Cựu cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La: 'Không nâng điểm thi sẽ không tồn tại được'

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cấp trên bố trí không làm sẽ không tồn tại được.

Chiều 26/5, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận và gọi 12 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La năm 2018 lên nói lời sau cùng trước tòa.

Tại bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở GD&ĐT Sơn La) nhận thấy hành vi của bản thân sai trái, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến kỳ thi. Trong quá trình khai báo, bị cáo thành khẩn, tự thú. Quá trình công tác, bị cáo đạt nhiều thành tích.

"Bị cáo là người trực tiếp tham gia tổ chấm thi và được cấp trên bố trí, sắp xếp và thực hiện hành vi sửa nâng điểm. Nếu bị cáo không làm sẽ không tồn tại được", bị cáo Nga trình bày và mong muốn HĐXX xem xét được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc người thân.

Sau đó, bị cáo Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT) tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La.

Quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo cũng có nhiều thành tích trong thời gian công tác. Huynh mong HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKSND tỉnh Sơn La.

Là người tiếp theo được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Sơn La) thừa nhận trong kỳ thi, vì tình cảm nể nang đồng nghiệp và mối quan hệ khác, bị cáo nhận lời nhờ qua người khác để xem điểm cho 5 thí sinh.

Khi vụ án xảy ra, bị cáo nhận thức đó là việc làm sai phạm khi nhờ xem điểm trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm. Sai phạm đó có thể còn vi phạm danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước. "Hành vi đó còn làm mất uy tín của ngành, của Công an tỉnh Sơn La nhưng trong quá trình công tác, bị cáo đã có nhiều thành tích" - Cựu Trưởng phòng An ninh nói.

Nói về hoàn cảnh của mình, Khoa cho biết hiện nay vợ đang bị ung thư di căn giai đoạn cuối sức khỏe rất yếu, đang sống một mình. Bố đẻ bị cáo cũng mắc bệnh ung thư đang sống một mình, còn mẹ của bị cáo chứng kiến những gì xảy ra đối với bị cáo quá đau lòng và vừa mới mất.

Chính vì vậy, Nguyễn Minh Khoa cho rằng bố và vợ của bị cáo rất cần sự chăm sóc của bị cáo. Mong HĐXX xem xét để cho bị cáo cơ hội làm tròn chữ hiếu của người con, chữ nghĩa với người vợ.

"Bi cáo vẫn khẳng định không thực hiện hành vi đưa hối lộ. Mong HĐXX xem xét lại, đề nghị tuyên bị cáo vô tội trả tự do cho bị cáo tại tòa", bị cáo Khoa nói.

Bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) bước lên bục khai báo thừa nhận bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng và làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, đồng thời làm mất cơ hội của nhiều thí sinh.

“Bị cáo sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài. Bị cáo đã tự làm mất uy tín của bản thân”, bị cáo này nói.

Đồng thời, bị cáo Yến mong HĐXX không vì sức ép của dư luận hay sức ép nào khác, đánh giá chứng cứ khách quan để đưa ra bản án khách quan, tạo điều kiện cho các bị cáo cơ hội sớm trở về.

Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT cũng khẳng định bản thân không chỉ đạo hay tác động đến bất kỳ ai để làm trái quy định. Từ đó, ông Yến đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng nói lời sau cùng: "Cả đời cống hiến cho sự nghiệp vì an ninh tổ quốc nhưng hôm nay phải đứng hầu tòa. Bi cáo ăn năn, khai báo thành khẩn và hợp tác cơ quan an ninh điều tra, mong HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKSND".

Ngoài ra, các bị cáo khác mong HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKSND. Riêng Nguyễn Thị Thành Nhàn, Đinh Hải Sơn và Hoàng Thị Thành xin hưởng án treo.

Đến 18h30 ngày 26/5, HĐXX tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào 8h sáng 29/5.

Đại diện VKSND tỉnh Sơn La đề nghị mức án đối với 12 bị cáo:

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga bị đề nghị mức án từ 16-17 năm tù tội “Nhận hối lộ”, 7-8 năm “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt đề nghị đối với nữ bị cáo là 23-25 năm tù.

Bị cáo Lò Văn Huynh bị đề nghị 17-18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6-7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đề nghị 23-25 năm tù.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn bị đề nghị 4-5 năm tù tội "Nhận hối lộ", 5-6 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt đề nghị 9-11 năm tù.

Đối với 4 bị cáo bị truy tố về tội "Đưa hối lộ", VKS đề nghị, Nguyễn Minh Khoa và Trần Văn Điện cùng 12-13 năm; bị cáo Hoàng Thị Thành và Lò Thị Trường cùng 2-3 năm tù.

VKS đề nghị HDXX tuyên bị cáo Trần Xuân Yến 7-8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Hữu Thủy bị đề nghị 6-7 năm tù; bị cáo Đỗ Khắc Hưng 5-6 năm; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Đinh Hải Sơn 2-3 năm tù.

Video: Điểm danh nhiều lãnh đạo ở Sơn La có con được nâng điểm

Tùng Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-vu-an/cuu-can-bo-so-gddt-son-la-khong-nang-diem-thi-se-khong-ton-tai-duoc-ar548260.html