Cướp ngày!

Truyền thông bắt đầu vào cuộc cùng ngành công an trong cuộc chiến chống lại tín dụng đen với những thực tế quá khủng khiếp.

Khủng khiếp, khi chẳng hạn một tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai mà có tới 500 đầu mối cho vay tiền với lãi suất cao. Khủng khiếp, vì mức lãi cả năm tới 50%, thậm chí có cả mức lãi ngày 2%. Một mức lãi đúng là “cắt cổ”. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm “Nhiều vụ mở những giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày”.

Nhưng sự lên tiếng của báo chí hay “vào cuộc” của ngành công an không thể xóa bỏ thực tế xã hội đang gây bất ổn này. Bởi cái gốc là nhu cầu tiền/vốn, là rất lớn trong xã hội.

Mấy năm trước, sau vụ chủ nợ thuê người “xử đẹp” con nợ bằng súng, báo chí từng đặt câu hỏi tại sao lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại phổ biến chỉ khoảng 0,75 - 0,85%/tháng, mà dân, và cả doanh nghiệp vẫn phải vay tín dụng đen với lãi suất cao ít nhất gấp 20 lần, thậm chí còn “cắt cổ” hơn?

Và câu trả lời là vốn ngân hàng, như một cửa ải, rất khó để tiếp cận.

TS Cấn Văn Lực từng đưa ra những con số “biết nói”: Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại chiếm tỉ trọng tới 97% tổng số DN, hằng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP và 31% tổng số thu ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, đây lại là nhóm DN khó nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Mới nhất, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, từ cách đây 30 năm, ông và các cộng sự đã phát hiện ra 3 vấn đề lớn nhất, liên quan mật thiết tới sự phát triển của các DNNVV: “Thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba cũng là vốn”. Và đây là 3 vấn đề tồn tại trong suốt 30 năm qua. Cho đến hiện tại.

Doanh nghiệp đã vậy, người dân còn khó hơn với một thực tế rằng chưa có bất cứ ngân hàng nào thực hiện cho vay tín chấp với đối tượng lao động tự do. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng, với lãi suất lên đến 40%/năm đang thực chất là “dùng thu nhập tương lai để trả cho số nợ hiện tại” - theo TS Nguyễn Trí Hiếu.

Đối với các loại hình vay có tài sản đảm bảo, thủ tục cũng điệp trùng, thẩm định ngặt nghèo và nhiều khi là vô lý.

Sau vụ bắt giữ người trái pháp luật, cho vay nặng lãi, xiết nợ theo kiểu xã hội đen ở Hòa Bình bị công an triệt phá, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn công an các địa phương rà soát, tập trung tấn công trấn áp, triệt phá loại tội phạm này.

Nhưng những nỗ lực của ngành công an sẽ chỉ là đơn độc nếu như nhu cầu vốn/tiền trong xã hội, của cả người dân và doanh nghiệp không được đáp ứng một cách tương xứng.

ANH ĐÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cuop-ngay-624473.ldo