọng nhất. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người, đừng quá hoang mang hay buồn rầu khi thất nghiệp, chỉ cần bình tĩnh suy nghĩ tích cực, rồi chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”, Diệu Huỳnh chia sẻ.

Một trong số những tác phẩm từ lá bồ đề của Diệu Huỳnh

Diệu Huỳnh bên một tác phẩm từ lá bồ đề vừa mới hoàn thành

Cô chọn lá bồ đề để tạo tranh còn bởi lá này gắn liền với Đức Phật, với tôn giáo. Ngoài ra, lá có hình trái tim mang ý nghĩa về tình cảm, nên Huỳnh muốn đưa đến cho khách hàng những sản phẩm được làm bằng chính tấm lòng và tình cảm của mình chứ không đơn thuần chỉ là mua bán.

Sợ ngắt lá xanh sẽ làm cây “tổn thương”, nên Diệu Huỳnh chỉ nhặt lá rụng. Các khu chùa chiền ở quận Phú Nhuận đã quen mặt với cô gái trẻ, cứ chiều chiều lại mang túi ni lông đến, ngồi vuốt ve, mân mê đám lá rụng và trở về với lỉnh kỉnh “rác”. Lâu dần, dù không biết cô nhặt “rác” để làm gì nhưng nhiều người, thay vì vứt đi, đã hốt lá khô vào túi bóng, để dành cho cô gái kỳ lạ.

Thanh Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/cuu-canh-tu-la-bo-de-1733972.tpo