Cứu bệnh nhân nhịp tim chậm 30 - 40 lần bằng máy tạo nhịp tim

Vừa qua, khoa Hồi sức tim mạch – Bệnh viện quận Thủ Đức đã kết hợp với Bệnh viện quận 7 thực hiện thành công ca đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân bị nhịp tim chậm.

Bệnh nhân là bà L.T.H, 54 tuổi, ngụ tại Quận 7, nhập viện trong tình trạng chóng mặt, gần ngất nhiều lần, nhịp tim chậm 30 đến 40 lần, có những lúc ngừng tim kéo dài.

Sau khi khám, các bác sĩ Bệnh viện quận 7 đã hội chẩn liên bệnh viện với Bệnh viện quận Thủ Đức, ekip bác sĩ Hồi sức tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức được điều động tới cùng với bác sĩ Bệnh viện quận 7 để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, tạm thời nâng nhịp tim bệnh nhân lên, giúp ổn định huyết áp và giảm các triệu chứng nguy hiểm.

Sau khi đặt máy tạo nhịp tạm thời 2 ngày, bệnh nhân ổn định hơn và được chuyển Bệnh viện quận Thủ Đức để tiến hành rút máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim dưới sự hổ trợ máy DSA.

Gần 2 giờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển về khoa Hồi sức tim mạch. Hiện tại bệnh nhân ổn định và được xuất viện tái khám định kỳ.

Ê kíp hai bệnh viện tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Nhân, khoa Hồi sức tim mạch – Bệnh viện quận Thủ Đức: “Bệnh nhân được chẩn đoán nhịp tim chậm nên được chọn kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, cụ thể là đặt máy tạo nhịp tim hai buồng giúp bệnh nhân ổn định nhịp tim, đảm bảo nhu cầu sinh lý đập 60 lần/phút. Nhịp tim bình thường đập từ 60 – 100 lần/phút”.

Bác sĩ Nhân cũng cho biết đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn là một trong những kỹ thuật cao trong tim mạch được thực hiện thường quy tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Đây là ca bệnh đặc biệt có sự kết hợp giữa Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện quận 7, dưới sự hỗ trợ cố vấn của TS. Phạm Hữu Văn – Phó Chủ tịch Hội nhịp tim học TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện quận Thủ Đức”.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và chia sẻ nguồn lực 2 bệnh viện trong giải quyết các trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút - vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút. Ở một người bình thường khỏe mạnh, nhịp tim bình dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần trong 1 phút. Nếu nhịp tim trên 90 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể làm người bệnh có cảm giác đau ngực, có những trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ, người ta gọi là cơn AdamStock.

Nhịp tim chậm có thể có các triệu chứng: Chóng mặt, choáng váng, khó thở, mệt mỏi, không tập trung, ngất xỉu... Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người nhịp tim chậm từ nhỏ hay do luyện tập (như luyện yoga) nên vẫn không có rối loạn nào biểu hiện trên lâm sàng.

Một số thuốc hạ huyết áp có thể làm chậm nhịp tim, đó là các thuốc hạ huyết áp có tác dụng ức chế beta giao cảm như sectral, atenolol, metoprolol… Chính vì vậy, khi uống các loại thuốc trên phải thường xuyên kiểm tra nhịp tim trước và trong khi dùng thuốc. Khi thấy nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút, nên dừng loại thuốc điều trị tăng huyết áp nói trên và đến bác sĩ điều trị để thay bằng một loại thuốc khác có cơ chế tác dụng ức chế kênh canxi, ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể angiotensin.

Để đảm bảo an toàn, khi có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để có hướng xử trí thích hợp.

Nguồn: Nguyễn Vũ/Sức khỏe đời sống

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/cuu-benh-nhan-nhip-tim-cham-30--40-lan-bang-may-tao-nhip-tim-d397088.html