Cựu binh người Mông cải tạo 10ha đồi trọc để nuôi gia đình và nuôi... pơ mu

Đi bộ đội trở về, Vừ Vả Chống nhận 10ha rừng khi ấy đã khô cằn, nham nhở những vạt rẫy đã khai thác hết màu. Rồi ông lặn lội đi tìm cây pơ mu về trồng trong sự khó hiểu của chính người dân trong bản.

Rừng cây pơ mu của ông Vừ Vả Chống (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)

Rừng cây pơ mu của ông Vừ Vả Chống (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)

Từ đồi trọc, ông phủ xanh bằng cây chè, chăn nuôi gà, lợn... làm kế sinh nhai, nuôi con đi học, và nuôi chính cây gỗ quý pơ mu của núi rừng Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã bị tàn phá trước đó.

Tìm lại cây pơ mu đưa về rẻo cao Huồi Tụ

Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là nơi sinh sống của bà con người dân tộc Mông. Tập tục phát nương làm rẫy, di canh di cư khiến tộc người này luôn chọn những đỉnh núi cao nhất làm nơi sinh sống. Ở độ cao hơn 1.200m, khi những vạt rẫy qua vài mùa đốt đã bạc màu, cuộc sống của bà con Huồi Tụ ngày càng khó khăn, vất vả. Những năm 80 của thế kỷ trước, không ít người dân nơi đây còn trồng thuốc phiện như một thói quen và cách kiếm sống.

Xuất ngũ trở về, ông Vừ Vả Chống tìm cây giống, trồng lại rừng pơ mu trên 10ha đất rừng.

Trong khi đó, những cánh rừng già, thủ phủ của loài gỗ quý Pơ mu lại bị tàn phá, biến mất. Công cuộc vận động, tuyên truyền người dân nhận đất, trồng rừng, xóa bỏ cây thuốc phiện được chính quyền địa phương kiên trì thực hiện. Mục đích, từng bước một thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất và cải thiện đời sống bà con người Mông, không còn lệ thuộc vào cây thuốc phiện.

Năm 2000, ông Vừ Vả Chống (SN 1960) đi bộ đội trở về, quyết định nhận 10ha đất rừng, cách nhà vài km. Nhưng cũng như nhiều người dân Huồi Tụ thời điểm đó, ông không biết làm gì với đồi trọc, đất cằn, để đủ cho gia đình 7 miệng ăn. Sau đó 2 năm, ông quyết định tìm lại cây pơ mu về trồng. Chống nhớ lại thủa nhỏ, Huồi Tụ từng là thủ phủ của loài gỗ quý được đưa vào sách đỏ này, nhưng giờ không còn một bóng cây con. “Phải trồng lại rừng, để cho con cháu còn biết cây pơ mu của người Mông”, Vừ Vả Chống nói và làm thật.

Người dân trong bản ai cũng nói ông... điên rồi! Bởi nếu trồng được, cũng phải mất hàng chục năm cây pơ mu mới cho gỗ thu hoạch. Rồi lấy gì mà sống, mà nuôi con và nuôi rừng. Nhưng không ai lay chuyển được quyết tâm của Vừ Vả Chống.

Sau nhiều nỗ lực, rừng pơ mu của gia đình ông trên rẻo cao Huồi Tụ đã bén rễ, phát triển tốt.

Người đàn ông dân tộc Mông này lặn lội tìm vào các xã biên giới Na Ngoi, Mường Ải (cùng huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) để tìm giống pơ mu nhưng không có. Đến khi vào xã Tây Sơn, cách Huồi Tụ khoảng 70 thì ông mừng rỡ thấy dưới những thân cây lớn có mọc lên cây non. Tây Sơn có phần lớn diện tích rừng phòng hộ, cũng là nơi sinh sống của người Mông và nơi đây còn giữ được những cánh rừng pơ mu ở các 3 bản Huồi Giảng 1, 2, 3.

Vừ Vả Chống bán 3 con bò – tài sản lớn của cả gia đình để thuê người đi đào và mua hơn 3.000 cây con về trồng, phủ khắp 10ha đất rừng của gia đình. Nhưng sau một năm, thì chỉ còn hơn nửa cây giống còn sống. Nói về khí hậu, thời tiết ở Huồi Tụ phù hợp với cây pơ mu, nhưng tại sao cây giống lại chết nhiều như vậy? Ông hỏi kinh nghiệm ở những vùng còn rừng pơ mu, rồi đến các lâm trường hỏi kỹ thuật trồng rừng của cán bộ kỹ sư nông nghiệp. Không còn tiền thuê người, ông tự đi đào, rồi ươm cây giống mới. Sau bao nhiêu ngày tháng miệt mài, với con dao, gùi sau lưng, dựng lán ở trên rừng, cuối cùng, những cây pơ mu con cắm xuống đất đã bén rễ và bắt đầu phát triển. Đến nay, sau 16 năm, Vừ Vả Chống đã có gần 7.000 gốc pơ mu. Những gốc cây đầu tiên đã có đường kính lên đến 30 – 40 cm, tỏa mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu. Ước tính tài sản cây gỗ pơ mu của gia đình người Mông trên đỉnh Huồi Tụ này đã lên đến hàng tỷ đồng.

Sức người phủ xanh đồi trọc, nuôi gia đình và nuôi... pơ mu

Kể từ khi Vừ Vả Chống đem cây pơ mu con đầu tiên về trồng trên vạt đồi trọc của gia đình mình đến nay, là một hành trình không dễ dàng. Như đã nói, cây pơ mu phải mất hàng chục năm mới có thể thu hoạch. Trong khi đó, gia đình ông cũng phải kiếm kế sinh nhai, và nuôi 5 đứa con tuổi ăn tuổi học.

Đến nay, nhiều cây pơ mu đã có đường kính lớn từ 30 - 40cm.

Năm 2005, Tổng đội TNXP của Tỉnh đoàn Nghệ An “cử quân” lên Huồi Tụ, bắt đầu công cuộc vận động người Mông xuống núi xóa cây thuốc phiện. Thanh niên không chỉ vận động bằng lời nói, mà bằng sức người, sức của cùng ăn cùng ở với đồng bào. Bắt đầu từ việc trồng rau, trồng bí, trồng lúa để bà con có cái ăn, no cái bụng khi phá bỏ loại cây “truyền thống”. Khi giải quyết được nhu cầu về lương thực, làm cho bà con tin rằng vẫn có loài cây khác có thể sống được trên mảnh đất Huồi Tụ thì Tổng đội mới đưa cây chè về làm kinh tế. Đó cũng là giống chè Tuyết San đầu tiên có mặt trên mảnh đất xứ Nghệ.

Huồi Tụ cũng hai mùa: mùa khô và mùa mưa, nhưng có thêm đặc điểm quanh năm sương mù bao phủ nên rất hợp loại chè Tuyết San khó tính. Ông Vừ Vả Chống mạnh dạn nhận chè về trồng bên dưới những cây pơ mu, vừa tận dụng diện tích, vừa để giữ đất rừng không bị xói mòn, tạo điều kiện cho cây pơ mu phát triển. Sau vài năm, cây chè ra búp, được Tổng đội TNXP thu mua, bao tiêu sản phẩm. Từ cây chè, gia đình ông Chống thu được từ 20 – 30 triệu đồng/năm. “Bây giờ ở đây nhiều người trồng lắm, nhà nào cũng có vài ha chè. Có tiền từ thu hoạch, nên cũng không ai trồng thuốc phiện nữa”, ông Vừ Vả Chống nói.

Ngoài trồng rừng, gia đình ông Vừ Vả Chống còn chăn nuôi lợn, gà đen...

Ngoài trồng chè, ông còn nuôi bò, dê, thả gà đen trên rừng để bán lấy tiền nuôi gia đình, và nuôi cả rừng pơ mu. Đặc biệt, ông rất chú trọng đến việc học của các con, dù khó khăn đến mấy cũng phải nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Hiện trong số 4 người con của ông có 1 người đã xong đại học ra làm giáo viên. Con thứ đang học đại học, và 2 cháu đang học phổ thông. Nơi rẻo cao này, người có tư tưởng tiến bộ và hiếu học như gia đình ông Vừ Vả Chống là rất hiếm.

Rừng pơ mu đã có thể thu hoạch. Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên thường được bà con người Mông dùng để dựng nhà, lợp mái. Bên cạnh đó, đây cũng là loại gỗ quý có giá trị hàng hóa cao. Vừ Vả Chống khoe đã có người tìm đến, trả 3 – 4 triệu đồng/cây, nhưng ông lại không bán! Khối tài sản tiền tỉ, ông quyết định giữ lại trên rừng để cho con cháu đời sau.

“Mấy năm trong quân ngũ, tôi đã học được rất nhiều, về cách sản xuất, thâm canh để phát triển kinh tế gia đình, không phá hoại rừng. Đặc biệt là phải bảo vệ rừng để giữ hệ sinh thái cho đời sau. Vì vậy, nguyện vọng của tôi là khôi phục lại rừng đã bị tàn phá, trả lại rừng xanh như trước kia. Còn lại, tôi trồng chè, lúa rẫy, và chăn nuôi để nuôi sống gia đình”, Vừ Vả Chống tâm sự. Nhiều năm qua, ông Chống cũng một tuyên truyền viên tích cực giúp chính quyền trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Nói về gia đình người Mông này, ông Dềnh Bá Lồng – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết: Mô hình trồng rừng, làm trang trại chăn nuôi, trồng chè của ông Vừ Vả Chống đã cho hiệu quả thực tế cao, và là điển hình của cả huyện. Từ cách làm này, nhiều người dân trong xã đã học tập, làm theo. Đáng mừng nhất là đến nay, Huồi Tụ đã có 50ha rừng pơ mu đang phát triển. Gia đình ông Chống còn là tấm gương sáng về nuôi con cái ăn học, tuân thủ pháp luật, là và người uy tín của Huồi Tụ. Vừa qua, Vừ Vả Chống là một trong những điển hình của Kì Sơn vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua cựu chiến binh gương mẫu toàn tỉnh Nghệ An năm 2020”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/cuu-binh-nguoi-mong-cai-tao-10ha-doi-troc-de-nuoi-gia-dinh-va-nuoi-po-mu-j3Lw7lOMg.html