Cứu bé trai nguy kịch vì bị đuối nước

Trong lúc câu cá, bệnh nhi 8 tuổi bị ngã xuống ao. Bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng.

Thông tin do Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cung cấp chiều 1/4. Bệnh nhi là bé T.V.T. (8 tuổi, trú tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ê-kíp khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng bị đuối nước, hôn mê, toàn thân tím tái, miệng mũi xuất tiết nhiều dịch và suy hô hấp độ III tiên lượng nặng.

 Bé T. đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị chờ ngày xuất viện. Ảnh: BVCC.

Bé T. đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị chờ ngày xuất viện. Ảnh: BVCC.

Nhận định cháu T. đang trong tình trạng nguy kịch tính mạng vì có dấu hiệu phù phổi cấp, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc đã nhanh chóng hút dịch mũi miệng, bóp bóng qua mặt nạ có oxy. Đồng thời, trẻ được thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, điều chỉnh thăng bằng kiềm - toan, cân bằng nước điện giải và theo dõi sát toàn trạng.

Sau một ngày thở máy xâm nhập, các chỉ số sinh tồn của bé dần ổn định, trẻ được ngừng dùng máy thở để chuyển sang thở oxy mask.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, tiếp tục được chăm sóc, điều trị chờ ngày xuất viện.

Theo lời người nhà, chiều 18/3, bé T. đi câu cá với bạn ở gần ao và bị ngã. Người nhà đã đưa cháu lên bờ, lúc này, T. trong tình trạng tím tái, ngừng thở. Nhân viên y tế đã có mặt kịp thời để sơ cứu. Sau khoảng 10 phút, cháu T. có phản xạ và được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp, khiến các cơ quan bị thiếu oxy và chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Đây cũng là tai nạn nguy hiểm và gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Theo các bác sĩ, trẻ em thường chưa nhận thức được việc bảo vệ an toàn cho bản thân nên rất dễ xảy ra đuối nước.

Phần lớn trẻ bị đuối nước sẽ tử vong hoặc để lại di chứng não do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước rất quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.

Ngay khi phát hiện trẻ gặp nạn, chúng ta cần tìm mọi cách đưa các bé ra khỏi mặt nước và đặt ở nơi khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bị ngừng thở, ngừng tim, bệnh nhi cần được cấp cứu thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực ngay. Bởi nếu chậm trễ, não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài sẽ bị chết, dẫn tới tử vong hoặc di chứng nặng.

Trong quá trình sơ cứu, chúng ta cần tránh các sai lầm như hơ lửa làm ấm cơ thể bởi dễ khiến bệnh nhi bị bỏng; không dốc ngược hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn ra nước vì không hiệu quả. Việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt, tăng nguy cơ hít sặc.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần nhắc trẻ không chơi đùa gần những nơi tiềm ẩn rủi ro như ao, hồ, sông, suối, kênh rạch… Ngoài ra, chúng ta không nên để trẻ nhỏ một mình ở nhà, cần đậy kín các vật chứa nước, nếu trẻ đến hồ bơi cần đi cùng người lớn và tuân thủ quy định.

Khi tắm biển, sông, dù biết bơi hay không, trẻ chỉ nên ở gần bờ. Phụ huynh cũng nên cho con tham gia các lớp học bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu khi đuối nước để xử trí đúng cách, kịp thời.

Thiên Nhan - Hiền Chúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-be-trai-nguy-kich-vi-bi-duoi-nuoc-post1199706.html