Cướp biển trên Biển Đông: Hồ sơ vụ cướp tàu Zafiah (Phần 2)

Sau khi cướp được tàu Zafirah (treo cờ Malaysia), bọn cướp tàu đã nhanh chóng đổi tên thành SeaHorse (treo cờ Indonesia), các thiết bị trên tàu đã bị sơn lại nhằm thay đổi diện mạo của con tàu, nhưng việc làm của chúng không thoát khỏi sự truy tìm của Cảnh sát biển Việt Nam.

Lúc 14 giờ ngày 16/11/2012, tàu rời cảng Pasir Guadang, Malaysia chở 300 tấn dâùdiesel đến cảng Miri, Malaysia. Lúc 3 giờngày 18/11/2012, tàu đi qua khu vực gần đảo Subi thuộc vùng biển Indonesia thì bị hơn chục đối tượng đeo mặt nạ đi trên tàu cá nhỏ, sử dụng súng ngắn, dao dài tấn công. Sau khi lên tàu, các đối tượng đã khống chế các thuyền viên, cướp tài sản cá nhân như tiền, đồng hồ, túi xách… Sau đó chúng trói các thuyền viên và nhốt vào phòng thuyền trưởng.

Khoảng 21 giờ 30 ngày 20/11/2012, bọn cướp buộc toàn bộ 9 thuyền viên trên tàu xuống phao cứu sinh và thả trôi trên biển, trên phao chỉ có một ít nước, ngoài ra không có bất cứ công cụ phương tiện gì khác. Đến khoảng 7 giờ ngày 21/11/2012 những người bị nạn trên đã được các tàu ngư dân đánh cá của Việt Nam cứu vớt.

Nhận được tin báo cướp, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã lệnh cho Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai các tàu tổ chức truy tìm tàu bị cướp. Khoảng 2 giờ 30 ngày 22/11/2012, Vùng Cảnh sát biển 3 của Việt Nam đã phát hiện ra tàu mang tên SeaHorse (treo cờ của Indonesia) xâm phạm lãnh hải Việt Nam nghi tầu bị cướp. Lúc 11 giờ cùng ngày, thuyền trưởng, thuyền phó và máy trưởng tàu Zafirah được đưa ra vị trí tàu Zafirah neo đậu để nhận dạng tàu.

Tàu Zafirah đã bị đổi tên

Sau khi cho thuyền trưởng và các thuyền viên tàu Zafirah nhận dạng và xác nhận con tầu đã bị đổi tên, các thiết bị trên tàu đã bị sơn lại nhằm đánh lạc hướng, các biên đội tàu Cảnh sát biển liền lập tức triển khai khống chế, bắt bọn cướp. Cảnh sát biển vùng 3 đã yêu cầu dừng tàu để kiểm tra, nhưng tàu trên bỏ chạy buộc Cảnh sát biển phải nổ súng cảnh cáo thì tàu trên mới dừng lại.

Đến 14 giờ 30 ngày cùng ngày, Cảnh sát biển vùng 3 đã lập biên bản bắt giữ tàu và 11 tên cướp mang quốc tịch Indonesia trên tàu. Khoảng 22 giờ cùng ngày các đối tượng trên đã được bàn giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu xử lý.

Các đối tượng bị bắt giữ

Để phục vụ cho công tác điều tra vụ cướp tàu Zafirah, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với Cảnh sát Indonesia và Malaysia xác minh các thông tin về nhân thân lai lịch, tiền án tiền sự của các đối tượng cướp biển bị bắt giữ, chủ sở hữu của tàu Zafirah và các thông tin, tài liệu có liên quan tới vụ việc tàu Zafirah, quốc tịch: Malaysia bị cướp.

Sau khi hoàn thiện các hồ sơ, ngày 19/12/2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao tàu Zafirah cùng với hàng hóa trên tàu cho chủ tàu là Công ty EA Marine của Malaysia; giao 5 thuyền viên quốc tịch Myanmar và 4 thuyền viên quốc tịch Indonesia cho các Lãnh sự quán của Myanmar và Indonesia tại Việt Nam. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đề nghị phía Indonesia cử đoàn công tác sang tiếp nhận 11 đối tượng.

Ngày 13/4/2013, Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quancủa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn giải 11 đối tượng cướp biển lên Sân bay Tân Sơn Nhất và bàn giao cho Cảnh sát Indonesia theo đúngquy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Qua đó lực lượng chức năng các nước tăng cường cảnh báo về nạn cướp biển khu vực này.

Hòa Thu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuop-bien-tren-bien-dong-ho-so-vu-cuop-tau-zafiah-phan-2-222636.html