Cứu bệnh nhân có nhóm máu hiếm

Bác sĩ đã sử dụng máy truyền máu hoàn hồi khi phẫu thuật tim mạch cho bệnh nhân.

Ngày 19/11, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim của đơn vị vừa phẫu thuật thành công ca bắc cầu mạch vành sử dụng máy truyền máu hoàn hồi cho bệnh nhân D.V.M. (56 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Bệnh nhân này có nhóm máu hiếm O/Rhesus âm (còn gọi là O Bombay).

Trao đổi với Zing, bác sĩ Phong cho biết: "Hiện nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô. Chúng tôi dự kiến cho ông ra viện ngày 20/11".

Ông M. nhập viện sáng 20/10 trong tình trạng đau ngực trái nhiều. Kết quả chụp động mạch vành cản quang cho thấy bệnh nhân bị hẹp thân chung, hẹp nặng 3 nhánh động mạch vành, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type II.

 Ông M. được xuất viện trong ngày 20/11. Ảnh: T.P.

Ông M. được xuất viện trong ngày 20/11. Ảnh: T.P.

Ông M. và gia đình không biết mình mang nhóm máu hiếm. Nhóm máu này trong 10.000 dân chỉ 4-7 người và đặc biệt phổ biến ở người châu Âu, rất hiếm ở châu Á.

Do bệnh nhân mang máu hiếm nên các bác sĩ chọn phương pháp phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu) không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.

Trước nhu cầu cần có lượng máu hiếm Rh (-) để phẫu thuật, khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, phối hợp Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vận động ngân hàng máu sống và hiếm để cung cấp 2 đơn vị khối hồng cầu lắng, 2 khối huyết tương đông lạnh và 1 kít tiểu cầu 250 ml gạn tách.

Ngày 11/11, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Việt Triều, Phó khoa Phẫu thuật tim cùng các đồng nghiệp đã mổ mạch vành thành công cho ông M.

Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ, sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi (lấy máu của mình truyền cho mình) bằng hệ thống máy Cell Saver, có sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sử dụng máy truyền máu hoàn hồi trong trường hợp này giúp nhanh chóng xử lý lượng máu mất đi nhằm kịp thời truyền lại cho bệnh nhân.

Máu sau khi xử lý có chất lượng tốt vì loại bỏ các chất đệm hồng cầu, hemoglobin tự do trong huyết tương, các chất chống đông máu, các yếu tố đông máu và kali ngoại bào.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-benh-nhan-co-nhom-mau-hiem-post1154600.html