Cựu Bí thư Bến Cát phủ nhận 'bắt tay' với cán bộ ngân hàng để hưởng lợi

Cựu Bí thư Thị xã Bến Cát phủ nhận hoàn toàn cáo trạng mà Viện kiểm sát truy tố, cho rằng mình không bắt tay để hưởng lợi khi mua đất, thiết bị.

Sáng nay (12/12), phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” tiếp tục với phần xét hỏi.

Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn); Nguyễn Quang Lộc (nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).

 Bị cáo Khanh trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát nhân dân.

Bị cáo Khanh trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát nhân dân.

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Khanh phủ nhận hoàn toàn cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân truy tố. Bị cáo cho rằng, việc mua bán đất giữa bị cáo và bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây) là giao dịch dân sự.

Theo bị cáo Khanh, ông ta biết bà Hiệp thông qua một người môi giới bất động sản. Sau khi đi xem đất, hai bên gặp nhau để thỏa thuận giá và phương thức thanh toán chứ không hề thỏa thuận với Ngân hàng BIDV.

Việc ký thỏa thuận ba bên giữa ngân hàng, bà Hiệp và bị cáo là để biết chắc rằng phía ngân hàng cho bà này xử lý tài sản thế chấp. Ngân hàng phải chịu trách nhiệm với việc bà Hiệp bán đất và phải có trách nhiệm đưa sổ đỏ cho bị cáo sau khi hoàn thành giao dịch mua bán.

Về phương thức thanh toán cho bà Hiệp vừa bằng chuyển khoản vừa bằng tiền mặt, theo ông Khanh là theo yêu cầu của người bán chứ không làm việc với BIDV và chuyển tiền cho ngân hàng.

Phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Hồng Khanh.

Trong diễn biến liên quan, trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc đều khai rằng, việc mua bán đất không có sự bàn bạc với bà Hiệp và bị cáo Khanh; không hưởng lợi từ việc xử lý tài sản thế chấp và ngân hàng không bị thiệt hại.

Hai bị cáo cũng cho rằng, nhiều nội dung quy kết trong cáo trạng là chưa đúng. Theo đó, các lần ông Khanh mua tài sản thế chấp của bà Hiệp đều được bà Hiệp có đơn đề nghị. Để từ đó, ngân hàng mới tiến hành thẩm định, xem xét giá, quy trình và đồng ý. Sau đó, tài sản được giải chấp và ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng.

Theo cáo trạng, bà Hồ Thị Hiệp (đã mất năm 2015) cùng con gái là Nguyễn Hiệp Hảo thành lập 2 công ty để sản xuất kinh doanh. Từ năm 2005-2008, 2 công ty thế chấp tài sản hơn 20 ha tại xã An Tây, thị xã Bến Cát để vay của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền 72 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả nợ, buộc ngân hàng phải tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Huy Hùng đã chỉ đạo cho cấp dưới là Nguyễn Quang Lộc trực tiếp thực hiện xử lý tài sản thế chấp trên. Hùng, Lộc đã cấu kết với bà Hiệp và ông Khanh thực hiện việc xử lý tài sản trái quy định pháp luật, để ông Khanh mua gần 20 ha đất và máy móc thiết bị trị giá 45,7 tỉ đồng, nhưng ngân hàng chỉ thu hồi nợ được số tiền 10,3 tỉ đồng tiền gây thất thoát cho nhà nước số tiền 35,4 tỉ đồng.

Liên đới vụ án, ngoài cán bộ ngân hàng còn có các cựu cán bộ xã, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai Thị xã Bến Cát./.

CTV Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/vu-an/cuu-bi-thu-ben-cat-phu-nhan-bat-tay-voi-can-bo-ngan-hang-de-huong-loi-989099.vov