Cướp tài sản thì phải tử hình mới đủ răn đe tội phạm

Nhiều ý kiến của bạn đọc và chuyên gia cho rằng việc áp dụng khung hình phạt cao nhất là chung thân đối với tội Cướp tài sản là chưa đủ sức răn đe. Về vấn đề này, Người Lao Động Online xin trích đăng bài viết của luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM).

Theo quy định tại khoản 4 Điều 133 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tội "Cướp tài sản" có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, đến BLHS năm 2015 hình phạt tử hình đối với tội phạm này đã được bỏ, khung hình phạt cao nhất cũng là chung thân nếu gây hậu quả chết người.

Một số ý kiến cho rằng quy định mới như vậy là không hợp lý, bởi lẽ hình phạt cao nhất của tội "Giết người" là tử hình, tuy nhiên khung hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản", bao gồm cả tình tiết tăng nặng "làm chết người" lại chỉ là hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân.

Để lý giải về vấn đề này, có thể hiểu như sau:

Thứ nhất, một trong những định hướng cơ bản khi xây dựng BLHS hiện hành là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 mà một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình. Ngoài ra, yêu cầu hội nhập quốc tế thể hiện qua xu hướng bãi bỏ hình phạt tử hình của ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới.

Vụ cướp giật tại quận Tân Phú (TP HCM) khiến 2 người tử vong đang gây xôn xao dư luận

Vụ cướp giật tại quận Tân Phú (TP HCM) khiến 2 người tử vong đang gây xôn xao dư luận

Thứ hai, về khách thể của các tội phạm. Đối với tội "Giết người", khách thể bị xâm phạm là quan hệ nhân thân, cụ thể là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Mà trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được.

Trong khi đó, khách thể chủ yếu của tội "Cướp tài sản" là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người phạm tội chỉ dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người khác.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng BLHS mới theo hướng nhân đạo hơn, các nhà làm luật đã xem xét mức độ nghiêm trọng đối với xã hội, mặt khách quan, chủ quan để từ đó, quy định các khung hình phạt hợp lý, vừa đủ tính răn đe nhưng vẫn thể hiện được tinh thần nhân đạo của bộ luật.

Kẻ cướp dùng dao khống chế nhân viên cửa hàng tiện ích lúc nửa đêm

Tôi đồng ý với chủ trương, định hướng cơ bản trong công tác sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc quyết định tội phạm nào sẽ không còn hình phạt tử hình (so với quy định cũ), cần phải được cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, phải phù hợp với tình hình tội phạm, bối cảnh xã hội của mỗi quốc gia. Việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 BLHS 2015 (Điều 133 BLHS năm 1999) cũng không phải là ngoại lệ.

Thứ nhất, tội "Cướp tài sản" xâm phạm đến khách thể chính là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, để xâm phạm đến khách thể này, người phạm tội đã xâm phạm đến đến khách thể về nhân thân (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người) thông qua hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị hại rơi vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nói cách khác, tội "Cướp tài sản" xâm phạm đến hai khách thể là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội "Cướp tài sản" không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản trong cấu thành của tội "Cướp tài sản", phản ánh đầy đủ bản chất của tội phạm này. Do vậy, có thể thấy rõ ràng rằng, việc xâm phạm đến cả hai khách thể của tội phạm này có tính chất và mức độ nguy hiểm là rất nghiêm trọng.

Thứ hai, nếu người phạm tội giết người để cướp tài sản thì có thể bị truy cứu cả hai tội, là tội "Cướp tài sản" và tội "Giết người", khi tổng hợp hình phạt có thể bị đề nghị tử hình. Tuy nhiên, thực tế không phải trường hợp nào hành vi cướp tài sản mà làm chết người cũng sẽ bị xử lý thêm về tội "Giết người". Hơn nữa, tình tiết "làm chết người" (có thể do cố ý hoặc vô ý) được quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 168 BLHS (cấu thành tăng nặng) hiện hành là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự chứ không đương nhiên hành vi cướp tài sản đã bị truy cứu trách nhiệm ở hình phạt tử hình.

Một tài xế xe ôm công nghệ bị cướp đâm tử vong vào đêm mùng 1 Tết vừa qua

Trường hợp "làm chết người" đã phản ánh rõ nét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không đơn thuần là xâm phạm về quan hệ tài sản mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quan hệ nhân thân. Do vậy, nếu hình phạt cao nhất là chung thân thì chưa phản ánh rõ nét bản chất và tinh thần quy định của điều luật cũng như khung hình phạt được xây dựng tại khoản 4 Điều này (bao gồm xâm phạm về tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng, xâm phạm đến sức khỏe, xâm phạm đến tính mạng).

Cho nên, việc khoản 4 của Điều luật này chỉ quy định hình phạt cao nhất là chung thân sẽ không đảm bảo tính răn đe, giáo dục người phạm tội cũng như công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm – nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự.

Thứ ba, thực tiễn hiện nay cho thấy các đối tượng thực hiện tội phạm xâm phạm quan hệ tài sản nói chung và tội cướp tài sản nói riêng ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chống trả quyết liệt nạn nhân khi bị phát hiện hành vi phạm tội hay bị truy bắt.

Khi đó, mặc dù quyền sở hữu của người bị hại là khách thể chính bị xâm phạm nhưng quyền được bảo đảm vệ sức khỏe, tính mạng cũng bị đe dọa và xâm phạm nghiêm trọng. Do đó, nếu hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản chỉ dừng lại ở chung thân thì tính phòng ngừa chung, răn đe của tội phạm này là không đủ.

Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/cuop-tai-san-thi-phai-tu-hinh-moi-du-ran-de-toi-pham-20210226110318633.htm