Cựu binh mũ sắt U70 tìm đồng đội trên đỉnh Chư Tan Kra

Cách đây tròn 50 năm, tại đỉnh Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hơn 200 người lính là những chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nửa thế kỷ đã qua nhưng trong ký ức của rất nhiều cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 'lính mũ sắt' thì những ký ức về đồng đội với những ngày đầu nhập ngũ sẽ còn lưu mãi.

Đi tìm liệt sĩ ở Sa Thầy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những chàng trai Hà Nội của Trung đoàn “lính mũ sắt”

Năm 1965, khi bộ binh Mỹ đổ bộ vào Mưmiền Nam, không quân quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc. Lúc bấy giờ, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội xung phong ra trận. Họ được tuyển vào trung đoàn 209, sư đoàn 312, trong đó có 500 thanh niên Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 7, nhập ngũ ngày 27-3-1967.

Những người lính Trung đoàn bộ binh 209 được trang bị nhiều loại vũ khí tốt nhất thời đó như B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K63, trung liên RBD, AK47. Bên cạnh đó còn có mặt nạ phòng hóa, tăng võng trang phục Tô Châu và đặc biệt là mũ sắt Liên Xô nên Trung đoàn bộ binh 209 còn được gọi là Trung đoàn “lính mũ sắt”. Họ được huấn luyện kỹ suốt một năm để đánh công sự kiên cố, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.

Đầu năm 1968, Trung đoàn “lính mũ sắt” hành quân cơ giới vào chiến trường. Việc chuyển quân bị Mỹ phát hiện trên dọc đường hành quân. Máy bay Mỹ ném bom ác liệt, một ôtô của ta bị lật, hơn 10 đồng chí hy sinh. Ngày 21-3-1968, đoàn tập kết quân ở khu vực Chư Tan An, Chư Tan Kra. Đây được gọi là cao điểm 955, cách sân bay dã chiến Kleng 10km. Tại cao điểm này đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt để giành giật cao điểm.

Những người cựu binh với sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy đi tìm đồng đội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trận đánh vào ngày 26-3-1968 trên đỉnh Chư Tan Kra là trận đánh đầu tiên của lính mũ sắt Hà Nội. Đây là trận đánh thể hiện rõ tinh thần quật cường “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của những người lính Trung đoàn “lính mũ sắt”. Các chiến sĩ của Trung đoàn đã đánh một trận tập kích, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ của địch... gây chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ.

Trong trận chiến ác liệt ấy, tất cả đều chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 4 người bị Mỹ bắt trong trận đánh đều là thương binh, hơn 200 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra, nhiều người trong đó đã bị quân xâm lược Mỹ vùi vào những hố chôn tập thể… Những cuộc chiến đấu giành giật cao điểm những ngày sau đó, trong đó có đợt tấn công của ta ngày 25-5-1968, nhiều lính mũ sắt đã hy sinh.

Một ngày đầu năm 2008, hơn 40 năm sau trận chiến quyết tử trên núi Chư Tan Kra, Chư Tan An, cuộc tao ngộ của những người lính may mắn sống sót năm xưa trở về gặp nhau mới biết, đồng đội của họ năm xưa hy sinh ở Sa Thầy vẫn chưa được quy tập bởi không ai biết vị trí cụ thể.

Nhiều gia đình liệt sĩ đã đi tìm nhưng không biết vị trí chính xác ở đâu nên vẫn không tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Vậy là hàng trăm liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó, phơi sương gió trên dãy núi ấy, trong rừng già Chư Mom Ray. Trước nỗi khát khao, niềm mong mỏi của các gia đình thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 đã bàn nhau quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm thi hài đồng đội.

Cựu chiến binh Hồ Đại đồng và di vật tìm thấy trong mộ liệt sĩ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những cựu binh U70 quyết tâm tìm đồng đội

Từ tháng 3 năm 2009, những chàng trai Hà Nội năm xưa nay đã ở tuổi “thất thập” lại cùng nhau quay lại Sa Thầy. Trong chuyến đi đầu tiên ấy chỉ có hai cựu chiến binh Hồ Đại Hồng, Nguyễn Văn Vĩnh và anh Trương Đức Bình - một thân nhân liệt sĩ. Sau 41 năm, họ mới tìm về nơi này.

Hơn 40 năm đã qua, mọi thứ đã thay đổi. Rừng già khi xưa giờ là cỏ lau, có nơi đã là nương sắn. Các ông cứ trở đi trở lại chiến trường xưa, lật từng gốc cây, ngọn cỏ để tìm vết tích của người đã nằm xuống. Kế hoạch tìm đồng đội của Ban liên lạc đã được Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng ủng hộ, được Quân đoàn 3, Sư đoàn 10 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, Huyện đội Sa Thầy hỗ trợ tìm kiếm. Dù đã xác định được vị trí của điểm cao 995 và 996 nhưng phải mất rất nhiều công sức và sau gần 2 tháng tìm kiếm, 14 liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy.

Sau kết quả của năm 2009, Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 có thêm động lực để trở lại Chư Tan Kra. Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng kể lại rằng: “Ngày 19-12-2010, ở đồi Tranh thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi tìm thấy dấu vết ngôi mộ lớn. Khi những người lính già phát cây, nhổ những bụi cỏ Mỹ thì bật lên theo rễ những mảnh nilon, đế giày cháy dở, lẫn trong đất đỏ bazan là những vệt đất đen và những vụn xương trắng đục…"

Cựu binh Hồ Đại Đồng bộc bạch: "Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy, vậy là đã gần hai năm với gần chục chuyến leo núi dài ngày, đi khắp vòng cung các dãy núi Chư Tan Kra, Chư Tan An… Vất vả thế để hôm nay, chúng tôi tìm được ngôi mộ tập thể thứ 2 của đồng đội. Từ trong hố bom dùng làm mộ, cán bộ, chiến sĩ huyện đội Sa Thầy đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ, 77 người trong số đó được an táng chung trong một ngôi mộ lớn ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, 4 hài cốt liệt sĩ được người thân đưa về Hà Nội”.

Các cựu binh đưa thi hài đồng đội về an táng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong gần 9 năm qua, năm nào Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 cũng trở lại Sa Thầy để tìm đồng đội. Dẫu rất cố gắng nhưng đến nay, chỉ mới hơn 100 liệt sĩ được tìm thấy. Với các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209, trái tim họ chưa lúc nào thôi trăn trở. Bởi họ biết có rất nhiều đồng đội khác vẫn đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất cao nguyên nắng gió này. Điều đó đồng nghĩa với việc, cũng bằng ấy gia đình liệt sĩ khắc khoải chờ mong.

Sau rất nhiều đợt tìm kiếm từ 2010 đến tháng 12-2017, Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 tìm được 15 liệt sĩ với rất nhiều hiện vật, trong đó có chiếc bút kim tinh mang tên Phạm Bá Thi - người lính của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 và cũng là dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên của Trung đoàn 209.

Những thi hài liệt sĩ được quy tập là động lực để các cựu binh của Trung đoàn 209 tiếp tục hành trình tìm đồng đội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 7-2018, những người lính già của Trung đoàn 209 lại cùng nhau trở lại Tây Nguyên, tìm tới đỉnh Chư Tan Kra để tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội. Đây là chuyến đi tìm đồng đội lần thứ 28 của họ. Những ngày này ở Sa Thầy mưa lũ, đường qua ngầm có chỗ ngập 1,5m nhưng những người lính già vẫn không quản ngại vất vả, khó khăn để lên rừng, leo núi. Đối với họ, mỗi hành trình trở lại Chư Tan Kra là những ký ức không thể phai nhòa.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng chia sẻ rằng, đó thực sự là chuyến đi gian nan nhưng bù đắp cho họ là kết quả với 34 hài cốt liệt sĩ cùng với rất nhiều tăng, đế giày và đạn được tìm thấy. Lễ truy điệu và an táng 34 liệt sĩ đã diễn ra trang trọng tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội ở xã Ya Xier, huyện Sa Thầy.

Người Sa Thầy để trở lại Thủ đô, những người lính già trong Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 tâm niệm sẽ luôn hướng về đỉnh Chư Tan Kra huyền thoại, nơi yên nghỉ của đồng đội các ông 50 năm qua. Dù những người lính già đang nỗ lực chạy đua với thời gian, quy luật tuổi già, sức khỏe dần cạn nhưng ý chí tìm lại đồng đội sẽ không bao giờ tắt.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng bảo rằng: “Vẫn còn nhiều đồng đội nằm lại trên đó và chúng tôi hứa, sẽ tiếp tục quay lại để tìm đưa các bạn trở về...”.

Thanh Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuu-binh-mu-sat-u70-tim-dong-doi-tren-dinh-chu-tan-kra/