Cushion trang điểm tích hợp dưỡng da và những điều ít ai biết

Cushion ra đời để giải quyết đồng thời hai vấn đề: trang điểm và dưỡng da. Tuy nhiên, sử dụng cushion trang điểm vẫn có những khuyết điểm nhất định mà bạn chưa biết.

Người trẻ hiện đại không có quá nhiều thời gian để trang điểm kỹ lưỡng hàng ngày, họ phải dậy sớm, nhanh chóng sắp xếp đồ đạc và đến công ty. Điều này khiến nhiều phụ nữ đặt câu hỏi trong đầu: "Làm cách nào để trang điểm thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo lớp nền đẹp và tự nhiên hết sức có thể?"

Hiểu được nhu cầu đó, các chuyên gia Hàn Quốc đã nghiên cứu và tung ra thị trường cushion trang điểm - bước đột phá trong ngành làm đẹp. Cushion đã mang đến một cuộc sống dễ dàng hơn cho nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, sản phẩm trang điểm này không hẳn là không có điểm yếu.

Cushion trang điểm là sản phẩm đột phá của ngành làm đẹp tại Hàn Quốc và ngày càng nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: Pinterest.

Cushion trang điểm là sản phẩm đột phá của ngành làm đẹp tại Hàn Quốc và ngày càng nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: Pinterest.

Cushion là gì?

Cushion (phấn nước) nói chung là một loại kem nền dạng lỏng được nén trong miếng mút đệm có nhiều lỗ thoát khí.

Do có ngoại hình giống với các hộp phấn phủ truyền thống, cushion được gọi với tên mỹ miều là "phấn nước". Ảnh: Styleguru.

Đi kèm với mỗi lõi cushion là bông phấn/miếng mút đệm để lấy phấn. Do có cấu trúc giống với các loại phấn phủ truyền thống nên cushion được người Việt gọi là phấn nước. Tuy nhiên, kết cấu và mục đích sử dụng hai loại này lại hoàn toàn khác nhau.

Cushion được giới thiệu lần đầu tiên tại tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2008. Sau đó, loại mỹ phẩm này trở thành "cơn sốt" toàn cầu, lan rộng ra các nước phương Tây.

Hiện nay, các hãng mỹ phẩm lớn đều đưa cushion trở thành mặt hàng chính vì nó được nhiều phái đẹp ưa chuộng bởi sự tiện dụng, có thể dặm lại liên tục khi phấn bị trôi.

Ngoài cushion truyền thống, nhiều hãng mỹ phẩm tung ra các sản phẩm khác như BB Cushion, CC Cushion với thành phần dưỡng chiếm ưu thế. Nhiều thương hiệu còn mạnh dạn khẳng định trong sản phẩm cushion của họ có thành phần dưỡng chiếm đến 99%, 1% còn lại mới là trang điểm.

Cushion có nhiều ưu điểm vượt trội

Các chuyên gia Hàn Quốc đã nghiên cứu, lọc ra một số khuyết điểm của dòng kem nền truyền thống và tạo nên loại cushion có nhiều ưu điểm.

Cushion dưỡng da tích hợp nhiều tính năng quan trọng như dưỡng ẩm, chống nắng và trang điểm. Ảnh: K Beauty.

Hầu hết cushion được bán trên thị trường hiện nay đều tích hợp những tính năng dưỡng ẩm, chống nắng và trang điểm. Với các loại kem nền ngày trước, muốn lớp nền vừa mịn, vừa chống nắng bạn phải trải qua nhiều bước, từ dưỡng ẩm, kem chống nắng, kem lót rồi mới đến kem nền. Nhưng khi sử dụng cushion, bạn chỉ cần một bước duy nhất, tiết kiệm thời gian trong việc trang điểm hàng ngày.

Các loại cushion đều có chỉ số chống nắng SPF 20 PA+++ trở lên cộng với texture tương đối ẩm mượt được làm từ các chất lành tính, nên các bạn có thể yên tâm sử dụng trên da mặt.

Cushion không hoàn toàn thích hợp với mọi người

Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng cushion cũng có kha khá khuyết điểm. Vì vậy, đây không phải là loại mỹ phẩm trang điểm dành cho mọi người.

Thứ nhất, mùi hương là điểm trừ lớn nhất của cushion. Với một số tín đồ làm đẹp kỹ tính, họ đều rất ngại sản phẩm hương liệu hoặc có mùi quá thơm. Dù trên nhãn có ghi "thích hợp với làn da nhạy cảm", nhưng mùi thơm của cushion cũng khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ về thành phần.

Nguyên liệu tạo mùi hương không phù hợp với da nhạy cảm. Nhiều trường hợp xảy ra kích ứng khi sử dụng cushion, điều đó đều đến từ việc lạm dụng mùi hương trong sản phẩm.

Cushion khá kén da, lớp trang điểm thường trắng hơn tay chân và cổ đến vài tông. Ảnh: Yeon Doukong.

Thứ hai, cushion quá ẩm mượt, không thích hợp cho người da dầu. Hàn Quốc là cái nôi của phấn nước, người dân nước này lại có làn da tương đối khô, các sản phẩm cushion đáp ứng được vấn đề dưỡng ẩm cho làn da khô ráp. Tuy nhiên, với nhiều người Việt, sử dụng loại kem nền quá ẩm lại khiến da dễ đổ dầu và loang lổ. Bạn phải kiềm dầu rất kỹ trước khi sử dụng loại mỹ phẩm này.

Điều bất tiện thứ ba là cushion không có nhiều màu để chọn. Cac loại cushion hiện nay đều có khá ít tông màu, chủ yếu phân ra màu 21 (da trắng sáng) và màu 23 (da trung bình). Tuy nhiên, theo trải nghiệm của người dùng, hai màu này đều khá sáng đối với làn da người Việt, khi sử dụng đều gặp phải hiện tượng "da mặt một đằng, da cổ một nẻo". Vì vậy, bạn phải có sản phẩm chuyên dụng khác dùng cho vùng cổ để tránh cùng da.

Cushion không có hiệu quả kinh tế

So với các loại kem nền truyền thống, cushion có dung tích khoảng 50 ml và nén trong một lõi khí. Khi lấy kem từ cushion, bông mút đã dính một lượng khá lớn sản phẩm, khi lên da chỉ còn sót lại một ít/

Vì vậy, nhiều người khá bất ngờ khi cushion rất mau hết dù sử dụng không nhiều và đều đặn. Nếu bạn để ý, khi vệ sinh bông mút, một lượng lớn cushion sẽ trôi ra ngoài. Điều này xảy ra là vì các bông mút đi kèm lõi phấn rất dai, mịn, hút kem nền. Điều này dẫn đến hai câu chuyện: lớp finish (lớp nền khi hoàn chỉnh) sẽ rất mịn; tuy nhiên, bông mút cũng hút quá nhiều kem.

Cushion không thích hợp cho người có da nhiều khuyết điểm và trang điểm chuyên nghiệp. Ảnh: Jodie Caughey.

Chính vì các khuyết điểm trên, Cushion không hoàn toàn thích hợp với làn da nhiều khuyết điểm. Với nền tảng "cho bạn lớp nền trong suốt, mỏng nhẹ", cushion khó lòng giải quyết đồng thời hai việc vừa giúp bạn có lớp nền tự nhiên lại che phủ hoàn toàn khuyết điểm.

Bạn có thể dặm nhiều lớp cushion lên để che khuyết điểm, nhưng điều đó lại dẫn đến việc hộp cushion của bạn sẽ hết sạch trong vòng 1-2 tháng.

Vì vậy, bạn phải suy nghĩ kỹ khi lựa chọn gắn bó với cushion. Tất nhiên, không có sản phẩm nào là hoàn hảo 100%, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải lựa chọn yếu tố bạn cần nhất để áp dụng cushion hay foundation vào bước làm đẹp.

Kỳ sau: Chọn cushion hay foundation để đánh nền và những điều bạn nên lưu ý.

A. Phạm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cushion-trang-diem-tich-hop-duong-da-va-nhung-dieu-it-ai-biet-post919453.html