Cướp hài cốt thiếu nữ 18 tuổi: Đằng sau là câu chuyện 'đám cưới ma' tránh đen đủi của nhiều gia đình mê tín

Thân nhân của thiếu nữ quá cố bàng hoàng và đau đớn khi phát hiện ngôi mộ không còn nguyên vẹn và hài cốt đã biến mất. Đằng sau sự việc này là một câu chuyện vô cùng đáng sợ về một hủ tục lạc hậu.

Ngày 9/1, trang tin địa phương Thanh Niên, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã đựa tin về vụ trộm hài cốt người. Vụ việc này khiến người dân tại đây hoang mang và lo lắng. Theo đó, hài cốt thiếu nữ qua đời khi mới 18 tuổi có tên là Chu Tú Liên đã bị trộm mất. Cách đây một năm đã có người đến hỏi mua hài cốt để làm "đám cưới ma" nhưng gia đình cự tuyệt.

Theo người nhà của cô gái xấu số, cách đây 1 năm đã có gia đình đến xin hỏi mua hài cốt nhưng không ai đồng ý. Tuy nhiên, ngày 4/1, khi đến thăm mộ thì anh chị của cô gái xấu số phát hiện có dấu hiệu bị đào bới và đau lòng khi hài cốt không còn. Người chị gái khóc ngất lên ngất xuống vì thương xót cô em gái bé bỏng xấu số. Hiện sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra làm rõ.

Anh chị của nạn nhân khóc ngất trước mộ em gái.

Anh chị của nạn nhân khóc ngất trước mộ em gái.

Đằng sau vụ việc trộm hài cốt đau lòng này là một câu chuyện rùng rợn mang tên "đám cưới ma" hay gọi là minh hôn. Đó là một hủ tục lạc hậu đã bị chính quyền Trung Quốc cấm từ năm 1949. Tuy nhiên, ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa thì hủ tục này vẫn còn sót lại. Thậm chí, thời gian gần đây, còn bùng phát.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc ghi lại, nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng một chàng trai chưa vợ đã phải sang thế giới bên kia là một điềm xấu và gia đình họ sẽ bị xui xẻo. Và chính vì vậy cho nên gia đình sẽ tìm cách tìm kiếm một người con gái trẻ tuổi không may đoản mệnh để làm "đám cưới ma" cho con trai.

Theo ghi chép lưu lại, hủ tục này bắt đầu từ thời Tam Quốc. Trích từ sách “Tam Quốc chí - Ngụy chí - Bỉnh Nguyên chí”, năm Kiến An thứ 13, ghi lại điển tích Tào Xung, con trai Tào Tháo không may chết sớm. Tào Xung là cậu con trai thông minh hơn người và được Tào Tháo nhất mực yêu quý, kỳ vọng. Chính vì vậy, Tào Tháo rất đau khổ.

Trong thâm tâm, Tào Tháo day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới cho Tào Xung. Được biết, một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức "đám cưới ma" như thật, sau đó hợp táng cho "đôi vợ chồng mới cưới".

Hủ tục "đám cưới ma" có từ ngàn năm trước.

Tuy nhiên, thời Tam Quốc chưa phải là thời kỳ hưng thịnh của hủ tục lạc hậu này mà phải đến thời nhà Tống. Bất cứ gia đình nào có con trai chết yểu đều tìm cách làm "đám cưới ma" để phòng tránh tai ương cho những người ở lại. Ai cũng sợ vận đen sẽ ám ảnh đến hậu thế và dù tốn tiền vẫn phải tìm bằng được "cô dâu ma" để hợp táng.

Sau hàng ngàn năm, chính quyền Trung Quốc đã cấm và hủ tục "đám cưới ma" dần xa rời khỏi đời sống người dân nước này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa, nhiều gia đình còn giữ lại. Chính vì vậy đã xảy ra chuyện cướp hài cốt, trộm thi thể người, thậm chí là giết người để trục lợi từ hủ tục lạc hậu này.

Đỗ Quyên (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/cuop-hai-cot-thieu-nu-18-tuoi-dang-sau-la-cau-chuyen-dam-cuoi-ma-tranh-den-dui-cua-nhieu-gia-dinh-me-tin-20190110144322311.htm